Công bố Hệ thống hỗ trợ cảnh báo lũ quét Đông Nam Á SEAFFGS

Đăng ngày: 28-06-2022 | Lượt xem: 2700
Ngày 28/6/2022, Tổng cục Khí tượng Thủy văn (KTTV) phối hợp với Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) tổ chức Hội thảo công bố hệ thống hỗ trợ cảnh báo lũ quét khu vực Đông Nam Á (SEAFFGS) và kết thúc hợp phần khu vực Đông Nam Á thuộc dự án Crews Canada. GS.TS Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV và TS. Hwirin Kim, Trưởng phòng Dịch vụ Thủy văn và Tài nguyên nước, Đại diện Ban Thư ký của WMO đồng chủ trì Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái chia sẻ: Như chúng ta đều biết, lũ quét đã gây ra thiệt hại hơn 5 nghìn sinh mạng và thiệt hại lớn về tài sản hàng năm, đe dọa sự phát triển bền vững toàn cầu. Đông Nam Á nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa và là một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của các thảm họa thủy văn như lũ ống, lũ quét và sạt lở đất. Tuy nhiên, hệ thống cảnh báo sớm lũ quét và sạt lở đất còn chưa đầy đủ và phù hợp.

Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái phát biểu tại Hội thảo

Năm 2017, Tổ chức Môi trường và Biến đổi khí hậu Canada và WMO đã xây dựng Dự án “Xây dựng khả năng chống chịu tác động của các hiện tượng KTTV qua việc tăng cường các hệ thống cảnh báo sớm đa thiên tai ở các quốc đảo nhỏ đang phát triển và Đông Nam Á” (CREWS) với nguồn vốn tài trợ từ Chính phủ Canada nhằm tăng cường Hệ thống Cảnh báo sớm đa thiên tai ở các quốc gia. Dự án được thiết kế dựa trên sự tích hợp các sáng kiến của WMO với trọng tâm là lũ quét, sạt lở đất và thời tiết nguy hiểm gồm: Hệ thống Hướng dẫn Lũ quét và Chương trình dự báo thời tiết nguy hiểm.

Một trong những nội dung chính trong chương trình này là xây dựng và triển khai Hệ thống hỗ trợ cảnh báo lũ quét khu vực Đông Nam Á nhằm hỗ trợ các cơ quan khí tượng thủy văn quốc gia trong khu vực Đông Nam Á trong cảnh báo, dự báo lũ quét.

Cũng trong năm 2017, thông qua cuộc họp lập kế hoạch ban đầu cho Chương trình Hệ thống hướng dẫn lũ quét Đông Nam Á (SEAFFGS) do WMO tài trợ đã được tổ chức tại Việt Nam với sự tham gia của 4 nước thành viên gồm Việt Nam, Lào, Cam pu chia và Thái Lan, Việt Nam được chấp thuận đại diện là Trung tâm vùng của SEAFFGS và đặt trụ sở tại Tổng cục KTTV Việt Nam. Sự kiện này cho thấy, ngành KTTV đã nhận được sự tin cậy của WMO cũng như của các cơ quan KTTV, các đồng nghiệp từ các nước trong khu vực Đông Nam Á. Việt Nam đã khẳng định vị thế của ngành KTTV trên phạm vi quốc tế và khu vực. Đây là vinh dự của Tổng cục KTTV Việt Nam khi được đóng góp vào công tác cảnh báo thiên tai cho khu vực Đông Nam Á nói riêng và cho Châu Á nói chung.

Thực hiện vai trò của Trung tâm vùng của SEAFFGS, Việt Nam sẽ đảm nhận trách nhiệm những trách nhiện quan trọng gồm: Quản lý 2 máy chủ đặt tại Tổng cục KTTV, cung cấp thông tin liên lạc, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực duy trì đường truyền, dữ liệu, bảo trì, vận hành hệ thống SEAFFGS để cung cấp dữ liệu và trao đổi cho các Trung tâm Dự báo KTTV tại khu vực Đông Nam Á. Chịu trách nhiệm phối hợp với các nước thành viên để cung cấp các đánh giá về sản phẩm của hệ thống, hỗ trợ các nước thành viên trong việc khai thác và sử dụng các sản phẩm của SEAFFGS nhằm nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo lũ quét sạt lở đất.

Đồng thời là một thành viên tích cực của WMO, Việt Nam sẽ đảm nhận chủ trì các hội thảo liên quan đến SEAFFGS cũng như tham gia các hoạt động thuộc GFFGS theo yêu cầu của WMO. Phối với WMO và Trung tâm Nghiên cứu thủy văn, tổ chức các khóa đào tạo tạo thường xuyên về vận hành sử dụng, kiểm định sản phẩm của hệ thống cho các các dự báo viên tại Trung tâm Dự báo KTTV của các nước thành viên.

Hệ thống SEAFFGS đã thiết lập 7 khóa đào tạo tập huấn (3 khóa đào tạo trực tuyến về SEAFFGS trong năm 2021) cho đại diện của một số nước khu vực Đông Nam Á.

TS.Hwirin Kim, Trưởng phòng Dịch vụ Thủy văn và Tài nguyên nước, Đại diện Ban Thư ký của WMO phát biểu tại Hội thảo

Hệ thống hỗ trợ cảnh báo lũ quét hiện đại

Hệ thống hỗ trợ cảnh báo lũ quét khu vực Đông Nam Á sử dụng mô hình công nghệ mới, hiện đại, do WMO chủ trù xây dựng, có sự tham gia của các quốc gia như Hoa Kỳ, Canada và các nước khu vực Đông Nam Á. SEAFFGS là hệ thống hỗ trợ cảnh báo lũ quét đầu tiên sử dụng dữ liệu dự báo cực ngắn và được tích hợp một lượng lớn nhiều nguồn dữ liệu khác nhau từ các quốc gia khu vực Đông Nam Á bao gồm: Dữ liệu ước lượng mưa định lượng dựa trên vệ tinh và radar, các trạm thời tiết tự động, 4 sản phẩm Dự báo lượng mưa định lượng, Dữ liệu lịch sử và thời gian thực nhận được từ các quốc gia, các sản phẩm về Rủi ro lũ quét với thời gian cảnh báo lên đến 36 giờ.

Dữ liệu của Việt Nam đã được tích hợp gồm 10 ra đa, 370 trạm mưa tự động, đường bao hành chính quận, huyện, xã, sản phẩm Nowcasting dự báo mưa, sản phẩm dự báo mưa số trị từ mô hình WRF do Việt Nam cung cấp và sản phẩm dự báo mưa WRF từ hệ thống FFGS của Ủy hội sông Mê Kông (MRCFFGS).

WMO và HRC đang phát triển thêm mô đun về sạt lở cho Việt Nam và sẽ phát triển bổ sung thêm cho các nước Lào, Campuchia và Thái Lan. Mô đun sạt lở đất phát triển cho khu vực Việt Nam dự kiến sẽ hoàn thành và tổ chức đào tạo trực tuyến vào tháng 3/2022, tích hợp trên nền SEAFFGS, các quốc gia khác phát triển trong năm 2023.

SEAFFGS được thiết kế và phát triển nhằm mục đích cung cấp một hệ thống công cụ hiện đại, hỗ trợ các cán bộ dự báo KTTV phân tích, giám sát và cảnh báo thiên tai lũ quét thông qua các dữ liệu quan trắc tự động, dữ liệu mô hình theo thời gian thực bao gồm các sản phẩm chính như: Các chỉ số định hướng cảnh báo lũ quét dựa trên ngưỡng dòng chảy tràn, Chỉ số độ ẩm đẩt trung bình, Chỉ số dự báo nguy cơ lũ quét, Chỉ số rủi ro lũ quét và Định hướng cảnh báo sạt lở thông qua ngưỡng độ ẩm, ngưỡng sạt lở.

Hiện nay, lũ quét, sạt lở đất chưa thể dự báo được vị trí cụ thể xảy ra sạt lở, chỉ có thể cảnh báo nguy cơ theo các mức độ khác nhau tại các khu vực. Hệ thống SEAFFGS hỗ trợ các dự báo viên phân tích, cảnh báo các ngưỡng mưa, sinh lũ quét trong 1 giờ, 3 giờ, 6 giờ, vùng nguy cơ rủi ro lũ quét trong 12, 24, 36 giờ, ngưỡng sạt lở đất trong phạm vi 24 giờ và được cập nhật thường xuyên theo các khoảng thời gian tương ứng.

“Hôm nay, tôi rất tự hào xác nhận rằng cộng đồng Đông Nam Á đã sở hữu một sản phẩm rất toàn diện về cảnh báo lũ quét và sạt lở đất mà tôi tin rằng sẽ cứu được rất nhiều người và giảm thiểu thiệt hại đáng kể cho khu vực. Hệ thống tích hợp nhiều nguồn dữ liệu khác nhau từ vệ tinh, radar, trạm tự động và đo đạc địa hình nhằm hỗ trợ người dự báo có thông tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất hiệu quả”, ông Trần Hồng Thái nhấn mạnh.

Tổng cục trưởng Trần Hồng Thái nhấn mạnh: Việt Nam cam kết sẽ cố gắng không ngừng để vận hành và duy trì hiệu quả SEAFFGS. Đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ WMO và các nước thành viên nhằm cung cấp thông tin tốt hơn về cảnh báo lũ quét và sạt lở đất, cùng chung sức tạo ra một nền tảng toàn cầu về FFGS, nơi các Trung tâm khu vực có thể tham gia để trao đổi kinh nghiệm, kiến thức nhằm nâng cao năng lực về cảnh báo lũ quét và sạt lở đất góp phần giảm nhẹ rủi ro thiên tai và phát triển bền vững trong khu vực và tại Việt Nam.

Bà Hwirin Kim - Trưởng bộ phận Dịch vụ Thủy văn và Tài nguyên nước (HWR) của Tổ chức Khí tượng thế giới WMO cho biết: "Đông Nam Á là khu vực chịu rất nhiều ảnh hưởng xấu từ lũ quét và sạt lở đất vào mùa mưa. Đó là lý do vì sao chúng tôi chọn khu vực Đông Nam Á để xây dựng hệ thống định hướng cảnh báo lũ quét. Hệ thống này sẽ giúp cho các nước Đông Nam Á nâng cao năng lực cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, từ đó góp phần giảm thiểu những tác hại do lũ quét, sạt lở đất gây ra".

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng thảo luận các chủ đề nâng cao năng lực cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, nhiều hoạt động khác cần thực hiện như: nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai mưa lớn, lũ trong khu vực nhỏ thông qua việc tiếp tục nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới; tiếp tục đẩy mạnh sự hợp tác giữa các quốc gia với WMO, giữa chính quyền và địa phương trong công tác chia sẻ dữ liệu địa phương; nâng cao nhận thức cộng đồng về lũ quét, sạt lở đất, xây dựng các nghiên cứu về phân vùng rủi ro thiên tai khu vực nhỏ… nhằm tăng cường chất lượng cảnh báo cho hệ thống SeAFFGS nói riêng và công tác cảnh báo lũ quét, sạt lở đất nói chung trong những năm tiếp theo.

Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái và Bà Hwirin Kim, Đại diện Ban Thư ký của WMO cắt băng khánh thành hệ thống hỗ trợ cảnh báo lũ quét trong khu vực Đông Nam Á

Bùi Dịu

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: