Nhận định diễn biến thiên tai cuối năm 2022

Đăng ngày: 16-06-2022 | Lượt xem: 2726
Sáng 16/6, Tổng cục Khí tượng Thủy văn tổ chức hội thảo phối hợp hướng dẫn khai thác thông tin khí tượng thủy văn và cập nhật nhận định diễn biến thiên tai năm 2022.

Hội thảo có sự tham dự của Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn Trần Hồng Thái, Phó Tổng cục trưởng Hoàng Đức Cường, các đơn vị chuyên môn của Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cùng gần 40 phóng viên của các cơ quan báo chí.

Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái phát biểu tại Hội thảo

Thông tin tại Hội thảo, Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết dự báo hiện tượng ENSO có khả năng tiếp tục duy trì ở trạng thái La Nina từ nay đến hết năm 2022 với xác suất khoảng 55-65%.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Hoàng Đức Cường phát biểu tại Hội thảo

Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia thông tin tại Hội thảo

Từ nay đến hết năm 2022, dự báo trên khu vực Biển Đông có khoảng 10-12 cơn bão và ATNĐ, trong đó có khả năng có từ 04 - 06 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, ở mức xấp xỉ so với TBNN cùng thời kỳ. Đề phòng xảy ra bão có hướng di chuyển phức tạp, dồn dập trong các tháng cuối năm 2022. Tuy nhiên, ông Lâm nhấn mạnh cần đề phòng xảy ra bão có hướng di chuyển phức tạp, dồn dập trong các tháng cuối năm 2022.
Nắng nóng ở Bắc Bộ và Trung Bộ có khả năng không gay gắt, không kéo dài như năm 2021. Tây Nguyên và Nam bộ từ tháng 7-9, nhiệt độ phổ biến cao hơn TBNN khoảng 0,5 độ c.
Đáng chú ý, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia thông tin không khí lạnh có khả năng hoạt động sớm trong tháng 10, 11-2022. Nền nhiệt các tháng đầu mùa đông ở các tỉnh miền Bắc có khả năng thấp hơn so với TBNN cùng thời kỳ.
Nhận định về lượng mưa trong năm 2022, ông Hoàng Phúc Lâm cho biết, ở khắp các khu vực trên cả nước, lượng mưa trong các tháng 8-10 đều cao hơn TBNN. Cụ thể, đối với khu vực Bắc Bộ, trong tháng 7/2022 tổng lượng mưa (TLM) tại Bắc Bộ phổ biến ở mức cao hơn TBNN từ 10-20% với xác suất khoảng 60-70%.
Trong tháng 8-9/2022, TLM tại Bắc Bộ cao hơn TBNN từ 5-10% với xác suất khoảng 60%. Tiếp đó, tháng 10, TLM ở Bắc Bộ ở mức cao hơn TBNN từ 10-25% với xác suất khoảng 60%, riêng khu vực Tây Bắc có lượng mưa thấp hơn so với TBNN từ 5-15% với xác suất 65%.
Các tháng 11-12/2022, TLM tại Bắc Bộ ở mức thấp hơn so với TBNN với xác suất khoảng 60-70%.
Đối với khu vực Trung Bộ, ông Hoàng Phúc Lâm nhận định, trong tháng 7/2022, TLM phổ biến thấp hơn TBNN từ 5-15% với xác suất khoảng 60%; tháng 8-9/2022, TLM phổ biến xấp xỉ so với TBNN với xác suất khoảng 60%, riêng khu vực Thanh Hóa-Quảng Bình thấp hơn từ 10-25% so với TBNN cùng thời kỳ với xác suất khoảng 60%.
Tháng 10/2022, TLM ở Bắc Trung Bộ phổ biến cao hơn từ 10-25% so với TBNN, riêng khu vực Trung và Nam Trung Bộ phổ biến cao hơn từ 30-60%, có nơi trên 70% với xác suất khoảng 70-90%.
Tháng 11/2022, tại Bắc Trung Bộ TLM phổ biến thấp hơn 10-25% với xác suất khoảng 60%, riêng khu vực Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ, TLM phổ biến cao hơn từ 15-35%, có nơi trên 40% so với TBNN cùng thời kỳ với xác suất khoảng 70-90%.
Tháng 12/2022, TLM Trung Bộ phổ biến cao hơn TBNN từ 10-30%, riêng Bắc Trung Bộ thấp hơn TBNN từ 10-20% với xác suất khoảng 60-80%.
Đối với khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, trong tháng 7-8/2022, TLM phổ biến thấp hơn từ 10-20% so với TBNN với xác suất khoảng 60-70%; tháng 9 TLM xấp xỉ TBNN với xác suất khoảng 60%.
Tháng 10-11/2022, TLM tại Tây Nguyên phổ biến ở mức cao hơn từ 30-60%, trong đó tháng 10 có nơi cao hơn trên 70%, tại Nam Bộ TLM cao hơn từ 10-20% so với TBNN với xác suất khoảng 60-70%.
Tháng 12/2022, TLM phổ biến cao hơn khoảng 10-20% so với TBNN cùng thời kỳ với xác suất khoảng 60-70%.

Toàn cảnh Hội thảo

Tạp chí KTTV

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: