Ngành Khí tượng Thủy văn Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò trong tình hình mới

Đăng ngày: 24-12-2021 | Lượt xem: 5314
Chiều ngày 24/12/2021, Tổng cục Khí tượng Thủy văn phối hợp cùng Viện Khoa học KTTV và Biến đổi khí hậu đã cùng tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai kế hoạch công tác năm 2022. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành tham dự và chỉ đạo Hội nghị.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến với gần 300 điểm cầu là các đại biểu đại diện của Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Tổng cục Phòng, chống thiên tai; Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm - Cứu nạn; Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam; Lãnh đạo các đơn vị trong và ngoài Bộ Tài nguyên và Môi trường; Lãnh đạo các Trường, các Viện đào tạo về KTTV; Lãnh đạo Tổng cục Khí tượng Thủy văn cùng toàn thể các đơn vị trực thuộc Tổng cục và các Đài khí tượng thủy văn khu vực, Đài KTTV tỉnh tham dự tại các đầu cầu trên khắp cả nước.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái cho biết: Năm 2021 là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước; là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 10 năm 2021 - 2030 và các kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 trong bối cảnh đất nước gặp những khó khăn, thách thức. Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kinh tế, xã hội gặp nhiều khó khăn, trong bối cảnh đó, Ngành KTTV đã bám sát Chương trình làm việc toàn khóa của Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết số 01, số 02 của Chính phủ, tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021; phát huy nguồn lực KTTV phục vụ cho phát triển bền vững, phòng chống thiên tai. Bên cạnh đó, Ngành đã nỗ lực đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo điều hành, thực thi nhiệm vụ.

Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái phát biểu khai mạc Hội nghị

Thể chế, chính sách, pháp luật về KTTV tiếp tục được hoàn thiện ở tầm chiến lược quốc gia. Lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động, Ngành được Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị 10 đề cập toàn diện các nội dung về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác KTTV đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển Ngành KTTV giai đoạn mới, giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; quy định quan trọng về cấp độ ro thiên tai và truyền tin thiên tai, cùng hàng loạt các thông tư quy định kỹ thuật tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động KTTV ở các góc độ tiếp cận khác nhau.

Song song với đó, Ngành đã tích cực triển khai xây dựng Quy hoạch mạng lưới trạm KTTV quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; triển khai thực hiện các hoạt động “Cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai, đặc biệt là các thiên tai liên quan đến bão, nước dâng do bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn“ theo chỉ đạo, định hướng của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Tổng cục đã làm tốt công tác dự báo KTTV thực hiện dự báo thời tiết, thuỷ văn chi tiết đến các huyện, thị trên cả nước; cung cấp kịp thời các bản tin dự báo KTTV, cảnh báo về các hiện tượng thời tiết nguy hiểm phục vụ công tác chỉ đạo phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai và chủ động kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Nhờ công tác dự báo sớm, kịp thời của Ngành KTTV, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai, các cơ quan Trung ương và địa phương đã có hành động quyết liệt, hiệu quả từ sớm nên đã giảm thiểu được nhiều thiệt hại. Thiệt hại về người giảm 54%, thiệt hại về tài sản giảm 78% so với trung bình 10 năm vừa qua.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Đặng Thanh Mai báo cáo tại Hội nghị

Thể chế, chính sách, pháp luật về KTTV ngày càng hoàn thiện

Báo cáo tại cuộc họp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Đặng Thanh Mai cho biết: Trong năm 2021, Tổng cục KTTV đã hoàn thành toàn bộ các nhiệm vụ thuộc Chương trình công tác của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường có liên quan tới công tác KTTV. Tổng cục KTTV đã hoàn thiện “Đề án tổ chức bộ máy và mô hình hoạt động của Tổng cục KTTV” trình Bộ xem xét trình Chính phủ. Thực hiện Chương trình làm việc của Trung ương khoá XIII và của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2021, Tổng cục KTTV đã triển khai xây dựng Đề án “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác KTTV đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, đã được Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 25/9/2021. Hiện đang hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị 10 theo ý kiến các bộ, ngành và địa phương. Tổng cục đã triển khai xây dựng và đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chiến lược phát triển Ngành KTTV đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hiện nay, Tổng cục đang hoàn thiện dự thảo Quyết định của Bộ trưởng Bộ TNMT ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược để trình ban hành. Triển khai thực hiện Quyết định số 433/QĐ-TTg ngày 24/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ,  Tổng cục đang nhiệm vụ lập Quy hoạch mạng lưới trạm KTTV quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo dõi sát sao công tác dự báo, cảnh báo và phòng, chống thiên tai KTTV

Trong năm 2021, Tổng cục đã chỉ đạo công tác dự báo KTTV đã theo dõi và dự báo kịp thời 09 cơn bão, 03 áp thấp nhiệt đới (ATNĐ); 18 đợt không khí lạnh (có 02 đợt rét đậm ở Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế), 11 đợt nắng nóng và 27 đợt mưa lớn trên diện rộng; 15 đợt lũ trên phạm vi cả nước; thực hiện tốt công tác dự báo phục vụ Quy trình liên hồ chứa cho 11 lưu vực sông trên toàn quốc; thực hiện các bản tin dự báo xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long mùa khô năm 2020-2021 phục vụ công tác phòng chống thiên tai và sản xuất nông nghiệp; thực hiện đầy đủ công tác dự báo phục vụ đổ ải vụ Đông Xuân năm 2020-2021. Trình Bộ ban hành kế hoạch thực hiện Quyết định 957/QĐ-TTg về Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030 và tổ chức triển khai thực hiện. Báo cáo Bộ: về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, vấn đề an ninh nguồn nước tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long; kết quả thực hiện Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18/6/2018 của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai; tình hình mưa, lũ lớn tại các nước trên thế giới và nguy cơ mưa, lũ lớn tại Việt Nam từ cuối tháng 7 đến hết năm 2021.

Kiện toàn tổ chức thực hiện Chương trình cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai, đặc biệt là các thiên tai liên quan đến bão, nước dâng do bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn; điều chỉnh hệ số một số loại bản tin dự báo.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế

Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn ra phức tạp trên phạm vi toàn cầu năm 2021, hầu hết các hoạt động đoàn ra, vào, hội nghị, hội thảo quốc tế bị hoãn hoặc hủy và không theo kế hoạch đã đề ra. Tuy nhiên, Tổng cục vẫn thực hiện đầy đủ các hoạt động hợp tác quốc tế đa phương, song phương đảm bảo theo đúng tiến độ. Thông qua hình thức trao đổi trực tuyến, Tổng cục KTTV tham gia đầy đủ và thực hiện tốt vai trò Phó Chủ tịch Hiệp hội khí tượng khu vực II Châu Á (RA-II) và Đại diện thường trực Việt Nam tại WMO.  Ký kết và xây dựng kế hoạch thực hiện các hợp tác với các nước: Hàn Quốc, Trung Quốc, Lào, Phần Lan, Na Uy, Bỉ, Nhật Bản, Niu-di-lân, Anh Quốc, I-ta-li-a, Căm-pu-chia, Pháp… Duy trì, đảm bảo thông suốt hoạt động hợp tác quốc tế song phương, đa phương với WMO, Ủy ban Bão, Tiểu ban Khí tượng và Vật lý địa cầu ASEAN, Trung tâm Phòng tránh thiên tai châu Á, Ngân hàng thế giới.

Đổi mới công tác truyền thông báo chí

Năm 2021, trong bối cảnh dịnh bệnh đang diễn ra phức tạp, để thực hiện được những yêu cầu của báo chí và các cơ quan truyền thông về thông tin những cơn bão là rất khó khăn, Tổng cục đã chủ động quay 47 video, và nhiều  hình ảnh kèm theo các câu trả lời để cung cấp thông tin kịp thời về cơn bão cũng như những tác động do bão gây ra cho hơn 500 lượt phóng viên của các cơ quan truyền thông; tổ chức 05 buổi tọa đàm trực tuyến với  các cơ quan báo chí; 30  tin, bài viết, phỏng vấn tuyên truyền về Chỉ thị số 10 của Ban Bí thư trên các phương tiện truyền thông đại chúng như: VTV1, VTV3, Báo Nhân Dân, Truyền hình Nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các Đài Truyền hình ở Trung ương và địa phương cùng mạng lưới báo viết, báo điện tử đã đồng loạt tuyên truyền về Chỉ thị tạo hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ về ngành KTTV và vai trò đối với sự phát triển bền vững Đất nước.

Cũng tại Hội nghị, Bà Phạm Thị Thanh Ngà, Phó Viện trưởng Viện KTTV và BĐKH đã báo cáo kết quả công tác năm 2021 của Viện. Cụ thể:  Trong năm 2021 Viện đã thực hiện 07 đề tài cấp nhà nước (04 ĐT kết thúc thuộc CT KC-08, 01 ĐT kết thúc thuộc Chương trình KHCN BĐKH, 03 ĐT mở mới năm 2021 thuộc CT 562); 12 đề tài cấp Bộ (10 đề tài kết thúc, 2 đề tài chuyển tiếp) và tiếp tục đề xuất, trình Bộ thuyết minh các đề tài mở mới năm 2022. Hoàn thành thủ tục kết thúc 06 dự án (05 DA thuộc Chương trình Mục tiêu BĐKH-TTX giai đoạn 2016-2020 và 01 DA nguồn SNKT); Triển khai thực hiện 01 dự án chuyển tiếp (nguồn sự nghiệp kinh tế) và 01 dự án mở mới 2021.

Bà Phạm Thị Thanh Ngà, Phó Viện trưởng Viện KTTV và BĐKH báo cáo tại Hội nghị

Viện luôn đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng năm 2021 về các lĩnh vực được giao; Tích cực tham gia các công tác dự báo thiên tai bão, mưa lớn, sóng và nước dâng do bão, cảnh báo lũ quét và xâm nhập mặn theo quy chế phối hợp với Tổng cục KTTV, nâng cao chất lượng thảo luận và bản tin dự báo; Đảm bảo hoạt động hệ thống máy tính hiệu năng cao, thư điện tử và trang thông tin điện tử của Viện.

Về công tác công bố khoa học và xuất bản: Năm 2021, Viện đã đẩy mạnh công tác công bố kết quả nghiên cứu khoa học, đặc biệt trên các tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI/Scopus chuyên ngành KTTV (tổng cộng 10 bài: KTKH 05; TVHV 02; MT 01; BDKH 02) và 51 bài báo và các tuyển tập, kỷ yếu trong nước (KTKH 17; TVHV 14; MT 07; BĐKH 13). Ngoài ra, Tạp chí Khoa học Biến đổi khí hậu của Viện được xuất bản theo định kỳ: 03 số tiếng Việt và 01 số tiếng Anh.

Mặc dù diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19, Viện đã chủ động, linh hoạt thực hiện các kế hoạch đào tạo NCS, đồng thời xây dựng và ban hành các quy chế, quy định và đảm bảo công tác đào tạo đúng tiến độ cho 40 NCS, với kết quả 10 NCS đã được công nhận học vị Tiến sĩ (Ngành Thủy văn 02; Hải dương 01, Quản lý TNMT 04; BĐKH 03).

Đối với hoạt động hợp tác quốc tế: Năm 2021, Viện tiếp tục là đơn vị đầu mối quốc gia trong mạng lưới lắng đọng axit vùng Đông Á (EANET) xây dựng Khung hợp tác giữa UNEP và EANET; Triển khai các hoạt động trong Chương trình Thủy văn Quốc tế (IHP); Thực hiện ký kết 02 Biên bản ghi nhớ với Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF); Tích cực tham gia các nhóm công tác của Ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu.

Hội nghị đã được lắng nghe những chia sẻ, góp ý cũng như những ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự để thực hiện tốt hơn nữa công tác năm 2022.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh: Năm 2021 là một năm Việt Nam chúng ta bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Trong giai đoạn cả nước bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; thực hiện chỉ đạo Bộ TNMT, các hoạt động của ngành KTTV luôn duy trì được thông suốt, nhất là trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, ngành KTTV trên cả nước đã khắc phục khó khăn, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn để đảm bảo thực hiện công tác đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia. Kết quả công tác KTTV đã được Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành và các địa phương ghi nhận.

Đặc biệt, Năm 2021, Ngành KTTV Việt Nam được giao trọng trách quan trọng trước yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đó là Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 25 tháng 9 năm 2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khí tượng thủy văn đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tinh thần xuyên suốt của Chỉ thị nhìn nhận, đánh giá công tác khí tượng thủy văn là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, thường xuyên, liên tục của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; đây cũng đồng thời là động lực và trọng trách của ngành khí tượng thủy văn trên các mặt công tác, để đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Trong năm 2022, Tổng cục KTTV, Viện Khoa học KTTV&BĐKH cùng toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành KTTV tiếp tục giữ vững và phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực hơn nữa trong công tác và lưu ý một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:

Hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác quản lý nhà nước lĩnh vực KTTV.  Nhanh chóng triển khai đưa Chỉ thị 10 - CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác KTTV đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Chiến lược phát triển ngành KTTV đến năm 2030 đi vào cuộc sống.

Tiếp tục duy trì tinh thần kỷ luật, kỷ cương hành chính, giữ vững sự chủ động các phương án trong những tình huống phức tạp nhất, tất cả đặt mục tiêu phục vụ hiệu quả sự an toàn của Nhân dân. Đặc biệt là cần tiếp tục tăng cường theo dõi chặt chẽ, sát diễn biến các hiện tượng KTTV, đặc biệt là các hiện tượng KTTV nguy hiểm phục vụ tốt công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp và cộng đồng; giảm thiểu thiệt hại do thiên tai có nguồn gốc KTTV gây ra.

Đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm chuyển đổi số toàn diện lĩnh vực KTTV. Tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới  “Công nghệ 4.0”: IOT (Internet vạn vật), trí tuệ nhân tạo, các công nghệ khai thác dữ liệu lớn (BigData)... trong lĩnh vực KTTV, giám sát BĐKH.

Tăng cường ứng dụng khoa học, kỹ thuật phối hợp với các đối tác quốc tế để chia sẻ dữ liệu thông tin. Thường xuyên phối hợp với các cơ quan chuyên môn trong và ngoài Bộ, tổ chức tham vấn các chuyên gia đầu ngành để đưa ra những cảnh báo, dự báo sớm nhất, chính xác nhất phục vụ cộng đồng. Viện KTTV và Biến đổi khí hậu cùng với Tổng cục KTTV tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, khoa học hơn và toàn diện về phân vùng rủi ro thiên tai phù hợp với thực tiễn. Đẩy mạnh công tác dự báo tác động, không chỉ phục vụ công tác phòng chống thiên tai, phát triển kinh tế xã hội mà còn là bài toán kinh tế nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu: các bản tin dự báo mùa, dự báo sản lượng điện gió, tải lượng điện …

Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, bộ, ngành để chủ động cung cấp thông tin, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai; tăng cường tuyên truyền để người dân chủ động trong phòng, chống thiên tai nhất là tại các khu vực dễ bị tổn thương bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động truyền thông KTTV với các Bộ, ban ngành, cơ quan, địa phương và cộng đồng để chủ động nắm bắt kịp thời các bản tin, thông tin dự báo, cảnh báo.

Đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế được giao với vai trò Trung tâm hỗ trợ khu vực nhằm nâng cao vị thế của Việt Nam trên cộng đồng Khí tượng thế giới.

Toàn cảnh Hội nghị

Bùi Dịu

 

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: