Thứ trưởng Lê Công Thành: Công nghệ dự báo tốt hơn, phân loại bản tin dự báo phải tinh hơn

Đăng ngày: 13-06-2019 | Lượt xem: 1458
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành chỉ đạo như vậy tại cuộc họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai diễn ra chiều 13/6, tại Hà Nội.

Báo cáo của Tổng cục Khí tượng Thủy văn (KTTV) về quá trình triển khai xây dựng Quyết định thay thế Quyết định 46/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai nêu rõ, hiện nay các loại hình thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, tuy nhiên, Quyết định 46/2014/QĐ-TTg mới chỉ quy định chi tiết cho 4 trong số 19 loại hình thiên tai được quy định trong Luật phòng chống thiên tai ngày 19 tháng 6 năm 2013, các loại thiên tai còn lại mới chỉ dừng lại ở mức độ chung chung.

Trong những năm trở lại đây, các loại hình thiên tai khác đang diễn ra ngày càng khốc liệt và thường xuyên hơn như mưa lớn, nắng nóng, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn... hậu quả do các loại hình thiên tai này gây ra cũng vô cùng to lớn đòi hỏi phải có quy định cụ thể để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Hơn nữa, quy định về nội dung các bản tin dự báo, cảnh báo bão, ATNĐ, lũ trong Quyết định 46 cũ còn nhiều điểm chưa hợp lý và thống nhất. Chẳng hạn như quy định về tần suất và thời gian phát hành bản tin bão chưa đều và hợp lý; quy định khi phát hiện lũ có khả năng lên báo động II mới ra tin cảnh báo chưa đảm bảo kịp thời của tin cảnh báo; quy định sự phối hợp trong việc thu thập các thông tin vận hành hồ chứa còn chưa chặt chẽ...

Bên cạnh đó, việc phân cấp và quy định về nội dung và truyền phát tin cảnh báo, dự báo giữa các đơn vị làm công tác dự báo vẫn còn nhiều bất cập. Danh sách các vị trí do các Đài KTTV tỉnh và Đài KTTV khu vực thực hiện thông báo lũ cần được bổ sung, thống nhất lại.

“Cần có sự điều chỉnh một số nội dung của Quyết định 46 cũ cho phù hợp với Luật Khí tượng thủy văn ban hành ngày 23 tháng 11 năm 2015 và các văn bản quy phạm pháp luật khác ban hành sau năm 2014. Cụ thể trong Luật KTTV đã giải thích rất rõ về bản tin dự báo và bản tin cảnh báo khí tượng thủy văn; do vậy trong nội dung mới cũng phải quy định chi tiết cho các loại bản tin này”, báo cáo chỉ rõ.

Theo báo cáo, trên cơ sở kết quả triển khai nhiệm vụ xây dựng dự thảo Quyết định quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai, Tổng cục KTTV đề xuất các nội dung chính trong dự thảo Quyết định cần cho ý kiến về: Điều chỉnh tin dự báo, cảnh báo áp thấp nhiệt đới, bão gần bờ thành tin dự báo, cảnh báo áp thấp nhiệt đới, bão khẩn cấp; Bổ sung các mục về các loại hình thiên tai dự báo, cảnh báo: trước 4 loại hình thiên tai chính, nay tăng lên 12 loại hình thiên tai có quy định riêng (mưa lớn, ngập lụt, nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn, lũ quét và  sạt lở đất đá do mưa lũ hoặc do dòng chảy); Việc điều chỉnh chế độ truyền phát các tin thiên tai đối với các đơn vị truyền tin thiên tai; Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân được bổ sung trong việc dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai...

Tại cuộc họp, đa số các ý kiến Ban soạn thảo cho rằng, việc xây dựng Quyết định thay thế Quyết định 46/2014/QĐ-TTg là cần thiết. Quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai phải phù hợp với Luật Khí tượng Thủy văn. Cùng với đó, cần có quy định cụ thể với 12 loại hình thiên tai.

Trên cơ sở các ý kiến thảo luận và đóng góp tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị Ban soạn thảo và Tổ biên tập xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai xem xét toàn diện mọi khía cạnh.

“Hiện nay, chúng ta đã bổ sung đến 12 loại hình thiên tai. Với mỗi loại hình thì bản tin, mật độ các bản tin, quy định về đưa tin phải khác nhau. Hiện nay, bản tin nắng nóng 3 tiếng gửi một lần nội dung chẳng có gì thay đổi cả”, Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Lê Công Thành, cảnh báo thiên tai phải khắc phục tình trạng chúng ta cứ nói quá lên một chút, từ đó sinh ra tình trạng bà con mất cảnh giác và  có tâm lý chủ quan.

“Đặc biệt, càng ngày công nghệ dự báo tốt hơn, phân loại bản tin dự báo cũng phải tinh hơn về cả nội dung, hình thức và truyền tin”, Thứ trưởng đề nghị.

Mặt khác, hiện Luật Phòng chống thiên tai cũng đang quá trình sửa đổi, chúng ta cần xem xét những nội dung Luật Phòng chống thiên tai đồng ý sửa đổi có tác động đến quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai. Đối với bản tin phải đúng chủ trương ngày càng đa dạng, dễ hiểu; với từng kênh truyền tin thì bản tin phải có những đặc thù riêng phù hợp.

Theo Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: