Triển khai kế hoạch đổi mới công tác dự báo thủy văn, hải văn

Đăng ngày: 21-12-2022 | Lượt xem: 3068
Đây là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia tổ chức sáng 21/12 tại Hà Nội.

Tham dự Hội nghị có Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn Trần Hồng Thái, các Phó Tổng cục trưởng Hoàng Đức Cường, La Đức Dũng; đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường; Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai; Đài truyền hình Việt Nam; Các đơn vị trực thuộc Tổng cục KTTV...

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Báo cáo tại cuộc họp, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cho biết: Trong năm 2022, thời tiết và khí hậu nước ta chịu ảnh hưởng của hiện tượng ENSO ở trạng thái La Nina. Tổng cộng đã xảy ra 18/22 loại hình thiên tai. Tính đến ngày 15/12/2022, trên khu vực Biển Đông đã có 09 cơn bão và ATNĐ (07 cơn bão và 02 ATNĐ). Trong đó, các cơn bão số 1 (CHABA), số 3 (MA-ON), số 4 (NORU) và số 5 (SONCA) đã ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta. Các cơn bão khi đổ bộ gây gió mạnh cấp 6-7 giật cấp 8-9 trong đất liền. Riêng cơn bão số 4 đã gây gió mạnh mạnh cấp 11, giật cấp 14 tại Cù Lao Chàm; cấp 10, giật cấp 12 tại Lý Sơn; gió mạnh cấp 9, giật cấp 13 tại Tam Thanh (Tam Kỳ, Quảng Nam); Trên đất liền khu vực Đà Nẵng-Quảng Nam phổ biến có gió mạnh cấp 7-9, giật cấp 11-13; khu vực khu vực Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Kon Tum và Gia Lai có gió mạnh cấp 5-6, giật cấp 7-8

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia báo cáo tại Hội nghị

Về không khí lạnh: đã có 17 đợt không khí lạnh (KKL) xâm nhập xuống nước ta, trong đó có 15 đợt gió mùa Đông Bắc (GMĐB) và 02 đợt KKL tăng cường (KKLTC). Trong đó, đợt GMĐB ngày 28/01 được bổ sung trong ngày 31/01 và 02/02 và đợt GMĐB ngày 18/02 đã gây ra rét đậm, rét hại ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Đặc biệt trong đợt GMĐB mạnh ngày 18/02, trên vùng núi cao của Bắc Bộ nhiều nơi đã xuất hiện băng giá, nhiệt độ thấp nhất tại Mẫu Sơn là -1,40C

Trên cả nước đã xảy ra 26 đợt mưa lớn trên diện rộng. Trong đó, đợt mưa từ ngày 30/3-02/4 do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp, sau chịu ảnh hưởng của KKL tăng cường mạnh đã gây ra một đợt mưa lớn trái mùa ở khu vực Trung Bộ.

Các sông khu vực Bắc Bộ đã xuất hiện 11 đợt lũ, chủ yếu trên các sông suối nhỏ với biên độ lũ lên phổ biến từ 2-11m. Khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên đã xuất hiện 5 trận lũ trên diện rộng và một số trận lũ xảy ra cục bộ trên các sông nhỏ. Tại khu vực Nam Bộ, mùa lũ năm 2022, ở Đồng bằng sông Cửu Long xuất hiện lũ nhỏ.

Về hạn hán, xâm nhập mặn, nguồn nước trên các sông ở khu vực Bắc Bộ từ tháng 1 đến tháng 6 phổ biến lớn hơn trung bình nhiều năm từ 10-150%. Tại khu vực Nam Bộ, trong mùa khô năm 2021-2022, từ tháng 1-3, mực nước trên các trạm dòng chính sông Mê Công phổ biến ở mức xấp xỉ và thấp hơn trung bình nhiều năm.

Về triều cường, sóng lớn, nước dâng do bão, trong năm 2022, khu vực ven biển chịu ảnh hưởng của nhiều đợt sóng lớn trong bão và gió mùa. Bão số 4, 5 và 6 đã gây nước dâng tại ven biển Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Về các hiện tượng thời tiết cực đoan khác, trong năm đã xảy ra nhiều đợt mưa dông trên diện rộng kèm các hiện tượng lốc, sét gây thiệt hại về người và tài sản.

Đoàn Chủ tịch điều hành Hội nghị

Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết thủy văn, thực hiện tốt công tác dự báo, cảnh báo KTTV

Trong năm 2022, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia đã chỉ đạo các phòng chuyên môn thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết thủy văn, thực hiện tốt công tác dự báo, cảnh báo KTTV, nguồn nước theo quy định của Tổng cục KTTV. Ngay từ đầu năm 2022, Trung tâm đã ban hành Bản tin nhận định sớm về khả năng diễn biến phức tạp của mùa mưa, bão, lũ năm 2022 gửi Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai,... Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cũng đã phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam và các cơ quan truyền thông khác đưa tin về nội dung nêu trên. Sau đó, các thông tin dự báo mùa, dự báo tháng đều được cập nhật thường xuyên theo quy định và được chi tiết, cụ thể hoá trong các bản tin dự báo thời tiết 10 ngày.

Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong Bộ Tài nguyên và Môi trường như: Viện Khoa học KTTV và Biến đổi khí hậu, Cục Quản lý tài nguyên nước, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Viện Khoa học Tài nguyên nước, Cục Viễn thám quốc gia và các đơn vị ngoài Bộ Tài nguyên và Môi trường như: Viện Địa chất, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Trường Đại học Thủy lợi, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội,... trong quá trình phân tích, đánh giá dự báo, cảnh báo các loại hình thiên tai nguy hiểm như: Xâm nhập mặn, bão, lũ và báo cáo kịp thời gửi Lãnh đạo Bộ và Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai.

Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia báo cáo tại Hội nghị

Đặc biệt, Trung tâm đã từng bước triển khai thực hiện dự báo dựa trên tác động: Về cơ bản đã hoàn thành bộ cơ sở dữ liệu về điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội tại các tỉnh/thành địa phương chi tiết tới cấp huyện; thống nhất với các Đài KTTV khu vực mẫu và hình thức chia sẻ dữ liệu tự động phục vụ dự báo tác động đối với bão, ATNĐ, lũ, lũ quét và sạt lở đất; đang hoàn thiện phần mềm dự báo, cảnh báo tác động trên cơ sở lồng ghép số liệu điều kiện tự nhiên với thông tin dự báo, cảnh báo đối với bão, ATNĐ, lũ, lũ quét và sạt lở đất và thực hiện nâng cao chất lượng dự báo mưa định lượng. Tổ chức thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các Thông tư của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như các Quy trình, Quy phạm, Quy định dự báo KTTV do Tổng cục KTTV ban hành. Đồng thời Trung tâm đã triển khai sản phẩm đồng hóa số liệu phân giải cao vào dự báo nghiệp vụ, trong đó đã sử dụng toàn bộ quan trắc bề mặt, cao không của Việt Nam kết hợp các quan trắc vệ tinh, trên hệ thống GTS và bước đầu thử nghiệm đồng hóa số liệu ra đa trên toàn quốc từ tháng 4/2021 với hạn dự báo đến 24 giờ. Các sản phẩm dự báo được chia sẻ liên tục và cập nhật tới các Đài KTTV khu vực, Đài KTTV tỉnh và các nước trong khu vực Đông Nam Á. Phối hợp với các Đài KTTV khu vực, Đài KTTV tỉnh thực hiện vận hành và khai thác hệ thống Smatmet trong dự báo nghiệp vụ thời tiết hàng ngày.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành ghi nhận, biểu dương những nỗ lực của toàn thể cán bộ, viên chức và người lao động của Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia trong năm 2022.Thứ trưởng đánh giá cao sự nỗ lực của Trung tâm cùng sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị dự báo từ Trung ương đến địa phương, trong năm nay, toàn hệ thống đã theo dõi chặt chẽ, dự báo, cảnh báo kịp thời diễn biến KTTV, đặc biệt là các hiện tượng KTTV nguy hiểm sát với thực tế, góp phần giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, bảo đảm an toàn cuộc sống và tài sản của người dân. Những nỗ lực này đã và đang được người dân, doanh nghiệp, các cấp lãnh đạo từ địa phương đến Trung ương đánh giá cao.

Trong năm 2023, Thứ trưởng đề nghị Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia tiếp tục đẩy mạnh việc chuẩn hóa hệ thống dự báo, các quy trình, quy định, quy phạm.  Sử dụng hiệu quả hơn nữa hệ thống dữ liệu tập trung CDH để nó trở thành “xương sống” của hệ  thống dự báo tiến tới là hệ thống quản lý, đánh giá dự báo một cách bài bản, biến năng lực công nghệ thành năng lực sản xuất ra các sản phẩm dịch vụ KTTV phục vụ cho phòng tránh thiên tai, phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng. Đồng thời Thứ trưởng cũng yêu cầu Trung tâm triển khai kế hoạch đổi mới công tác dự báo thủy văn và hải văn. Thông tin dự báo, cảnh báo hải văn phải trở nên như một 'trinh sát' cung cấp thông tin về dự báo biển phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, phát triển kinh tế biển, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Đẩy mạnh dự báo tác động, hình thành các nhóm, tổ chức dự báo tác động, tham khảo quốc tế để vận dụng hiệu quả. Tiếp tục phát huy việc đổi mới và đa dạng hóa các bản tin khí tượng thủy văn, bản tin hướng đối tượng. Xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực của ngành KTTV, đào tạo từ Đại học cũng như đào tạo chuyên sâu nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, năng lực chuyên môn.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng, ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cho biết: Trong năm 2023, Trung tâm sẽ phối hợp với các đơn vị trong Tổng cục, đặc biệt là Trung tâm Thông tin và Dữ liệu KTTV đẩy mạnh việc khai thác, sử dụng CDH trong nghiệp vụ; Ứng dụng khoa học và các công nghệ mới, hiện đại trong dự báo, cảnh báo KTTV. Đồng thời, triển khai kế hoạch đổi mới công tác dự báo thủy văn, hải văn, nâng cao chất lượng cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt đô thị

Trung tâm sẽ tăng cường theo dõi chặt chẽ, sát diễn biến các hiện tượng KTTV, đặc biệt là các hiện tượng KTTV nguy hiểm; tiếp tục triển khai thu thập, tổng hợp các thông tin về các yếu tố kinh tế - xã hội để phục vụ dự báo tác động của thời tiết, thiên tai.

Các đại biểu chụp ảnh tại Hội nghị

Tạp chí KTTV

 

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: