Hội thảo “Thúc đẩy hiện đại hóa và hợp tác giữa Việt Nam và Phần Lan trong lĩnh vực Khí tượng Thủy văn và Môi trường”

Đăng ngày: 27-11-2024 | Lượt xem: 44
Ngày 27/11, tại Hà Nội, Tổng cục Khí tượng thủy văn (KTTV) phối hợp cùng Cơ quan Khí tượng Phần Lan tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy hiện đại hóa và hợp tác giữa Việt Nam và Phần Lan trong lĩnh vực Khí tượng Thủy văn và Môi trường”.

Ông Lê Công Thành, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại hội thảo

Tham dự có Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam Keijo Norvanto, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn Hoàng Đức Cường cùng đại diện các đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường; đại diện Cơ quan Khí tượng Phần Lan, Cơ quan Khí tượng thủy văn Lào, cùng các chuyên gia trong lĩnh vực KTTV, môi trường của Việt Nam và Phần Lan.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Lê Công Thành chia sẻ: Trong những năm vừa qua, thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường luôn triển khai mạnh mẽ các giải pháp nâng cao hiệu quả cảnh báo sớm, trong đó có hiện đại hóa toàn diện ngành KTTV từ khâu quan trắc, cảnh báo dự báo, truyền tin.

Mạng lưới quan trắc KTTV đã và đang chuyển dần từ thủ công sang tự động, mạng lưới radar thời tiết đã được nâng cấp và lắp mới với 10 trạm radar hiện đại trải dài trên đất nước. Cùng với đó, ngành KTTV Việt Nam đã triển khai hệ thống siêu máy tính cho phép thực hiện đồng hóa số liệu, tích hợp toàn bộ các hệ thống quan trắc thời gian thực đưa ra các tính toán, phân tích dự báo các hiện tượng thời tiết cực đoan trong tương lai với độ chính xác cao hơn. Việc ứng dụng các công cụ số hiện đại như Smartmet giúp ngành KTTV có thể đưa ra bộ số liệu dự báo thống nhất, thông suốt giữa các đơn vị dự báo từ Trung ương đến địa phương và dễ dàng chuyển sang các dạng bản tin, các ứng dụng điện thoại, mạng xã hội một cách nhanh nhất góp phần hiệu quả trong công tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Các đại biểu tham dự hội thảo

Theo Thứ trưởng Lê Công Thành, để đạt được những thành tựu trên, sự hợp tác, hỗ trợ của bạn bè quốc tế đóng vai trò quan trọng, đặc biệt là các đối tác truyền thống, gắn bó lâu đời như Phần Lan. Thông qua dự án “Hỗ trợ hiện đại hóa ngành ngành KTTV Việt Nam” (Promoserv3), các thiết bị quan trắc, các trạm radar thời tiết, các trạm định vị sét cùng với hệ thống smartmet được lắp đặt, vận hành và vẫn đang hoạt động hiệu quả, góp phần to lớn trong công tác dự báo, cảnh báo sớm thời tiết, thiên tai của ngành KTTV. Cán bộ ngành KTTV cũng đã được tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực với các chuyên gia Phần Lan, qua đó làm chủ nhiều công nghệ tiên tiến, hiện đại.

"Các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực KTTV là minh chứng cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và Phần Lan đã được gây dựng trong hơn 50 năm qua” – Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, ngành TN&MT còn nhận được sự hỗ trợ của chính phủ Phần Lan trong công tác cảnh báo ô nhiễm không khí thông qua dự án “Thúc đẩy hiện đại hóa hệ thống quan trắc và quản lý chất lượng không khí tại các đô thị Việt Nam” (PromoAir). Những kết quả dự án được kỳ vọng sẽ là nền tảng cho hệ thống dự báo ô nhiễm không khí cho các khu đô thị, các thành phố lớn của Việt Nam trong thời gian tới.

Ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV bày tỏ cảm ơn sự hỗ trợ quý báu của Chính phủ Phần Lan cũng như Cơ quan Khí tượng Phần Lan đã đồng hành với ngành KTTV Việt Nam, ông cũng mong muốn hai bên sẽ tiếp tục phát huy các thành quả để tiếp tục quan hệ hợp tác tốt đẹp trong thời gian tới. Qua đó, hiện thực hóa “Hệ thống cảnh báo sớm dành cho tất cả”, không để lại ai phía sau trước thiên tai, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường như Tổng thư ký Liên hợp quốc đã kêu gọi.

Ông Keijo Norvanto, Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Theo ông Keijo Norvanto, Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam, từ năm 2018 đến nay, quan hệ Phần Lan – Việt Nam đã chuyển từ viện trợ sang thương mại và hợp tác đôi bên cùng có lợi, bao gồm nhiều hoạt động trao đổi kiến thức, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đào tạo nâng cao năng lực. Hai dự án hợp tác hiện nay trong lĩnh vực KTTV và môi trường chắc chắn sẽ đóng góp nhiều cho việc khai thác tiềm năng thương mại hai chiều trong thời gian tới.

Đại sứ Phần Lan cũng nhấn mạnh, để đảm bảo phát triển bền vững, quá trình công nghiệp hoá và hiện đại hoá cần song hành với bảo vệ môi trường, qua đó giảm thiểu tác động từ biến đổi khí hậu. Điều này rất có lợi cho Việt Nam trong bối cảnh quốc tế đang ngày càng quan tâm nhiều hơn đến các nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu.

Toàn cảnh hội thảo

Tại hội thảo, đại diện Cơ quan Khí tượng Phần Lan và Tổng cục Khí tượng thủy văn đã chia sẻ kết quả quả đạt được giữa ngành KTTV, môi trường của hai nước thông qua 2 dự án Promoserv 3 và PromoAir.

Ông Harri Pietarila Giám đốc dự án quốc tế của Cơ quan Khí tượng Phần Lan phát biểu tại hội thảo

Theo ông Harri Pietarila, Giám đốc dự án quốc tế của Cơ quan Khí tượng Phần Lan, người dân được hưởng lợi nhiều nhất từ thành quả xây dựng hệ thống cảnh báo sớm, dựa trên những kiến thức khoa học tiên tiến nhất trong lĩnh vực khí tượng thủy văn. Dự án Promoserv3 đã thể hiện sự tối ưu nguồn vốn đầu tư cho một lĩnh vực mang tính chất phục vụ cộng đồng, thông qua huy động sự tham gia của khu vực tư nhân, các giải pháp công nghệ về quan trắc, radar, trạm định vị giông sét...

Về ô nhiễm không khí, các hoạt động hợp tác dựa trên 3 nguyên tắc: dữ liệu mở, hợp tác khoa học mở và mã nguồn mở. Hai bên sẽ chia sẻ dữ liệu liên quan đến giải quyết các thách thức, tăng cường năng lực cho các chuyên gia để cải thiện hệ thống cảnh báo, và công khai thông tin đánh giá, dự báo chất lượng không khí tới người dân.

Trong khuôn khổ các dự án, đại diện hai cơ quan cũng trình bày những kết quả chính liên quan tới hệ thống Smartmet trong phân tích và dự báo thời tiết hàng ngày và thời tiết nguy hiểm; kết quả nghiên cứu đặc điểm dông sét ở Việt Nam; ứng dụng mô hình SILAM cho phát triển hệ thống dự báo, cảnh báo chất lượng không khí tại Việt Nam. Bên cạnh đó, hội thảo cũng giới thiệu giải pháp của khu vực tư nhân về thời tiết, chất lượng không khí và hợp tác trong tương lai, giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong quá trình hợp tác giữa Việt Nam và Phần Lan... Các chuyên gia, nhà quản lý đã cùng thảo luận, góp ý để tăng mức độ tin cậy của các sản phẩm dự báo cảnh báo KTTV, môi trường, đáp ứng nhu cầu của người dân, của xã hội.

Ảnh kỉ niệm tại hội thảo

Tạp chí KTTV

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: