Kiểm tra công tác đo khảo sát lũ sông Cửu Long

Đăng ngày: 29-08-2018 | Lượt xem: 1318
Sau 7 năm, kể từ năm 2011, từ đầu tháng 8/2018, mực nước lũ đầu nguồn sông Cửu Long đã lên nhanh và đạt mức báo động cấp II. Để có số liệu phục vụ hiệu quả công tác dự báo lũ và công tác phòng chống thiên tai, phát triển kinh tế, xã hội các địa phương trên khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Liên đoàn Khảo sát khí tượng thủy văn đã triển khai đo đạc, khảo sát lũ Đồng bằng sông Cửu Long từ ngày 10/8/2018 (sớm hơn kế hoạch được phê duyệt 10 ngày). Trong các ngày từ 23-29/8/2018, Đoàn kiểm tra của Tổng cục Khí tượng Thủy văn do Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuệ làm Trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra

Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long từ đầu tháng 8 năm 2018 lên nhanh, đạt mức lũ báo động cấp I tại trạm Tân Châu (tỉnh An Giang) vào ngày 11/8/2018 và đạt mức báo động cấp II vào ngày 29/8/2018; hiện nay mực nước lũ vẫn đang tiếp tục lên. Trước diễn biến nhanh, phức tạp của lũ sông Cửu Long, từ ngày 23-29/8/2018, Đoàn kiểm tra của Tổng cục Khí tượng Thủy văn do Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuệ làm Trưởng đoàn với sự tham gia của Vụ Quản lý mạng lưới khí tượng thủy văn, Trung tâm Quan trắc khí tượng thủy văn và Vụ Kế hoạch-Tài chính đã tiến hành thị sát và kiểm tra trực tiếp công tác đo đạc, khảo sát lũ Đồng bằng sông Cửu Long do Liên đoàn Khảo sát khí tượng thủy văn thực hiện.

Một số hình ảnh trong chuyến công tác

Trước đó, thực hiện Quyết định số 473/QĐ-TCKTTV ngày 02/7/2018 của phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Khí tượng Thủy văn về việc đo đạc khảo sát thủy văn khu vực Nam Bộ, từ ngày 05/8/2018, Liên đoàn Khảo sát khí tượng thủy văn đã triển khai đo đạc, khảo sát lũ đồng bằng sông Cửu Long nhằm: (i) Xác định tài nguyên nước lũ chảy qua biên giới Việt Nam-Campuchia vào lãnh thổ Việt Nam trong mùa lũ; (ii) Xác định dòng chảy vào-ra vùng Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, khu giữa sông Tiền-sông Hậu; (iii) Giám sát chất lượng nước lũ chảy qua biên giới Việt Nam-Campuchia vào lãnh thổ Việt Nam và vùng nội đồng Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, khu giữa sông Tiền-sông Hậu. Liên đoàn đã tổ chức đo tại: 62 trạm đo lưu lượng lũ chảy qua biên giới thuộc tuyến đo Giang Thành-Xuân Tô-Châu Đốc-Tân Châu-Hồng Ngự-Tân Hồng-Long Khốt-Bình Trung; 23 trạm đo lũ vào-ra vùng Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, khu giữa sông Tiền-sông Hậu thuộc các tỉnh Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ; 21 điểm lấy mẫu, phân tích chất lượng nước lũ chảy qua biên giới Việt Nam-Campuchia vào lãnh thổ Việt Nam. Thời gian đo khảo sát từ ngày 05/8/2018 (sớm hơn kế hoạch 05 ngày do lũ sông Mê Công về sớm) đến hết ngày 04/11/2018.

Trong những ngày làm việc tại Nam Bộ, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuệ và Đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra về chuyên môn kỹ thuật; công tác an toàn lao động nhằm bảo đảm kết quả đo đạc, khảo sát chính xác; việc tổ chức phối hợp tốt với các đơn vị trong Tổng cục Khí tượng Thủy văn và địa phương truyền số liệu kịp thời để phục vụ công tác dự báo lũ, góp phần giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuệ và Đoàn kiểm tra đánh giá cao Liên đoàn Khảo sát khí tượng thủy văn trong việc chủ động nắm bắt diễn biến lũ trên sông Mê Công, đã triển khai sớm (trước 05 ngày so với kế hoạch được phê duyệt) công tác đo khảo sát lũ sông Cửu Long tại các tuyến đo được giao, bảo đảm yêu cầu chuyên môn, kỹ thuật và an toàn lao động. Phó Tổng cục trưởng cũng lưu ý Liên đoàn cần tiếp tục bám sát, theo dõi chặt chẽ diễn biến phức tạp của lũ, phát huy tính chủ động, sáng tạo, tinh thần trách nhiệm trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ để đảm bảo kết quả đo đạc, khảo sát lũ được chính xác,kịp thời phục vụ tốt công tác dự báo lũ và phát triển kinh tế-xã hội các địa phương, đặc biệt là trong bối cảnh sau 7 năm vùng đầu nguồn sông Cửu Long mới có lũ đạt báo động cấp II và còn có khả năng lên cao hơn nữa.

Phát biểu tại cuộc họp của Đoàn kiểm tra với Liên đoàn Khảo sát khí tượng thủy văn, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuệ đã chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Tổng cục nghiên cứu, đề xuất phương án giúp Liên đoàn xây dựng kế hoạch năm 2019, kế hoạch 3 năm và 5 năm tiếp theo nhằm đo đạc, khảo sát lũ vùng Đồng bằng sông Cửu Long phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, đặc biệt chú ý tới vấn đề sạt lở bờ sông, bờ biển, xâm nhập mặn, ngập lụt... Đồng thời Liên đoàn Khảo sát khí tượng thủy văn cần đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp Bộ "Nghiên cứu đề xuất, điều chỉnh vị trí và các hạng mục đo đạc, điều tra khảo sát khí tượng thuỷ văn để thích ứng với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long" để có sơ sở khoa học và thực tiễn thiết lập mạng lưới đo đạc, khảo sát thủy văn ở khu vực Nam Bộ trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quyết định thay thế Quyết định số 292/QĐ-BTNMT ngày 06/02/2015 về việc phê duyệt mạng lưới đo đạc, khảo sát diện ở khu vực Nam Bộ từ năm 2015, để công tác đo đạc, khảo sát thủy văn khu vực Nam Bộ phục vụ hiệu quả công tác dự báo lũ sông Cửu Long và công tác phòng chống thiên tai, phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương trong khu vực./.

Bài và ảnh: Văn Đào – Liên đoàn khảo sát KTTV

 

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: