Nâng cao năng lực cảnh báo, ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ thiên tai

Đăng ngày: 01-12-2021 | Lượt xem: 3079
Ngày 1/12/2021 tại Hà Nội, Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tài nguyên và môi trường phối hợp với Tổng cục Khí tượng Thủy văn tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực cảnh báo, ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ thiên tai. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Tham dự Hội nghị tập huấn có GS.TS Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn, ông Giang Đức Chung, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ; TS. Nguyễn Đức Toàn – Hiệu trưởng Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tài nguyên và môi trường và Bà Nguyễn Thị Thu Hoài, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương – đại diện giảng viên, báo cáo viên.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành phát biểu khai mạc Hội nghị tập huấn

Hội nghị tập huấn với sự tham gia của  gần 1000 học viên tại hơn 600 điểm cầu trong cả nước là công chức, viên chức các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT; Lãnh đạo, chuyên viên của hơn 53 Sở TN&MT; Sở NN&PTNT, Ban Chỉ huy, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Phát biểu khai mạc Hội nghị tập huấn, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành nhấn mạnh: Chương trình tập huấn nâng cao năng lực cảnh báo, ứng phó biến đổi khí hậu và giảm nhẹ thiên tai là cơ hội để giới thiệu chủ trương, quan điểm, định hướng mới của Đảng, Chính phủ, của Bộ TN&MT trong lĩnh vực khí tượng thủy văn (KTTV), biến đổi khí hậu. Để Chương trình tập huấn đảm bảo chất lượng và đạt được mục tiêu đề ra, Thứ trưởng yêu cầu các báo cáo viên, chuyên gia tập trung truyền tải tinh thần, ý nghĩa, tầm quan trọng Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác KTTV đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đảm bảo ngắn gọn, súc tích, tập trung vào các nội dung chính đang được địa phương, người dân quan tâm, đặc biệt là những hoạt động cảnh báo, ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ thiên tai đã được áp dụng thành công trong thực tiễn; dành nhiều thời gian để tổ chức thảo luận, tháo gỡ những vấn đề khó khăn phát sinh tại địa phương.

Thứ trưởng cũng đề nghị các học viên chủ động trao đổi thẳng thắn, cởi mở về những kinh nghiệm, khó khăn, vướng mắc, đề xuất một số định hướng, giải pháp nhằm nâng cao năng lực cảnh báo, ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ thiên tai; đồng thời chia sẻ những bài học thành công, những hoạt động sáng tạo, hiệu quả trong thực tiễn triển khai tại địa phương mình để chính các chuyên gia và các học viên ở các địa phương khác tham khảo, học tập.

GS.TS Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV trình bày báo cáo tại Hội nghị

GS.TS Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn, đã báo cáo chuyên đề: Một số nội dung trọng tâm trong quản lý nhà nước về lĩnh vực KTTV và triển khai Chỉ thị 10-CT/TW ngày 25/9/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác KTTV đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Báo cáo chỉ ra 5 nội dung trọng tâm tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực khí tượng thủy văn định hướng lớn: Khẩn trương hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách trong lĩnh vực KTTV; Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, tiến hành song song với đổi mới phương thức hoạt động, công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; Hiện đại hóa hệ thống quan trắc, thông tin, nâng cao năng lực dự báo và đầu tư chuyển đổi số toàn diện công tác KTTV; Tăng cường tiềm lực KHCN, chủ động, tích cực thúc đẩy hợp tác quốc tế và Tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về KTTV.

Ông nêu ra một số nội dung cần được lưu ý để có các giải pháp, nhiệm vụ phù hợp trong chương trình, kế hoạch thực hiện Chỉ thị 10-CT/TW đối với địa phương cụ thể là:

Công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, nhất là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; Vai trò, việc khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu KTTV trong quá trình xây dựng và thực hiện các CQK phát triển KTXH, QPAN của các cấp, các ngành; Công tác KTTV trong dự báo, cảnh báo thiên tai, giám sát, thích ứng với BĐKH của địa phương; Các nhiệm vụ về phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng hoạt động KTTV để thu thập thông tin bí mật quốc gia, chống phá ta; Rà soát, hoàn thiện quy hoạch hệ thống mạng lưới trạm quan trắc KTTV quốc gia và trạm chuyên dùng, ưu tiên tại các khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai, chịu tác động lớn của BĐKH, khu vực ven biển, biển, đảo, quần đảo thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam; Hoàn thiện hệ thống pháp luật về KTTV, bảo đảm điều chỉnh toàn diện các đối tượng, phạm vi, loại hình hoạt động có liên quan thuộc địa phương quản lý; Xây dựng chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm công tác KTTV, nhất là ở những vùng khó khăn, thuộc thẩm quyền quyết định của địa phương; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm quy định pháp luật về KTTV; Củng cố tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về công tác KTTV, trong đó phân công, phân cấp, xác định rõ trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan, tổ chức liên quan, nhất là người đứng đầu; Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm công tác KTTV; Phổ biến kiến thức cơ bản về KTTV cho học sinh phổ thông và học viên các lớp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, quốc phòng, an ninh trên địa bàn địa phương; Kết hợp nguồn lực từ ngân sách nhà nước với đa dạng hoá các nguồn vốn đầu tư trong nước và ngoài nước, nhất là các nguồn vốn ưu đãi quốc tế cho công tác khí tượng thủy văn; Đẩy mạnh xã hội hoá, thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động KTTV và phát triển thị trường dịch vụ KTTV đáp ứng nhu cầu các ngành, lĩnh vực trên địa bàn.

Bà Nguyễn Thị Thu Hoài, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương đã trình bày Bài giảng trao đổi một số định hướng giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về KTTV đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Báo cáo đã chỉ ra một số định hướng tuyên truyền trong thời gian tới đó là: Chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về KTTV; Vai trò, vị trí, tầm quan trọng của Ngành KTTV; Quá trình phát triển và thành tựu của Ngành KTTV 76 năm qua; Phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới của Ngành KTTV; Phản ảnh sinh động, toàn diện các hoạt động của Ngành KTTV thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chiến lược Ngành; Chương trình, Kế hoạch của các bộ, ngành, tỉnh ủy, thành ủy thực hiện Chỉ thị 10; Tôn vinh điển hình tiên tiến của Ngành KTTV và Đấu tranh phản bác, phê phán lợi dụng dữ liệu KTTV để phá hoại đất nước.

Giáo sư Trần Thục, Chủ tịch Hội KTTV Việt Nam và Phó Giáo sư Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm dự báo KTTV quốc gia đã báo cáo các chuyên đề về Thời tiết, Khí hậu và Biến đổi khí hậu cũng như các thiên tai KTTV ở Việt Nam; Hiện trạng hệ thống dự báo; Những thách thức trong công tác dự báo thiên tai; Yêu cầu mới đặt ra với ngành KTTV Việt Nam.

Các đại biểu các tỉnh thành phố đã đặc biệt quan tâm đến những hoạt động trong lĩnh vực KTTV, BĐKH giảm nhẹ rủi ro thiên tai và đặt nhiều câu hỏi trao đổi hết sức thiết thực như: tham mưu triển khai thực hiện Chỉ thị 10 và Chiến lược; cảnh báo, ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ thiên tai đã được áp dụng thành công trong thực tiễn; định hướng tuyên truyền đến người dân và các cấp chính quyền. Những nội dung băn khoăn của địa phương đã được các chuyên gia trao đổi tháo gỡ những vấn đề khó khăn phát sinh.

Một số hình ảnh tại Hội nghị:

Bùi Dịu

 

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: