Ngành TN&MT đạt được nhiều chỉ tiêu cơ bản đặt ra trong năm 2021

Đăng ngày: 31-12-2021 | Lượt xem: 3038
Sáng 31/12, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022.

Báo cáo tại Hội nghị cho biết, năm 2021, dù gặp khó khăn, thách thức nhưng với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo điều hành sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp của các Bộ, ngành, toàn ngành TN&MT đã đạt được những chỉ tiêu cơ bản đặt ra trong năm 2021, đóng góp trực tiếp, quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tham dự Hội nghị. Ảnh: Hoàng Minh

Quyết liệt tháo gỡ các vướng mắc đặt ra từ thực tiễn

Năm 2021, toàn ngành đã tập trung giải quyết ngay các vướng mắc, điểm nghẽn để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển; tổng kết đánh giá, hoàn thiện thể chế, phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.

Điển hình như việc để giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc đặt ra từ thực tiễn về đất đai quy hoạch, giao đất, cho thuê đất, bồi thường hỗ trợ, tái định cư, giao khu vực biển, lấn biển, đấu giá khoáng sản, quản lý tài nguyên nước, cơ chế khuyến khích, các chính sách hỗ trợ, các biện pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm thúc đẩy thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng quan trọng, phòng chống rủi ro do thiên tai, Bộ đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 12 Nghị định, 2 Quyết định, 2 Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ; ban hành theo thẩm quyền 21 Thông tư. UBND tỉnh, thành phố ban hành trên 420 văn bản phù hợp với quy định của pháp luật và điều kiện thực tế của địa phương, nhất là các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường,...

Toàn ngành đã rà soát 440 văn bản liên quan đến đất đai, tài nguyên, môi trường, xây dựng và kinh doanh bất động sản xác định 40 văn bản có nội dung chưa thống nhất, đồng bộ, bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp, trên cơ sở đó đề xuất Chính phủ sửa đổi các quy định thuộc thẩm quyền và giải quyết các chồng chéo mâu thuẫn trong dự  thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Tập trung triển khai xây dựng các chiến lược, quy hoạch, trình Quốc hội quyết định quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, kế hoạch sử dụng đất quốc gia giai đoạn 2021 - 2025; trình Thủ tướng Chính phủ Chiến lược phát triển ngành KTTV đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, quy hoạch sử dụng tài nguyên nước quốc gia và các lưu vực sông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phân bổ hợp lý nguồn lực tài nguyên đáp ứng yêu cầu thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, của đất nước, phát triển các ngành, lĩnh vực và các địa phương.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Hoàng Minh

Các nguồn tài nguyên được quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả

Đặc biệt, trong năm 2021, các nguồn tài nguyên được quản lý chặt chẽ, phân bổ và sử dụng hiệu quả cho phát triển đất nước. Theo đó, quy hoạch phân bổ quỹ đất đã đảm bảo cho thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, giải quyết hiệu quả tình trạng lãng phí tài nguyên đất đai.

Các địa phương đã đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện; thực hiện thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất với diện tích hơn 20 nghìn ha trong năm 2021 đáp ứng yêu cầu về đất đai cho tập trung triển khai các dự án hạ tầng, phát triển hệ thống đô thị, nhà ở, thu hút, đón nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Khai hoang phục hóa, đưa vào sử dụng gần 11 nghìn ha đất chưa sử dụng. Thực hiện cấp 0,5 triệu Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất lần đầu, thực hiện gần 6 triệu thủ tục đăng ký biến động, cấp Giấy chứng nhận.

Tình trạng lãng phí đất được quan tâm chỉ đạo, rà soát, xử lý, đến nay, cả nước đã thực hiện thanh tra, kiểm tra, rà soát, thu hồi chủ trương đầu tư, thu hồi đất với diện tích 16 nghìn ha; yêu cầu đưa vào sử dụng gần 53 nghìn ha; chấm dứt chủ trương đầu tư 7,7 nghìn ha. Cơ bản hoàn thành rà soát, cắm mốc ranh giới đất nông, lâm trường ở 45/45 địa phương.

Vướng mắc về thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, bồi thường giải phóng mặt bằng được giải quyết, giúp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư. Nguồn thu từ đất đến 21/12/2021 đạt 172,25 nghìn tỷ đồng, chiếm 15,2% tổng thu ngân sách nội địa cao gấp 3,5 lần năm 2015.

Để thực hiện giải pháp tổng thể đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia trong bối cảnh 63% lượng nước xuất phát từ bên ngoài lãnh thổ, toàn ngành đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp: Triển khai Đề án tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia, giai đoạn đến năm 2025, Quy hoạch điều tra cơ bản tài nguyên nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tập trung xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Bằng Giang-Kỳ Cùng, Sê San, SrePok, Cửu Long và các lưu vực sông liên tỉnh; điều hòa, phân phối các hoạt động khai thác, sử dụng đảm bảo cân bằng giữa nhu cầu về tài nguyên nước cho dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, từng vùng, từng địa phương, bảo đảm quốc phòng, an ninh, gắn với bảo vệ môi trường, phù hợp với khả năng cung ứng của tài nguyên nước trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Đến nay, có 41/63 tỉnh phê duyệt Danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ. Nguồn thu từ tài nguyên nước ước đạt khoảng 5.900 tỷ đồng, trong đó, thu từ tiền cấp quyền đạt hơn 1.600 tỷ đồng.

Sử dụng hiệu quả tài nguyên khoáng sản

Năm 2021, Bộ TN&MT cũng quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả tài nguyên khoáng sản; tăng cường điều tra, nghiên cứu địa chất phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, cảnh báo thiên tai. Đến nay, đã hoàn thành lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 phần đất liền diện tích 242.445 km2 (đạt 73,19% diện tích đất liền) và tỷ lệ 1:100.000 đến 1:500.000 trên diện tích hơn 244.000 km2 vùng biển độ sâu 0 - 100m. Kết quả đã phát hiện, điều tra sơ bộ hàng trăm điểm khoáng sản các loại, khoanh định nhiều khu vực có tiềm năng, triển vọng để chuyển sang giai đoạn đánh giá xác định tài nguyên. Bước đầu đã phát hiện các cấu trúc thuận lợi, những tiền đề, dấu hiệu tìm kiếm khoáng sản như quặng đất hiếm trong vỏ phong hóa ở vùng Tây Bắc, Trung Bộ; khoáng sản kim loại ẩn sâu vùng Tây Bắc; xác định các dấu hiệu của hoạt động kiến tạo, đứt gãy, trượt lở nhằm cảnh báo thiên tai.

Đồng thời, tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về khoáng sản lần thứ 8 và các Hội nghị liên quan; Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN về khoáng sản với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc lần thứ 14 (14thASOMM+3). Toàn ngành đã phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản với tổng số tiền gần 1.600 tỷ đồng, 8 Quyết định tiền sử dụng số liệu, thông tin về kết quả điều tra, thăm dò khoáng sản của Nhà nước đã đầu tư với tổng số tiền hơn 22 tỷ đồng. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), tổng số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản do các tổ chức, cá nhân nộp vào ngân sách Nhà nước là 5.715 tỷ đồng.

Năm 2021, Bộ cũng tăng cường công tác điều tra tài nguyên, môi trường biển; quy hoạch không gian biển, phát huy tiềm năng, lợi thế cho phát triển các ngành kinh tế biển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn. Theo đó, Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển; trình Chính phủ Nghị định quy định về thế chấp, cho thuê, góp vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng khu vực biển của tổ chức, cá nhân được giao để nuôi trồng thủy sản; hỗ trợ, bồi thường thiệt hại khi Nhà nước thu hồi khu vực biển vì mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, công cộng; Nghị định về hoạt động lấn biển.

Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy chế phối hợp quản lý Chương trình trọng điểm về điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến năm 2030; Đề án “Việt Nam chủ động tham gia đàm phán và xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về chống rác thải nhựa đại dương”; Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 24/11/2021 về đổi mới và tăng cường tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: Hoàng Minh

94,71% chất thải rắn sinh hoạt được thu gom xử lý

Bên cạnh đó, trong năm 2021, Bộ đã hoàn thành chỉ tiêu Quốc hội giao về tỷ lệ các khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom xử lý tại khu vực đô thị đạt khoảng 94,71% (cao hơn so với chỉ tiêu Quốc hội giao 89%).

Các mô hình xử lý rác thải theo hình thức đốt rác phát điện thay cho chôn lấp được triển khai ở nhiều địa phương; 80% cơ sở có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao được kiểm soát vận hành đóng góp cho tăng trưởng.

Nâng cao độ chính xác trong công tác dự báo, tiệm cận với trình độ các nước tiên tiến trong khu vực, thế giới; sai số dự báo trung bình bão trong các thời hạn trước 24, 48, 72 giờ lần lượt trong khoảng 80 - 120km, 120 - 200km, 200 - 300km, giảm hơn 54%, thiệt hại về người, 78% thiệt hại về tài sản so với trung bình 10 năm vừa qua.

Thiết lập các nền tảng hạ tầng số cho xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số ngành TN&MT với cơ sở dữ liệu địa chính của 216 đơn vị cấp huyện, dữ liệu của hơn 42 triệu thửa đất; dữ liệu siêu viễn thám, dữ liệu thông tin địa lý; công nghệ thông tin được ứng dụng mạnh mẽ giúp nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, đồng thời, nâng cao chất lượng dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Xây dựng hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật, thiết lập hành lang pháp lý cho quản lý, triển khai các kế hoạch để chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Việt Nam đã khẳng định thông điệp mạnh mẽ về sự công bằng, trách nhiệm, chủ động, tích cực trong tham gia xử lý một trong những thách thức chung lớn nhất của toàn cầu tại COP26. Qua đó, chủ động tận dụng các cơ hội hỗ trợ về tài chính, công nghệ và thu hút các dòng vốn đầu tư vào hạ tầng về biến đổi khí hậu, chuyển đổi mô hình sản xuất, công nghệ và phát triển năng lượng tái tạo.

Báo cáo của Bộ TN&MT cũng cho biết, chỉ số hài lòng của người dân doanh nghiệp đối với thủ tục đất đai và môi trường tăng 4,14% so với năm trước, tỷ lệ doanh nghiệp phản ánh sự phiền hà trong thực hiện thủ tục hành chính giảm 7%, phải trả chi phí không chính thức khi thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai giảm 4%; tỷ lệ người dân quan ngại về môi trường giảm từ 8,85% năm 2019 xuống còn 4,03%; số lượng đơn thư, khiếu kiện giảm 28% trong năm qua.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Hoàng Minh

Triển khai có hiệu quả các mục tiêu năm 2022

Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Dự báo tình hình quốc tế và trong nước có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Nguy cơ chậm phục hồi kinh tế, suy giảm tăng trưởng vẫn còn tiềm ẩn nếu không kiểm soát được dịch bệnh một cách cơ bản để mở cửa trở lại nền kinh tế. Bên cạnh đó, tình trạng biến đổi khí hậu, thiên tai, suy giảm hệ sinh thái tự nhiên đang trở thành tình trạng khẩn cấp trên toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, Bộ TN&MT phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đặt ra. Cụ thể, trình Quốc hội dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tổng kết đánh giá lập đề nghị sửa đổi Luật Khoáng sản; ban hành các văn bản dưới Luật giải quyết các vướng mắc đặt ra từ thực tiễn.

Hoàn thành việc lập và phê duyệt các quy hoạch quốc gia, các quy hoạch ngành; kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021 - 2030. Đơn giản hóa 10 - 15% thủ tục hành chính và chi phí tuân thủ thủ tục trong lĩnh vực TN&MT; chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm; thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 với các thủ tục đủ điều kiện trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 90%-100% dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ và được tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia; 63/63 tỉnh thành phố kết nối liên thông thủ tục thanh toán nghĩa vụ tài chính với cơ quan thuế, tổ chức tín dụng.

Đưa vào vận hành hệ thống thông tinTN&MT trọng tâm là cơ sở dữ liệu đất đai thống nhất, tập trung, kết nối liên thông giữa các ngành, cổng thông tin địa lý quốc gia, dữ liệu quan trắc, điều tra cơ bản tài nguyên và môi trường. Tăng cường kiểm soát quyền lực trong công tác quản lý tài nguyên và môi trường; thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm minh các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, tham nhũng, nhũng nhiễu trong quản lý tài nguyên và môi trường; giải quyết căn bản tình trạng lãng phí đất đai, tài nguyên; chỉ số hài lòng của người dân doanh nghiệp đối với thủ tục đất đai và môi trường tăng 5 - 6%, tỷ lệ doanh nghiệp phản ánh sự phiền hà trong thực hiện thủ tục hành chính giảm 7 - 10%.

Nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai, nguồn thu từ đất đai chiếm 12% -15%thu ngân sách nội địa; chỉ số “đăng ký đất đai” và “chất lượng quản lý hành chính đất đai” tăng 1 bậc. Cải thiện các chỉ số thành phần môi trường; 91% khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 96% chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn; 30% rác thải sinh hoạt được xử lý theo mô hình đốt rác, phát điện, tái chế thay cho chôn lấp.

80% hồ chứa thuỷ điện lớn đang vận hành được kiểm soát, giám sát trực tuyến; 100% các giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước được cập nhật, quản lý, theo dõi thống nhất từ trung ương đến địa phương vào hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung của Bộ TN&MT (khoảng gần 30.000 giấy phép); khoảng 600 hồ chứa thủy điện, thủy lợi được xác định và công bố dòng chảy tối thiểu sau đập.

50% số trạm quan trắc KTTV được tự động hóa để từng bước hình thành mạng lưới quan trắc KTTV hiện đại và tự động hoàn toàn, kết nối, chia sẻ số liệu với các nước trong khu vực, trên thế giới; 100% thiên tai bão, lũ, được giám sát, dự báo, cảnh báo kịp thời, đủ độ tin cậy; hình thành mạng lưới quan trắc KTTV kết nối trong lưu vực sông Mê Công; tăng cường năng lực giám sát môi trường, khí tượng thuỷ văn.

31% diện tích vùng biển được điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển ở tỷ lệ bản đồ 1:500.000; 75% diện tích đất liền được lập bản đồ địa chất khoáng sản ở tỷ lệ 1:50.000; trên 90% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành điều tra tài nguyên đất. Hoàn thành xây dựng các tiêu chí phát triển bền vững về môi trường, biến đổi khí hậu, đại dương làm cơ sở đánh giá kết quả thực hiện.

Theo Báo Tài nguyên và Môi trường

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: