Cán bộ kỹ thuật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra đo độ mặn tại cống thủy lợi Tre Bông, xã Tiên Thủy, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Ảnh minh họa: Vũ Sinh/TTXVN
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng nhận định tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn nguy cơ xảy ra ở cấp độ cao (cấp độ 3 - 4), trên phạm vi rộng, kéo dài ở một số vùng trên cả nước; đặc biệt tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long khả năng xảy ra đến mùa khô năm 2024 - 2025.
Cà Mau có hơn 300.000 ha nuôi trồng thủy sản, trong đó diện tích nuôi tôm lên đến hơn 280.000 ha. Diện tích trồng lúa ở vùng ngọt hóa của tỉnh là hơn 35.000 ha, tập trung chủ yếu ở huyện Trần Văn Thời, Thới Bình, U Minh và một phần thành phố Cà Mau. Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do tác động của biến đổi khí hậu, hiện tượng El Nino gây ra, tỉnh đã sớm xây dựng phương án ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn vùng ngọt hóa theo cấp độ rủi ro thiên tai giai đoạn 2023 - 2025; chủ động các giải pháp ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn kéo dài do tác động của El Nino.
UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, Đài Khí tượng thủy văn Cà Mau theo dõi, tăng cường dự báo, cung cấp kịp thời các bản tin nhận định về tình hình khí tượng thủy văn, diễn biến nguồn nước, xâm nhập mặn cho các cơ quan liên quan và các địa phương phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó.
Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và các địa phương theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo khí tượng thủy văn của cơ quan chức năng để kịp thời thông tin, tuyên truyền, cảnh báo đến người dân, tổ chức có liên quan chủ động thực hiện giải pháp phòng, chống thiệt hại do hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; đặc biệt là các biện pháp tích trữ nước ngọt, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí nước, điện.
Các địa phương rà soát, xác định cụ thể khu vực có khả năng bị ảnh hưởng để chỉ đạo, triển khai giải pháp cụ thể, đảm bảo giảm thiểu ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống người dân, trong đó ưu tiên nguồn nước cho phục vụ sinh hoạt của người dân; chủ động bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn xã hội hóa hợp pháp để triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống thiệt hại do hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cập nhật tình hình thời tiết, rà soát, hướng dẫn cụ thể lịch thời vụ, cơ cấu giống, quy trình kỹ thuật chăm sóc đối với cây trồng, vật nuôi, thủy sản nuôi phù hợp từng khu vực, trên cơ sở dự báo về nguồn nước, nguy cơ nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn; hướng dẫn, phổ biến các phương pháp tưới tiên tiến để các địa phương, doanh nghiệp và người dân áp dụng nhằm đảm bảo sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm.
UBND tỉnh yêu cầu cơ quan chức năng rà soát, nâng cấp, mở rộng các hệ thống nước nối mạng, đề xuất nguồn lực để xử lý khẩn cấp các công trình cấp nước tại những nơi cần thiết; vận hành hiệu quả các trạm cấp nước tập trung nông thôn, trữ nước và đảm bảo chất lượng cấp nước cho người dân, tuyệt đối không để người dân thiếu nước sinh hoạt; đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành các công trình thủy lợi, công trình cấp nước sinh hoạt để đưa vào khai thác, sử dụng, đặc biệt công trình hồ chứa nước ngọt khu vực U Minh Hạ; thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng, phòng cháy rừng mùa khô.
Sở Giao thông vận tải phối hợp, hướng dẫn các địa phương kiểm tra, rà soát tất cả các tuyến giao thông nằm ven sông, kênh, rạch có nguy cơ sạt lở cao; lắp đặt các biển cảnh báo, tổ chức tuyên truyền, triển khai các biện pháp phù hợp để giảm thiểu tối đa sụt lún, sạt lở đất; vận động, huy động nhân dân trong khu vực cùng tham gia thực hiện phòng, chống thiệt hại do sụt lún, sạt lở đất; khắc phục những vị trí có nguy cơ gây mất an toàn đến người và phương tiện tham gia lưu thông.
Kim Há (TTXVN)