Công tác dự báo, cảnh báo thiên tai năm 2020 tại Tổng cục Khí tượng Thủy văn

Đăng ngày: 26-02-2021 | Lượt xem: 1368
Công tác dự báo, cảnh báo thiên tai năm 2020 tại Tổng cục Khí tượng Thủy văn

Công tác dự báo, cảnh báo bão, áp thấp nhiệt đới

Thời gian qua, Tổng cục KTTV đã đẩy mạnh các nghiên cứu
ứng dụng dự báo quỹ đạo và cường độ bão phục vụ trong nghiệp vụ. Đã mở
rộng hợp tác quốc tế để tranh thủ sự hợp tác về khoa học, công nghệ và nhân lực
cao trong bài toán dự báo bão, ATNĐ. Trong mùa mưa bão năm 2020 đã cảnh báo, dự báo kịp thời, sát diễn biến của 14 cơn bão và 01 ATNĐ. Đã thực hiện cảnh báo bão sớm trước 05 ngày, dự báo, cảnh báo ATNĐ trước 03 ngày; thông tin dự báo sớm đã góp phần chủ động trong công tác phòng chống thiên tai trên biển. Riêng đối với cơn bão số 9, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chỉ đạo rất sớm công tác dự báo, cảnh báo từ trước khi bão vào Biển Đông nên mặc dù đây là một trong hai cơn bão có cường độ mạnh nhất trong 20 năm trở lại đây nhưng đã không có thiệt hại về người. Độ tin cậy (sai số dự báo) trong bản tin dự báo bão của Việt Nam đã dần tiệm cận với trình độ dự báo bão của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Đánh giá kết quả công tác dự báo bão, ATNĐ đã có nhiều tiến bộ trong dự báo hướng và tốc độ di chuyển; khu vực, thời gian chịu ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp của bão, ATNĐ (tuy nhiên vẫn còn những hạn chế đối với dự báo cường độ bão do giới hạn về khoa học). Bên cạnh đó, năm 2020, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 18/2020/TT-BTNMT ngày 30 tháng 12 năm 2020 ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về dự báo, cảnh báo bão, ATNĐ, góp phần hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý để thúc đẩy sự phát triển toàn diện ngành khí tượng thủy văn Việt Nam; đồng thời, tạo điều kiện cho sự tham gia của tổ chức, cá nhân vào hoạt động khí tượng thủy văn, đáp ứng yêu cầu ngày càng đa dạng của công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai nhất là trong công tác dự báo bão, ATNĐ, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản, góp phần phát triển bền vững kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia. Trong thời gian tới, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác dự báo, cảnh báo bão, ATNĐ, Tổng cục KTTV sẽ tập trung tăng cường công nghệ dự báo bão của Việt Nam; tăng cường mật độ trạm quan trắc trên biển, số liệu bão trên biển; tăng cường các trạm đo mưa tự động trên khu vực có địa hình phức tạp; tăng cường khai thác thông tin dữ liệu từ các trạm quan trắc cao không, ra đa.

Công tác dự báo, cảnh báo mưa lớn

Tổng cục Khí tượng thủy văn đã bố trí trực 24/24 và liên tục cập nhật các số liệu vệ tinh, ra đa, định vị sét, số liệu quan trắc truyền thống, số liệu quan trắc tự động mới nhất để đưa ra các bản tin dự báo, cảnh báo mưa lớn định lượng,… Đã dự báo trước 2-3 ngày các trận mưa lớn diện rộng với độ tin cậy khoảng 75%. Đã cảnh báo trước từ 1-3 giờ đối với mưa lớn cục bộ hoặc mưa lớn trong cơn dông. Do mạng lưới trạm quan trắc ở vùng núi và trung du còn khá thưa, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp khiến thiên tai hoạt động trái quy luật, bất thường, sự hạn chế của khoa học khí tượng và các mô hình dự báo hiện nay nên công tác dự báo, cảnh báo còn hạn chế trong các trường hợp mưa lớn kỷ lục, cục bộ và ở những nơi ít thông tin quan trắc như vùng núi phía Bắc, Tây Nguyên,... Trong thời gian tới, Tổng cục KTTV sẽ xây dựng hệ thống mô hình khu vực phân giải cao, đồng hóa số liệu từ nguồn số liệu radar thời tiết, vệ tinh, trạm thám không, trạm đo mưa tự động nhằm nâng cao chất lượng dự báo mưa, đặc biệt là dự báo mưa định lượng. Phát triển và ứng dụng các mô hình số trị khu vực với độ phân giải rất cao (khoảng 1km) để dự báo mưa lớn cho các đô thị lớn (Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh).

Công tác dự báo, cảnh báo lũ, lũ quét, sạt lở đất

Việt Nam hiện chưa có khả năng dự báo được lũ quét, sạt lở đất (mới cảnh báo nguy cơ có khả năng xảy ra lũ quét tại một vùng hoặc khu vực rộng) do các mô hình dự báo quá trình mưa, lũ còn hạn chế, do thiếu dữ liệu về quan trắc, địa hình, thiếu thông tin số liệu về cấu trúc thảm phủ, lớp đất, tính chất cơ lý của đất. Sự thay đổi về sử dụng đất, phá rừng, khai thác khoáng sản, làm đường,… cũng là những nhân tố gây khó khăn trong công tác dự báo lũ quét, sạt lở đất. Tuy nhiên, công tác cảnh báo lũ, lũ quét, sạt lở đất những năm qua đã có nhiều cải tiến. Các đợt lũ lớn có thể cảnh báo trước 24-48 giờ. Các bản tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất được cung cấp 6h/lần và cập nhập liên tục các bản tin nhanh khi xuất hiện mưa lớn, gây nguy cơ lũ quét sạt lở đất. Khu vực cảnh báo lũ quét đã hướng tới quy mô cấp huyện, tỉnh. Tuy nhiên, công tác cảnh báo vẫn còn hạn chế, cụ thể như: Cảnh báo lũ quét, sạt lở đất có độ tin cậy chưa cao, còn có nhiều cảnh báo khống, cảnh báo trên phạm vi rộng trong khi yêu cầu cảnh báo lũ quét, sạt lở đất ngày càng cao về độ chính xác, mức chi tiết, thời gian hạn dự báo dài hơn. Để nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo lũ, lũ quét, sạt lở đất, Tổng cục KTTV sẽ đề xuất Chính phủ, Bộ TNMT quan tâm đầu tư để tăng dày mạng lưới trạm khí tượng thủy văn tự động. Tổng cục KTTV sẽ xây dựng và khai thác các dữ liệu như quan trắc khí tượng thủy văn tự động, các trạm đo mưa, sử dụng sản phẩm rada, dự báo định lượng mưa từ mô hình; tăng cường xây dựng hệ thống hỗ trợ nghiệp vụ phân tích, giám sát, dự báo, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, lập bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất thời gian thực. Bên cạnh đo, Tổng cục KTTV cần có sự phối hợp, chia sẻ thông tin dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương về lớp phủ thực vật, các thông tin về điều kiện kinh tế-xã hội, các thông tin địa chất, địa hình, địa mạo,... để công tác dự báo, cảnh báo thiên tai ngày càng tốt, đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Công tác dự báo, cảnh báo hạn hán, xâm nhập mặn ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Do đặc điểm khí hậu của ĐBSCL, lượng mưa trong mùa khô rất ít nên trong thực tế hầu như năm nào cũng xảy ra khô hạn và có thể nói đây là một trong những đặc tính thường xuyên của khí hậu nơi đây. Đợt hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2020 có lượng nước vào vùng ĐBSCL thấp nhất lịch sử, xâm nhập mặn diễn ra sớm hơn và vào sâu nội đồng. Trước tình hình trên, Tổng cục KTTV đã thực hiện theo dõi, tăng cường dự báo, cung cấp các bản tin nhận định về tình hình khí tượng thủy văn, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn cho các cơ quan liên quan, báo chí, truyền thông và các địa phương để chỉ đạo sản xuất phù hợp với điều kiện nguồn nước và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn nên hạn mặn năm 2020 tuy được đánh giá là khốc liệt hơn năm 2016 nhưng thiệt hại chỉ bằng 1/10 so với năm 2016. Từ khi có thông tin cảnh báo sớm, dài hạn về hạn mặn, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức các Hội nghị và chỉ đạo các địa phương, Bộ, ngành, cơ quan chức năng tập trung triển khai cụ thể các phương án phòng chống và khắc phục hậu quả. Các Bộ, ngành, các lực lượng ở địa phương đã chủ động điều chỉnh các hoạt động kinh tế-xã hội, cơ cấu sản xuất, mùa vụ, triển khai các biện pháp phòng tránh giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Công tác giám sát vận hành liên hồ chứa

Trong năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo Cục Quản lý tài nguyên nước thường xuyên, liên tục có Văn bản hỏa tốc gửi các chủ hồ để đôn đốc việc nghiêm túc thực hiện các quy định của Quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông. Ngoài ra, trong mùa lũ vừa qua đã cử đoàn công tác đi khảo sát thực tế tại các vùng bị ngập, lụt nghiêm trọng (Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế), một số hồ chứa và làm việc, trao đổi, hỗ trợ công tác chỉ đạo điều hành; đồng thời giải đáp, hướng dẫn, tháo gỡ các vướng mắc trong việc điều hành các hồ chứa theo Quy trình của các Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên Huế.

Nhìn chung, việc chỉ đạo điều hành của các địa phương (Ban Chỉ huy PCTT&TKCN) như các tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên Huế trong thời gian này khá tốt và hiệu quả. Với việc vận hành theo các Quy trình vận hành liên hồ chứa, trong các năm qua các hồ chứa đã tham gia cắt, giảm lũ đáng kể cho hạ du, đặc biệt phát huy hiệu quả trong đợt mưa lũ vừa qua; mặc dù với năng lực hạn chế, dung tích điều tiết lũ không lớn nhưng các hồ chứa đã tham gia điều tiết, cắt, giảm lũ khá tốt cho hạ du. Đặc biệt, nhiều hồ chứa trên các lưu vực sông như sông Hương, Vu Gia-Thu Bồn đã cắt trọn cơn lũ hoặc đã giảm được lưu lượng đỉnh lũ (cắt giảm đỉnh lũ từ 30-98% tùy từng cơn lũ), cắt giảm tổng lượng lũ từ 30-50% tổng lượng lũ. Tuy nhiên, qua mùa lũ vừa qua cũng còn một số hồ chứa chưa tuân thủ chặt chẽ lệnh vận hành của các cấp có thẩm quyền như thủy điện Thượng Nhật.

Tạp chí Khí tượng Thủy văn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: