Tổng cục Khí tượng Thủy văn thảo luận trực tuyến về bão số 7 (Lionrock), mưa lớn và diễn biến thiên tai trong những ngày tới

Đăng ngày: 09-10-2021 | Lượt xem: 2659
Chiều tối ngày 9/10, Tổng cục Khí tượng Thủy văn (KTTV) tiếp tục phiên thảo luận trực tuyến về bão số 7 (Lionrock), mưa lớn và diễn biến thiên tai trong những ngày tới. Thứ trưởng Lê Công Thành, Trưởng ban Chỉ huy PCTT Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái cùng đại diện các đơn vị trong Ban chỉ huy PCTT của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham gia thảo luận với 06 Đài KTTV khu vực và các chuyên gia tại các điểm cầu.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành phát biểu chỉ đạo tại phiên thảo luận

Bão số 7 có thể mạnh nhất đạt cấp 8-9 trên Vịnh Bắc Bộ. Bão có khả năng suy yếu thành ATNĐ trước khi đi vào đất liền Đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ trong chiều và tối mai (10/10). Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia đã đưa ra nhận định và cảnh báo mới nhất về bão, mưa lớn…

Cảnh báo gió mạnh trên biển, trên đất liền

Từ chiều nay (9/10), Vịnh Bắc Bộ (gồm huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô) có gió mạnh cấp 7-8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9, giật cấp 11; sóng biển cao từ 2,0-4,0m. Thời gian gió mạnh nhất TRÊN BIỂN từ đêm nay đến chiều mai (10/10).

Trên đất liền vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An có khả năng gió mạnh cấp 6-7, khu vực ven biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định có nơi cấp 8, giật cấp 9 do ảnh hưởng của bão kết hợp KKL. Thời gian gió mạnh nhất TRÊN ĐẤT LIỀN từ sáng đến chiều tối ngày 10/10.

Từ chiều và đêm mai (10/10), ở Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nam, Hưng Yên, Hà Nội đề phòng gió giật cấp 6-7.

Cảnh báo mưa lớn

Từ chiều 09/10 đến ngày 11/10 (cao điểm từ 01h-23h ngày 10/10), ở phía Đông Bắc Bộ có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa 150-250mm, riêng Quảng Ninh, Hải Phòng, khu vực Nam đồng bằng Bắc Bộ có nơi trên 300mm;

Từ đêm nay đến đêm mai (10/10): Hà Nội mưa rất to: 100-200mm, có nơi trên 250mm.

Từ ngày 10-11/10, ở phía Tây Bắc Bộ có mưa to, tổng lượng mưa 50-100mm, riêng Hòa Bình và phía Nam Sơn La 150-250mm, có nơi trên 250mm;

Từ ngày 10-12/10, ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa ở Thanh Hóa từ 150-250mm; Nghệ An và Hà Tĩnh 100-150mm.

Cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, ngập úng khu vực trũng thấp tại: Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nội, Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Không khí lạnh làm trời chuyển lạnh:

Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp hoàn lưu cơn bão số 7 nên từ chiều nay (09/10) đến 12/10, ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to. Trong ngày 10-11/10, ở Bắc Bộ và Thanh Hóa trời chuyển lạnh, vùng núi phía Bắc có nơi trời rét với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 19-21 độ, vùng núi có nơi dưới 18 độ.

Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái phát biểu tại phiên thảo luận

Phát biểu tại phiên thảo luận, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV ông Trần Hồng Thái cho rằng, trong thời gian qua với số liệu đầu vào tương đối lớn, công tác dự báo vẫn đảm bảo bám sát thực tiễn và nhu cầu của xã hội, do đó cơn bão số 5 và số 6 chúng ta đã tổ chức, tổng kết xác định những vấn đề cần khắc phục. Cơn bão số 7 này chúng ta tiếp tục phát huy công tác dự báo, cảnh báo tác động, phục vụ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, các Đài KTTV khu vực đã kịp thời liệt kê các cơ sở cách ly tập trung do dịch Covid-19 có những bản tin dự báo điểm kịp thời, phục vụ công tác dự báo cũng như công tác phòng, chống dịch bệnh được đảm bảo an toàn. Qua báo cáo của các Đài KTTV khu vực chúng ta đều đã sẵn sàng triển khai mọi phương án dự báo trong tình hình mới, biểu dương Đài Khí tượng cao không đã nhanh chóng khắc phục sự cố của trạm ra đa thời tiết Vinh, đảm bảo thu thập thông tin số liệu đầy đủ, kịp thời phục vụ công tác dự báo. Hiện nay, Tổng cục KTTV đã có văn bản báo cáo tình hình thời tiết, thiên tai nguy hiểm vì vậy, các Đài KTTV tỉnh tiếp tục làm việc với Ban Chỉ huy PCTT tỉnh, phối hợp chặt chẽ lưu ý các hình thế thời tiết, thiên tai nguy hiểm có thể liên tiếp xảy ra trong thời gian tới.

Phát biểu chỉ đạo tại phiên thảo luận, Thứ trưởng Lê Công Thành đánh giá cao nỗ lực trong công tác dự báo những ngày qua Tổng cục KTTV, đã theo dõi hết sức chặt chẽ, ra nhiều bản tin bám sát quỹ đạo, diễn biến, cường độ phức tạp của cơn bão, đưa ra các bản tin dự báo với độ tin cậy cao cho các địa phương có thể theo sát để tổ chức công tác phòng tránh. Trong những ngày tới, các đồng chí cần cẩn trọng hơn trong các bản tin cập nhật liên tục, có những thay đổi kịp thời do cơn bão số 7 chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố thời tiết và thiên tai khác.

Qua báo cáo của các Đài khu vực, chúng ta đã có được quy trình cảnh báo nguy cơ, rủi ro ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực, cần cảnh báo sớm và kịp thời, tránh yếu tố chủ quan khi mà mùa bão đến muộn, các công trình xây dựng tại các địa phương đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành do chậm tiến độ vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đây là điểm mà Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, các Đài KTTV khu vực, Đài tỉnh cần hết sức lưu ý để đưa vào bản tin, cảnh báo kịp thời gửi đến Ban chỉ huy PCTT của tỉnh và các đồng chí lãnh đạo tỉnh về các rủi ro có thể xảy ra trong tình hình hiện nay.

Bên cạnh đó, cơn bão Kompasu ở phía Đông Philipin đang di chuyển rất nhanh, có khả năng đi vào biển Đông và trở thành cơn bão số 8 năm 2021, do đó yêu cầu Tổng cục KTTV bám sát các văn bản quy định để đưa ra các bản tin kép kịp thời đưa các nhận định về cơn bão số 8 vào các bản tin tiếp theo, đưa ra cảnh báo kịp thời, hướng dẫn, lưu ý cho các địa phương bám sát tình hình các hoạt động kinh tế - xã hội, các hoạt động có rủi ro cao để cảnh báo kịp thời, dự báo điểm cho khu vực đó. Đây là đợt bão, lũ trọng tâm vì vậy, đồng chí Thứ trưởng mong rằng các dự báo viên luôn phát huy tinh thần trách nhiệm, phát huy chuyên môn, nghiệp vụ dự báo tốt cho đợt thiên tai tới.

Toàn cảnh phiên thảo luận

Tạp chí KTTV

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: