Chủ động ứng phó với thiếu nước, xâm nhập mặn ở Đồng Bằng sông Cửu Long

Đăng ngày: 21-02-2024 | Lượt xem: 1009
Thiếu nước, xâm nhập mặn ở Đồng Bằng Sông Cửu Long đang trong giai đoạn cao điểm mùa khô hiện nay. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia (KTTVQG) có những thông tin phân tích về tình hình hạn mặn năm nay, giúp bà con chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.

Cống Tân Phú thuộc Dự án Quản lý nước tỉnh Bến Tre tại huyện Châu Thành (Bến Tre) ngăn nước mặn xâm nhập từ sông Tiền và sông Hàm Luông vào sông Ba Lai. Ảnh: Công Trí - TTXVN

Nguồn nước về ĐBSCL phụ thuộc chủ yếu từ thượng nguồn sông Mê Công. Trong năm 2023, lũ trên sông Mê Công và đầu nguồn sông Cửu Long ở mức thấp, dưới BĐ1. Do đó tổng lượng dòng chảy đầu mùa khô năm 2023-2024 ở mức thấp hơn 6-10% so với TBNN. Do đó thời gian đầu mùa khô năm 2023-2024, xâm nhập mặn ở ĐBSCL đã đến sớm hơn TBNN và ranh mặn ở mức cao hơn cùng kỳ năm 2022-2023. Nhưng nếu so sánh với các năm hạn mặn lịch sử 2015-2016 và 2019-2020 thì xâm nhập mặn năm nay sẽ không khắc nghiệt bằng.

Theo nhận định Trung tâm Dự báo KTTVQG, cao điểm từ nay đến cuối mùa hạn mặn, tổng lượng mưa trên lưu vực sông Mê Công và ĐBSCL ở mức thiếu hụt so với TBNN từ 10-30%, tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn Mê Công về ĐBSCL thiếu hụt từ 5-12% so với TBNN, do đó ở ĐBSCL chịu ảnh hưởng của 4-5 đợt xâm nhập mặn tăng cao vào thời kỳ từ 22-27/2, 07-12/3, 22-27/3, 7-12/4 và 21-26/4, ranh mặn 4g/l tại các cửa sông ở mức cao hơn TBNN. Cụ thể, trên các sông Vàm Cỏ ranh mặn từ 80-95km, cửa sông Cửu Long từ 45-65km, sông Cái Lớn từ 40-50km.

Chủ động ứng phó với thiếu nước, xâm nhập mặn ở Đồng Bằng sông Cửu Long

Việc đầu tiên là người dân, các đơn vị, các địa phương cần liên tục cập nhật các thông tin dự báo, cảnh báo về xâm nhập mặn trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trung tâm Dự báo KTTVQG đưa ra các bản tin dự báo với tần suất 10 ngày/bản tin vào các ngày 10, 20 và ngày cuối tháng, đối với các Đài KTTV tỉnh có những bản tin chuyên đề phục vụ UBNND tỉnh, PCTT tỉnh để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành. 

Các địa phương chủ động triển khai đắp đập tạm, nạo vét kênh mương, tổ chức bơm chuyền, lắp đặt các điểm cấp nước công cộng tại các khu vực thiếu nước sinh hoạt. Tổ chức vận hành hợp lý các hệ thống công trình thủy lợi tranh thủ lấy, trữ nước ngọt khi triều thấp để phục nông nghiệp và dân sinh. Đồng thời cần sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước, triệt để chống thất thoát, lãng phí nước.

Tạp chí KTTV

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: