Đêm nay (11/10) bão Kompasu đi vào biển Đông, từ chiều ngày 13/10 ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta

Đăng ngày: 11-10-2021 | Lượt xem: 2527
Bão Kompasu đang đi với tốc độ rất nhanh, đêm nay (11/10) bão sẽ đi vào biển Đông, bão có thể đạt cấp 11 khi tới khu vực quần đảo Hoàng Sa. Khi vào gần khu vực Bắc và Trung Trung Bộ có thể giảm 2-3 cấp do ảnh hưởng từ không khí lạnh và địa hình.

Thứ trưởng Lê Công Thành phát biểu chỉ đạo tại buổi thảo luận

Tối 11/10, Tổng cục Khí tượng Thủy văn (KTTV) tổ chức phiên thảo luận trực tuyến về bão số 8 (Kompasu), diễn biến và ảnh hưởng của cơn bão đến đất liền nước ta trong những ngày tới. Thứ trưởng Lê Công Thành, Trưởng ban Chỉ huy PCTT Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái cùng đại diện các đơn vị trong Ban chỉ huy PCTT của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham gia thảo luận với các Đài KTTV khu vực có thể chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cơn bão và các chuyên gia tại các điểm cầu.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, bão số 8 là cơn bão có hoàn lưu gió mạnh cấp 6 rất lớn, vì vậy, tốc độ di chuyển của bão sẽ nhanh. Quan sát trên ảnh mây vệ tinh cho thấy hoàn lưu mây bão rất rộng lên tới hàng nghìn cây số. Bão Kompasu sẽ bắt đầu gây mưa to cho khu vực Thanh Hóa tới Quảng Nam từ ngày 13/10 và mưa rất to, gió mạnh từ đêm 13-ngày 14/10.

Do bão di chuyển nhanh nên thời gian chuẩn bị ứng phó với cơn bão tương đối ít, chính vì thế ngay từ lúc này, người dân những khu vực vừa chịu ảnh hưởng bởi bão số 6 và số 7 cần thường xuyên cập nhật liên tục thông tin về cơn bão từ chính quyền địa phương, Ban chủ huy PCTT tỉnh và các phương tiện thông tin chính thống để có thể hạn chế tối đa ảnh hưởng và thiệt hại mà bão có thể gây ra.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia báo cáo tại buổi thảo luận

Báo cáo tại cuộc họp trực tuyến Đài KTTV khu vực Đồng bằng Bắc Bộ cho biết, tại Hải Dương do mưa lớn kéo dài đã làm mực nước ở hệ thống kênh trục dâng cao, gây ngập úng cục bộ một số diện tích lúa đổ và ảnh hưởng tới rau màu mới gieo trồng. 7 giờ ngày 11/10, mực nước tại Bá Thủy đạt 1,6 m, cao gấp đôi so với ngày 10/10.

Trong 2 ngày (9 và 10/10), do ảnh hưởng của cơn bão số 7, trên địa bàn huyện Tứ Kỳ mưa kéo dài, lượng mưa trung bình khoảng 178 mm, khiến gần 800 ha lúa, rau màu bị ngập úng. Trong đó có gần 500 ha lúa mùa đang trong giai đoạn thu hoạch và gần 300 ha rau màu vụ đông bị ngập nước úng, dập nát.

Các xã có diện tích lúa và rau màu bị ngập úng nhiều như: Bình Lãng, Quang Phục, Nguyên Giáp, An Thanh, Cộng Lạc, Hưng Đạo, Tái Sơn, Tân Kỳ... Sáng 11.10, Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện đã vận hành 11 trạm bơm để bơm tiêu cho diện tích lúa, rau màu bị ngập úng.

Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải Hưng Yên, sáng ngày 10/10, trên tuyến ĐT.382, phát hiện sụt lở nền, mặt đường đoạn từ Km6+465 – Km6+525, với tổng chiều dài 60m, chiều rộng sụt lở nền, mặt đường khoảng 4 - 4,5m, sâu khoảng 1m. Mặt đường phía bên phải hỏng hoàn toàn, lề và ta luy đường sạt trượt 1-2m. Tuyến ĐT.382 đoạn từ xã Bắc Sơn đến xã Phù Ủng (Ân Thi) tiếp giáp sông Kim Sơn, trên nền đê Kim Sơn… Hiện đang xác định nguyên nhân gây ra tình trạng sụt lở của đoạn đường. Chưa có diện tích sản xuất bị thiệt hại hoặc ngập úng nặng do mưa.

Tại Hà Nam: Mưa lớn xảy ra đã làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp tại các địa phương. Đã có 65 ha lúa mùa chưa thu hoạch bị đổ, chủ yếu là giống nếp dài ngày tại một số địa phương của huyện Bình Lục. Nhiều diện tích cây vụ đông mới trồng bị đọng nước, có nơi khó tiêu thoát.

Tại Hà Nội: Do ảnh hưởng của cơn bão số 7, hôm nay Hà Nội mưa lớn, gây ngập úng trên một số tuyến đường như đại lộ Thăng Long, Dương Đình Nghệ. Chiều qua, một cây xà xừ trên phố Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) cũng bị bật gốc, chắn ngang đường. Lúc 9h sáng 11/10, 1 cây me cổ thụ trên phố Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm đổ đè lên ôtô hiệu Camry.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi thảo luận, Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia tiếp tục theo dõi chặt chẽ các diễn biến tiếp theo của cơn bão Kompasu, cập nhật liên tục các thông tin đến các cơ quan chỉ đạo, quản lý. Đồng thời, ông cũng đề nghị Trung tâm tiếp tục xây dựng các kịch bản thảo luận dự báo khác nhau cho những hình thế khác nhau, ở những thời điểm khác nhau, các Đài KTTV khu vực tập trung khắc phục những điểm còn hạn chế trong công tác dự báo từ các cơn bão trước. Hiện nay, các Trung tâm dự báo trên thế giới đều đã có những nhận định tập trung về bão số 8, tuy nhiên, chúng ta cần hết sức tập trung, bám sát vào diễn biến của cơn bão, khả năng công nghệ và dự báo từ đó đưa ra những nhận định kịp thời trong những ngày tới.

Toàn cảnh buổi thảo luận

Tạp chí KTTV

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: