Tổng cục Khí tượng Thủy văn tham dự họp trực tuyến với Đại diện thường trực khu vực Đông Bán cầu của Tổ chức Khí tượng thế giới

Đăng ngày: 03-02-2021 | Lượt xem: 3493
Chiều ngày 3/2/2021, tại Hà Nội, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn Hoàng Đức Cường, Đại diện thường trực ủy quyền của Việt Nam tại WMO đã tham dự cuộc họp trực tuyến với Đại diện thường trực khu vực Đông Bán cầu của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) trao đổi về Kế hoạch Chiến lược của WMO và các sáng kiến trong năm 2021.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn Hoàng Đức Cường, Đại diện thường trực ủy quyền của Việt Nam tại WMO phát biểu tại cuộc họp

Tham dự cuộc họp có ông Petteri Taalas, Tổng Thư ký, Tổ chức Khí tượng thế giới cùng Đại diện thường trực của các thành viên khu vực Đông bán cầu (Châu Âu, Châu Á và Châu Phi) từ 162 điểm cầu trực tuyến.

Tại phiên họp các thành viên đã cùng thảo luận Chiến lược của WMO năm 2021 giai đoạn 2021 - 2023 với 5 mục tiêu chính:

Mục tiêu 1: Phục vụ tốt hơn nhu cầu xã hội: Cung cấp thông tin và dịch vụ có thẩm quyền, giúp người dùng có thể truy cập, phù hợp với mục đích sử dụng.

Mục tiêu dài hạn: Nâng cao năng lực của các nước Thành viên để phát triển, tiếp cận và sử dụng các dịch vụ dựa trên tác động môi trường, thời tiết và nước chính xác, đáng tin cậy và phù hợp với mục đích để hỗ trợ tốt nhất cho việc hoạch định chính sách và các hoạt động nhằm thực hiện phát triển bền vững và giảm thiểu rủi ro về thời tiết, khí hậu và nước.

Mục tiêu 2: Tăng cường hệ thống quan trắc và dự báo Trái đất: Nâng cao nền tảng kỹ thuật cho tương lai.

Mục tiêu dài hạn: Xây dựng mạng lưới quan trắc hệ thống Trái đất tích hợp ngày càng được tự động hóa và tối ưu hóa để đảm bảo phủ sóng toàn cầu. Các phép đo có thể theo dõi phù hợp với mục đích và chất lượng cao, cung cấp trao đổi dữ liệu toàn cầu liên tục được phát triển bởi các cơ chế quản lý và xử lý dữ liệu.

Mục tiêu 3: Nghiên cứu có mục tiêu, kế hoạch, tận dụng lợi thế trong khoa học để nâng cao hiểu biết về hệ thống Trái đất và nâng cao các dịch vụ.

Mục tiêu dài hạn: Tận dụng cộng đồng nghiên cứu toàn cầu để đem lại những tiến bộ cơ bản trong sự hiểu biết về hệ thống Trái đất, cải thiện những kiến nghị liên quan đến chính sách và kỹ năng dự báo ở mọi quy mô, đồng thời, tăng cường hiệu suất dự báo và cảnh báo của tất cả các Thành viên khi nghiên cứu và hoạt động hợp nhất để áp dụng khoa học tốt nhất cho tất cả các hợp phần của chuỗi giá trị dịch vụ.

Mục tiêu 4: Thu hẹp khoảng cách năng lực về các dịch vụ thời tiết, khí hậu, thủy văn và môi trường liên quan: Nâng cao năng lực cho các dự báo viên, cung cấp dịch vụ của các nước đang phát triển để đảm bảo cung cấp thông tin và dịch vụ thiết yếu cho các Chính phủ, các thành phần kinh tế và người dân.

Mục tiêu dài hạn: Cải thiện khả năng tiếp cận với các hệ thống giám sát và dự báo khu vực và toàn cầu, đồng thời sử dụng thông tin và dịch vụ về thời tiết, khí hậu và nước mang lại lợi ích thiết thực cho các nước Thành viên đang phát triển, đặc biệt là các nước kém phát triển nhất, các quốc đảo nhỏ đang phát triển. Điều này sẽ đạt được thông qua việc đầu tư chiến lược, chuyển giao công nghệ, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm, và bằng cách tính đến các yếu tố hài hòa về xã hội và giới.

Mục tiêu 5: Tổ chức lại cấu trúc và chương trình chiến lược của WMO để thực hiện và ra quyết định, chính sách hiệu quả.

Mục tiêu dài hạn: Cải thiện mức độ, hiệu quả và năng lực của các cơ quan cấu thành và việc thực hiện Kế hoạch Chiến lược này thông qua sự liên kết chặt chẽ hơn về cấu trúc và quy trình với các mục tiêu chiến lược của Tổ chức.

Đại diện thường trực khu vực Đông Bán cầu của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) ở các điểm cầu trực tuyến

Phát biểu tại cuộc họp, Đại diện thường trực ủy quyền của Việt Nam tại WMO Ông Hoàng Đức Cường nhấn mạnh: Việt Nam cam kết tiếp tục thực hiện tốt vai trò hỗ trợ khu vực trong 2 chương trình của WMO: Dự án Trình diễn dự báo thời tiết nguy hiểm (SWFDP) và Hệ thống chỉ dẫn cảnh báo lũ quét cho khu vực Đông Nam Á (SEAFFGS). Việt Nam cũng đã chủ động tham gia vào các hoạt động của Hiệp hội Khí tượng khu vực châu Á (RAII), đã kết nối với các thành viên văn phòng khu vực của WMO, các Ban kỹ thuật và Hiệp hội khu vực. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng rất mong muốn nhận được sự hỗ trợ về công nghệ cũng như những kinh nghiệm của các quốc gia khác đặc biệt trong việc tăng cường năng lực cảnh báo, dự báo.

Tổ chức Khí tượng thế giới là cơ quan chuyên ngành thuộc Liên hợp quốc (UN) và là tiếng nói chính thức của UN về trạng thái khí quyển trái đất, sự tương tác của khí quyển với đại dương, khí hậu, phân bổ nguồn nước.

Tầm nhìn của Tổ chức Khí tượng thế giới là cung cấp cho lãnh đạo thế giới những vấn đề chuyên môn và hợp tác quốc tế về thời tiết, khí hậu, thủy văn, tài nguyên nước và các vấn đề liên quan đến môi trường, góp phần vào sự an toàn và phúc lợi cho người dân trên toàn thế giới và vì lợi ích kinh tế các quốc gia.

Tổ chức Khí tượng thế giới có 191 nước và lãnh thổ thành viên (tính đến ngày 1/1/2013). Việt Nam tham gia Tổ chức Khí tượng thế giới từ năm 1975./.

Bài và ảnh: Bùi Dịu

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: