Công tác dự báo Hải văn: Đảm bảo an toàn cho các hoạt động trên Biển

Đăng ngày: 22-03-2021 | Lượt xem: 2727
Biển Đông là vùng biển có vị trí địa lý, kinh tế, chính trị đặc biệt quan trọng, từ lâu đã là nhân tố không thể thiếu trong chiến lược phát triển kinh tế không chỉ của các nước xung quanh Biển Đông mà còn của một số cường quốc biển khác trên thế giới.

Đối với nước ta, Biển Đông có vị trí địa lý, chính trị trọng yếu, có ý nghĩa sống còn đối với nền an ninh, quốc phòng và xây dựng đất nước. Hướng ra biển đang là xu thế tất yếu để tìm kiếm, phát triển các tiềm năng về nguyên liệu, tài nguyên môi trường, năng lượng, thực phẩm và không gian sinh sống trong tương lai. Vì vậy, công tác điều tra cơ bản khí tượng thủy văn nói chung và khí tượng thủy văn biển nói riêng luôn luôn được coi trọng.

Việt Nam là một quốc gia biển, có ba mặt Đông, Nam và Tây-Nam trông ra biển với bờ biển dài 3.260 km, từ Móng Cái ở phía Bắc đến Hà Tiên ở phía Tây Nam. Phần Biển Đông thuộc chủ quyền Việt Nam mở rộng về phía đông và đông nam, có thềm lục địa, các đảo và quần đảo lớn nhỏ bao bọc. Việt Nam có trên 4000 hòn đảo lớn, nhỏ được phân bố thành một vòng cung rộng lớn chạy suốt vùng biển và bờ biển nước ta. Có 2 quần đảo lớn là Hoàng Sa, Trường Sa và gần 3.000 hòn đảo ven bờ lớn, nhỏ hợp thành hệ thống đảo với tổng diện tích khoảng trên 1.600 km2 . Quần đảo Hoàng Sa có trên 30 đảo nổi, đảo chìm, cồn san hô, bãi cát, chiếm diện tích khoảng 16 ngàn km2 . Quần đảo Trường Sa nằm về phía Đông Nam của Biển Đông, cách Hoàng Sa 200 hải lý về phía nam, bao gồm hơn 100 đảo nổi, đảo chìm, bãi ngầm, bãi san hô. Quần đảo Trường Sa được chia thành 8 cụm đảo (Song Tử, Thị Tứ, Loại Ta, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa, Thám Hiểm và Bình Nguyên). Diện tích toàn bộ phần đảo nổi của quần đảo khoảng 10 km2 , đảo Ba Bình là đảo lớn nhất (0,735 km2 ), đảo Song Tử Tây là đảo cao nhất (khoảng 4-6 m so với mực nước biển).

Việt Nam với khí hậu nhiệt đới gió mùa nằm ở 1 trong 5 ổ bão lớn của Thế giới, hàng năm phải đối mặt với nhiều loại thiên tai xảy ra. Trong những năm gần đây, diễn biến thiên tai và thời tiết ở Việt Nam ngày càng có nhiều biểu hiện bất thường và phức tạp hơn. Năm 2020 thiên tai diễn ra dồn dập và khốc liệt, vượt mức lịch sử trên khắp các vùng miền cả nước, đã xảy ra 16/21 loại hình thiên tai, trong đó có 14 cơn bão và 1 ATNĐ; 265 trận dông, lốc sét; 120 trận lũ quét, sạt lở đất; 90 trận động đất; hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển tại Đồng bằng sông Cửu Long…

Nằm trong hệ thống mạng lưới khí tượng thủy văn, mạng lưới các trạm khí tượng thủy văn đóng vai trò quan trọng trong việc thu thập số liệu khí tượng thủy văn biển phục vụ cho công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, đặc biệt là công tác phục vụ nghiên cứu đánh giá mực nước biển dâng do biến đổi khí hậu, bảo đảm chủ quyền lãnh hải và an ninh quốc phòng trên biển. Số liệu khí tượng hải văn là cơ sở để xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế biển và các vùng ven biển; dự án, cảnh báo thiên tai và các hiện tượng thời tiết nguy hiểm, phục vụ đắc lực cho việc phòng, tránh, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai có nguồn gốc từ biển gây ra. Hiện nay, hệ thống mạng lưới quan trắc Hải văn do Tổng cục KTTV quản lý gồm 20 trạm hải văn truyền thống trong đó có 14 trạm hạng I; 05 trạm hạng II và trạm Hoàng Sa. Trong đó: 08 trạm ven biển; 11 trạm trên đảo; 14 trạm có quan trắc tự động. Trạm hải văn tự động độc lập gồm 07 trạm, trong đó có 01 trạm ven biển; 01 trạm trên đảo và 05 trạm trên các nhà giàn DKI.

Trong năm 2020, khu vực ven biển chịu ảnh hưởng của các cơn bão số 2, 5, 6, 7, 8, 9, 12 và ATNĐ tháng 10 gây nhiều đợt sóng lớn, nước biển dâng cao làm thiệt hại nhiều về người và tài sản. Trong bão số 9, trên Biển Đông, số liệu vệ tinh đã ghi nhận độ cao sóng lên tới 10m. Tại khu vực ven bờ, hoàn lưu bão số 9 đã gây sóng lớn hơn 3m từ Nghệ An đến Ninh Thuận, trọng tâm là vùng biển Đà Nẵng-Phú Yên. Độ cao sóng lớn nhất tại Cồn Cỏ (Quảng Trị) và Phú Quý (Bình Thuận) 3,5m, tại đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) 5,0m. Bão số 13 đã gây nước dâng cao kết hợp với triều cường vào đêm 14/11 làm ngập nhiều khu vực trũng ven biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Đà Nẵng. Nước dâng lớn nhất quan trắc được tại các trạm hải văn Cồn Cỏ (Quảng Bình) 0,4m, Sơn Trà (Đà Nẵng) 1,1m. Ven biển các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đã quan trắc được nước dâng 0,5-0,6m.

Tại khu vực ven biển Nam Bộ đã liên tiếp xuất hiện 02 đợt triều cường cao vào 15-17/10 và 16-18/11. Trong đó, đợt triều cường từ ngày 16-18/11 đã gây mực nước biển dâng cao kỷ lục, với số liệu quan trắc tại trạm Hải văn Vũng Tàu ngày 17 tháng 11 là 440cm, cao hơn 4cm so với mốc lịch sử năm 1999. Triều cường cao đã gây ngập úng nhiều khu vực trũng các tỉnh ven biển Đông Nam Bộ và trên các lưu vực sông trong TP. Hồ Chí Minh.

Trong năm 2020, để phục vụ công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển, ngoài cung cấp thông tin dự báo thời tiết biển, hải văn (gió, sóng, dòng hải lưu) Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đã gửi nhiều bản tin về lan truyền vật thể trôi (tàu, phao trôi, người) tới Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam, Bộ tư lệnh cảnh sát biển, Bộ tư lệnh hải quân phục vụ cứu nạn. Các bản tin dự báo đã góp phần hiệu quả trong công tác tìm kiếm người trong vụ tai nạn tàu ngoài khơi Khánh Hòa trong bão số 13 và trong vụ chìm tàu ngoài khơi đảo Phú Quý giữa tháng 12 năm 2020.

Như vậy, để giảm thiểu rủi ro thiên tai trên biển, rủi ro thiên tai cho vùng ven biển và đảm bảo sinh kế của người dân vùng ven biển một cách bền vững thì tầm quan trọng của việc nâng cao hiệu quả công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn biển là thực sự cần thiết và cấp bách.

Tạp chí Khí tượng Thủy văn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: