Vườn quốc gia Côn Đảo thả 02 cá thể Rùa quý hiếm về biển

Đăng ngày: 03-05-2019 | Lượt xem: 1348
Chiều ngày 3/5/2019, tại khu vực Vịnh Đầm Tre thuộc Hợp phần biển bảo tồn biển Vườn quốc gia Côn Đảo (tỉnh BRVT), Ban quản lý Vườn quốc gia (VQG) Côn Đảo đã thả 2 con rùa biển nằm trong diện quý hiếm nặng 10 kg và 5 kg về với tự nhiên.

Đây là 2 cá thê Rùa biển quý hiếm thuộc chủng loại Đồi mồi (tên khoa học là Eretmochelysimbricata) và Vích (tên khoa học là Chelonia mydas). Cả 2 đều là loài động vật quý hiếm nằm trong Sách đỏ, có nguy cơ tuyệt chủng tại Việt Nam.  Các cá thể rùa đều có màu sọc đen; con Đồi mồi nặng 5 kg, dài 37 cm, chiều ngang 31 cm; con Vích nặng 10 kg, dài 43 cm, chiều ngang 39 cm. Thể trạng tốt.

Rùa 1
Kiểm tra Rùa trước khi thả về biển

Trước đó, một người chủ thu mua hải sản ở xã Phước Hải, huyện Đất Đỏ, tỉnh BR-VT mua từ ngư dân đi giã cào 2 cá thể nói trên. Nhận thấy đây là loài động vật quý hiếm nằm trong sách đỏ nên anh đã nuôi với ý định sẽ ‘’phóng sinh’’ về tự nhiên.

Qua tìm hiểu, biết VQG Côn Đảo trong nhiều năm qua làm tốt công tác bảo tồn loài Rùa biển nên đã gửi anh Nguyễn Quốc Ân (một người bạn có dịp đi du lịch Côn Đảo) để bàn giao cho Ban quản lý VQG Côn Đảo. Ngay sau khi đến Côn Đảo, anh Nguyễn Quốc Ân đã giao nộp 2 cá thể Rùa nói trên cho Ban quản lý VQG Côn Đảo.

Theo Nghị Định 160 ngày 12/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý thuộc Danh mục loài nguy cấp quý hiếm được ưu tiên bảo vệ thì đây là 2 cá thể thuộc danh mục loài nguy cấp quý hiếm được ưu tiên bảo vệ.

Biển CĐ
Lực lượng kiểm lâm đang làm việc trên biển Côn Đảo

Sau khi tiếp nhận, lực lượng Kiểm lâm VQG đã thực hiện các quy trình bàn giao theo đúng quy định của pháp luật và nhanh chóng đưa 2 cá thể rùa biển quý hiếm thả về môi trường tự nhiên tại khu vực Vịnh Đầm Tre.

Hiện nay, Vườn quốc gia Côn Đảo có 14 bãi biển Rùa lên đẻ trứng với tổng diện tích lên đến hàng chục ngàn m2. Một số bãi đẻ của Rùa có diện tích lớn như: bãi cát lớn đảo Bảy Cạnh, Hòn Cau, Hòn Tre Lớn, Hòn Tài, bãi Dương Hòn Bảy Cạnh. Hiện tại, 5 bãi lớn này được bố trí  5 Trạm Kiểm lâm để làm nhiệm vụ bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn Rùa biển. Mỗi Trạm kiểm lâm có từ 5 - 8 kiểm lâm viên canh giữ.

Hàng năm, từ tháng 5 đến tháng 10 có trên 400 Rùa mẹ lên các bãi cát nói trên thuộc Vườn quốc gia Côn Đảo làm tổ, đẻ trứng. Vào mùa cao điểm, ở một số bãi biển lớn như Hòn Bảy Cạnh, Hòn Tre lớn mỗi đêm có 10-20 Rùa mẹ lên làm tổ.

Được biết, thực hiện Dự án Cứu hộ Rùa biển do Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) hỗ trợ; từ năm 1995 đến nay, Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo đã cứu hộ hơn 21.000 tổ trứng rùa biển, có 1,5 triệu rùa con đã nở và thả về biển, tỷ lệ trứng nở trên 80%, đeo thẻ theo dõi đặc tính sinh học hơn 2.000 cá thể rùa trưởng thành. Năm 2009, Vườn quốc gia Côn Đảo được Trung tâm sách kỷ lục quốc gia Việt Nam xác lập kỷ lục là nơi ấp thả về thiên nhiên nhiều rùa biển nhất Việt Nam; xác lập kỷ lục là nơi duy nhất ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có đầy đủ các dạng sinh thái.


Mỗi năm, Vườn quốc gia Côn Đảo đón hàng chục ngàn lượt khách tham quan và nghỉ dưỡng. Đặc biệt, với những gì CĐ đạt được trong công tác bảo tồn rùa biển đã góp phần làm phong phú thêm dịch vụ du lịch của địa phương. Ngày nay, nhắc đến Côn Đảo, mọi người không chỉ biết đây là một địa danh nổi tiếng của nước ta bởi khu di tích lịch sử đặc biệt cấp quốc gia mà nơi đây còn là khu bảo tồn rùa lớn nhất tại Việt Nam. Trong đó, xem rùa đẻ trứng ở Côn Đảo là một hoạt động vô cùng ý nghĩa, thú vị và hoạt động này cũng đã tạo nên một ‘’thương hiệu’’ chỉ có ở Côn Đảo.

Theo Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: