Hội nghị tổng kết công tác dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn 2023, nhận định xu thế thiên tai năm 2024

Đăng ngày: 21-03-2024 | Lượt xem: 2274
Chiều ngày 21/3, Tổng cục Khí tượng Thủy văn (KTTV) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn năm 2023, nhận định xu thế thiên tai năm 2024. Hội nghị nằm trong chuỗi các sự kiện chào mừng ngày Nước thế giới, Ngày khí tượng thế giới và Giờ trái đất năm 2024 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Toàn cảnh hội nghị

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Hoàng Đức Cường cho biết: Trong năm 2023, do chịu ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nên diễn biến KTTV khá phức tạp. Có những hiện tượng thiên tai dị thường, đó là mưa đặc biệt lớn ở khu vực Quảng Trị đến Bình Định, trong đó tại Thừa Thiên Huế một số nơi mưa trên 1000mm đã gây ngập lụt trên diện rộng; lũ quét và sạt lở đất đã xảy ra nhiều nơi khu vực vùng núi, đặc biệt tại các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lâm Đồng; nhiều đợt dông, lốc kèm theo sóng lớn đã làm đắm tàu, mất tích nhiều ngư dân; nhiều đợt triều cướng kèm theo sóng lớn đã gây xói lở bờ biển gây khó khăn không nhỏ trong công tác dự báo Ngoài ra, Tổng cục KTTV còn thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau theo sự phân công của Lãnh đạo Bộ. Với nhiệm vụ như trên, Tổng cục KTTV luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, tạo điều kiện của các đồng chí Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường nên đã vượt qua mọi khó khăn và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Ông Hoàng Đức Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV phát biểu tại Hội nghị

Từ đầu năm 2024, thiên tai phức tạp, dị thường đã xuất hiện như đợt rét đậm, rét hại diện rộng kéo dài từ tháng 2 đến sang cả tháng 3 với nền nhiệt thấp ở đồng bằng Bắc Bộ dưới 15 độ C độ và vùng núi dưới 13 độ C, nắng nóng xuất hiện dài ngày ở khu vực Nam Bộ, xâm nhập mặn tăng cao hơn ở Đồng bằng sông Cửu Long, ảnh hưởng lớn đến dân sinh và sản xuất nông nghiệp.

Theo Phó Tổng cục trưởng Hoàng Đức Cường, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, các hiện tượng KTTV ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường và đòi hỏi sự chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, môi trường, các hoạt động kinh tế xã hội, các đại biểu tham dự Hội nghị cần trao đổi nhằm làm rõ những việc đã làm được để tiếp tục triển khai thực hiện và chỉ ra những tồn tại, hạn chế và giải pháp khắc phục.

Ông Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm dự báo KTTVQG nhận định xu thế thiên tai khí tượng, thủy văn năm 2024

Nhận định xu thế thiên tai khí tượng, thủy văn năm 2024, ông Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cho biết: Theo dự báo của Trung tâm, El Nino sẽ suy yếu và chuyển sang pha trung tính sau đó chuyển nhanh sang La Nina trong mùa hè 2024, khoảng 80-85% El Niño kết thúc vào tháng 4-6/2024; khoảng 60-65% La Niña sẽ bắt đầu khoảng tháng 7-8/2024.

Bão và áp thấp nhiệt đới khả năng sẽ xuất hiện trên Biển Đông tương đương với trung bình nhiều năm (khoảng nửa cuối tháng 6/2024), số lượng áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng đến nước ta có khả năng ít hơn đến xấp xỉ so với trung bình nhiều năm, nhưng sẽ tập trung vào nửa cuối mùa mưa bão.

Từ nay đến tháng 6/2024 tại phía Bắc, tổng lượng mưa xấp xỉ đến thấp hơn so với trung bình nhiều năm, phía Nam phổ biến thấp hơn so với trung bình nhiều năm; trong 6 tháng cuối năm, lượng mưa ở mức xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm, đặc biệt ở khu vực Trung Bộ và các tỉnh phía Nam. Đối với nắng nóng, tiếp tục có khả năng xuất hiện nhiều đợt hơn và gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm.

Về thủy văn, trong mùa khô năm 2024, khả năng xảy ra khô hạn cục bộ tại các tỉnh Trung, Nam Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên; mùa lũ năm 2024 trên các lưu vực có hồ chứa lớn như sông Đà, sông Gâm - Chảy ít có khả năng xuất hiện sớm; dòng chảy trên phần lớn các lưu vực sông và hồ chứa có xu thế thấp hơn trung bình nhiều năm.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Đại diện Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai cho biết: Trong tình hình biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng cực đoan, dị thường, việc dự báo, cảnh báo sớm các thông tin về thời tiết, khí hậu để Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan, tổ chức và cộng đồng xã hội chủ động chỉ đạo, triển khai các hoạt động phòng ngừa từ sớm, từ xa, sẵn sàng chung tay ứng phó, khắc phục thiên tai là rất quan trọng, có ý nghĩa to lớn và mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần ổn định đời sống, sinh kế của người dân và sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đất nước

Thông tin dự báo, cảnh báo là yếu tố quan trọng hàng đầu trong công tác phòng, chống thiên tai; những năm gần đây đã có những bước tiến đáng kể, cung cấp thông tin kịp thời với thời gian dự báo dài hơn cho các cơ quan phòng chống thiên tai và người dân, trong đó công tác dự báo bão,  ATNĐ có độ tin cậy dần tiệm cận với trình độ dự báo của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, nên đã giúp giảm thiểu thiệt hại, gần như không có người chết, mất tích trên biển trong các trận bão, ATNĐ.

Phát huy hơn nữa vai trò của các Đài KTTV khu vực và Đài KTTV caaos tỉnh để chuyển thể, biên tập lại nội dung bản tin dự báo, cảnh báo được kịp thời, ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp với từng khu vực, địa phương để các cấp chính quyền, đặc biệt là lực lượng xung kích phòng chống thiên tai và cơ quan truyền thông truyền tải tới người dân, phát huy hiệu quả cao nhất nhằm chủ động ứng phó phù hợp, giảm thiểu thiệt hại.

Đại diện Cục Hàng hải Việt Nam

Báo cáo tại Hội nghị, Đại diện Cục Hàng hải Việt Nam cho biết: Một trong những thông tin cực kì quan trọng để hoạt động phối hợp tìm kiếm cứu nạn (TKCN) trên biển hiệu quả cao là các thông tin liên quan đến yếu tố: thời tiết, dòng chảy, cấp sóng, cấp gió,... tại khu vực. Các thông tin này là yếu tố đầu vào để tính toán độ trôi dạt người, phương tiện bị nạn; phương án huy động, phương tiện ứng cứu. Kết quả tính toán càng chính xác thì khả năng cứu, hỗ trợ người, phương tiện bị nạn càng cao, đồng thời tiết kiệm chi phí ngân sách huy động phương tiện.

Với chức năng và đặc thù hoạt động, quá trình cấp phép cho tàu thuyền ra vào cảng biển, các Cảng vụ hàng hải căn cứ bản tin dự báo thời tiết để xem xét cấp phép cho các tàu biển rời, vào cảng biển. Các loại tàu thuyền đều có quy chuẩn giới hạn điều kiện thời tiết để được phép hành trình an toàn.

Các cơ quan, đơn vị sau khi nhận được công điện từ Cục Hàng hải Việt Nam và các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai của khu vực có trách nhiệm kịp thời triển khai biện pháp ứng phó thiên tai theo phương án ứng phó thiên tai đã xây dựng; tổ chức trực canh, phân công lực lượng xung kích thường trực phòng, chống thiên tai tại các khu vực do cơ quan đơn vị quản lý, duy trì thông tin liên lạc, hỗ trợ y tế và các công việc liên quan; theo dõi dự báo diễn biến của thiên tai và khả năng chống chịu thiên tai của công trình, máy móc, thiết bị, triển khai phương án ứng phó thiên tai theo quy định.

GS.TS Trần Thục, Chủ tịch Hội KTTV Việt Nam phát biểu tại hội nghị

Đánh giá công tác dự báo, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất thời gian qua, GS.TS Trần Thục, Chủ tịch Hội KTTV Việt Nam cho rằng các đơn vị dự báo đã tăng cường đầu tư khoa học công nghệ cho cảnh báo lũ quét, sạt lở đất. Tuy nhiên đối với loại thiên tai này, thế giới không có nhiều kỳ vọng về tính dự báo, hiện trạng dự báo đối với loại thiên tai này đạt mức từ kém đến thấp và kỳ vọng đến năm 2040, khoa học có thể nâng lên mức kém đến trung bình.

Chính vì vậy, theo GS.TS Trần Thục, cùng với việc tăng cường quan trắc, giám sát, việc theo dõi liên tục thông tin qua các hệ thống dự báo trực tuyến cũng như sự phối hợp giữa chính quyền địa phương, người dân và cộng đồng trong việc rà soát các nguy cơ về lũ quét, sạt lở đất tại địa phương là rất quan trọng để có thể chủ động phòng ngừa, ứng phó trước khi thiên tai xảy ra.

Các đại biểu tham dự hội nghị chụp ảnh lưu niệm

Tại hội nghị, các đại biểu cũng tập trung trao đổi, thảo luận về công tác dự báo, cảnh báo các hiện tượng KTTV nguy hiểm và cảnh báo tác động đến hoạt động kinh tế-xã hội phục vụ phòng chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai trên khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ; thực trạng hạn hán, mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, công tác dự báo, cảnh báo và phục vụ; kết quả phân vùng rủi ro thiên tai lũ, ngập lụt và lũ quét phục vụ công tác dự báo, cảnh báo và phòng, chống thiên tai…

Tạp chí KTTV

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: