Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp khẩn cấp đối phó với bão số 9

Đăng ngày: 26-10-2020 | Lượt xem: 1871
Sáng 26/10, trước diễn biến phức tạp và nguy hiểm của bão số 9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến Tổng cục Khí tượng Thủy văn điều hành cuộc họp trực tuyến với các đơn vị về công tác dự báo, cảnh báo và ứng phó với bão số 9.

Tham dự cuộc họp còn có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; các bộ, ban ngành cùng các đơn vị trực thuộc Tổng cục Khí tượng Thủy văn ở đầu cầu Trung ương và Đài khu vực, Đài tỉnh.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp

Báo cáo tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn (KTTV) quốc gia cho biết: Bão Molave liên tục mạnh lên, vị trí lúc 07h ngày 26/10: 13,5N-120,3E trên khu vực miền Trung Philippin, sức gió cấp 11-12, giật cấp 14. Tới 9 giờ sáng 26/10, bão số 9 đã đi vào Biển Đông. Trước tình hình bão đi nhanh, cường độ mạnh nên Trung tâm đã phá lệ phát tin bão khẩn cấp trên Biển Đông để nâng cấp ứng phó.

Ông Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV báo cáo tại cuộc họp

Phạm vi ảnh hưởng của bão số 9 rộng: các tỉnh Bắc Trung Bộ tới Nam Trung Bộ.  Dự báo từ chiều 27/10 vùng ven biển chịu ảnh hưởng trực tiếp của gió, bão, dông, lốc và gió giật mạnh. Từ đêm 27 đến sang ngày 28/10 ảnh hưởng trực tiếp tới đất liền, ven biển (gió mạnh có thể kéo dài tới chiều và tối). Từ đêm 27 đến sáng 29/10 ở các khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên có mưa 200-400mm, riêng Quảng Nam có nơi trên 500mm. Ở Bắc Tây Nguyên có mưa 100-200mm. Từ đêm 28/10 đến 31/10 ở Quảng Trị đến Nghệ An có mưa kéo dài do hoàn lưu sau bão kết hợp với không khí lạnh. Lượng mưa phổ biến 200-400mm, riêng Nam Nghệ An, Hà Tĩnh, Bắc Quảng Bình có mưa đặc biệt to 500-700mm.

Do mưa lớn nên các sông từ Nghệ An đến Phú Yên và Gia Lai, Kon Tom sẽ xuất hiện một đợt lũ mới. Mực nước trên nhiều sông có khả năng lên BĐ2-BĐ3. Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt diện rộng trở lại. Đặc biệt nguy cơ rất cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét vùng núi các tỉnh từ Nghệ An đến Phú Yên và khu vực Tây Nguyên. Nguy cơ xảy ra sự cố các công trình thủy điện, thủy lợi nhỏ xung yếu trong đợt lũ này.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia báo cáo tại cuộc họp

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thủ tướng đã yêu cầu cơ quan dự báo, Ban chỉ đạo PCT Trung ương, Ủy ban quốc gia về tìm kiếm cứu nạn các cấp và các bộ, ngành, địa phương đặc biệt chú ý công tác dự báo, cảnh báo chi tiết diễn biến của thiên tai, triển khai triệt để công tác ứng phó, di rời dân cư vùng ảnh hưởng trực tiếp, tuyên truyền mạnh mẽ về cơn bão cho bà con nhân dân biết để chủ động.

Thủ tướng yêu cầu Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia và các Đài KTTV khu vực, địa phương trong cả nước thường xuyên thông tin kịp thời, liên tục đến các cấp các ngành, các cơ quan có chức năng từ Trung ương đến địa phương có phương án, chủ động phòng chống.

Các phương tiện thông tin đại chúng từ Trung ương đến địa phương, giành thời lượng cần nhất để thông tin đến nhân dân các cấp, các ngành quán triệt tinh thần bão lớn đến không được chủ quan để nhân dân hiểu được tình hình, có phương án phòng tránh. Bão số 9 có cấp độ lớn, không có vật cản nên gió lớn gây thiệt hại từ ven bờ đến nội địa khu vực nam Nghệ An đến Khánh Hòa; Cùng với bão và sau bão là mưa lớn, lũ, các sông, hồ hiện nay đã cơ bản ngập nước, đủ dung lượng, nhiều hồ xả đã phải xả lũ cần có biện pháp bảo vệ an toàn, đảm bảo tài sản, tính mạng cho nhân dân. “Chỉ cần mưa 200ml trong cơn bão này cũng thể gây lũ lớn trở lại nhanh chóng”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Nguy cơ lở đất, sụt lún ở miền Trung là rất cao, cần lên phương án di dời các đơn vị, nhân dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, sơ tán dân ven sông, ven biển. Đặc biệt tình trạng hồ đập ở các địa phương, quán triệt tinh thần cảnh giác, không được chủ quan, lơ là.

Các ngành chức năng từ quân đội công an, các lực lượng phòng chống thiên tai khác từ Trung ương đến địa phương sẵn sàng phương án hỗ trợ địa phương và nhân dân khắc phục, hạn chế tối đa thiệt hại do bão gây ra.

Thủ tướng yêu cầu các đơn vị Tổng cục KTTV rà soát, kiểm tra các phương tiện, thiết bị máy móc, trao đổi thông tin, thống nhất đưa ra nhận định chính xác, kịp thời về bão số 9.

Nhận định cấp bão số 9 là rất lớn, tuy nhiên Thủ tướng cũng nhấn mạnh có thể do các điều kiện thời tiết, ma sát và các điều kiện khác bão có thể giảm cấp khi vào bờ nhưng tinh thần cảnh giác đặt ra là rất quan trọng đặc biệt trong công tác chỉ đạo điều hành.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng giao cho Tổng cục đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng các công nghệ mới, tiên tiến nhất trên thế giới vào dự báo, cảnh báo đặc biệt là hiện tượng sạt lở đất.

Toàn cảnh cuộc họp

Bài và ảnh: Thu Hằng - Bùi Dịu

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: