Nồng độ carbon dioxide (CO2), khí nhà kính quan trọng nhất, đạt 413,2 phần triệu vào năm 2020 và bằng 149% mức tiền công nghiệp. Metan (CH4) là 262% và nitơ oxit (N2O) là 123% mức vào năm 1750 khi các hoạt động của con người bắt đầu phá vỡ trạng thái cân bằng tự nhiên của Trái đất. Suy thoái kinh tế từ COVID-19 không có bất kỳ tác động rõ rệt nào đến mức khí nhà kính trong khí quyển và tốc độ tăng trưởng của chúng, mặc dù có sự sụt giảm tạm thời về lượng khí thải mới.
Bản tin về khí nhà kính cho thấy nồng độ CO2 đã ghi nhận thêm mức kỷ lục mới
Chừng nào còn tiếp tục phát thải, nhiệt độ toàn cầu sẽ tiếp tục tăng. Với sự tồn tại bền vững của CO2, mức nhiệt độ được ghi nhận trên toàn cầu sẽ tồn tại trong vài thập kỷ ngay cả khi lượng khí thải giảm nhanh chóng. Cùng với nhiệt độ tăng, điều này có nghĩa là thời tiết khắc nghiệt hơn bao gồm nắng nóng và mưa dữ dội, băng tan, mực nước biển dâng và axit hóa đại dương, kèm theo các tác động kinh tế xã hội sâu rộng.
Khoảng một nửa lượng CO2 thải ra từ các hoạt động của con người ngày nay vẫn còn trong khí quyển. Một nửa còn lại tồn tại ở các đại dương và hệ sinh thái đất liền. Bản tin về Khí nhà kính cho thấy mối lo ngại rằng các hệ sinh thái đất liền và đại dương có thể trở nên kém hiệu quả trong việc giảm khả năng hấp thụ CO2, càng thúc đẩy việc gia tăng nhiệt độ.
Bản tin cho thấy từ năm 1990 đến năm 2020, lực bức xạ - hiệu ứng nóng lên đối với khí hậu của chúng ta - bởi các khí nhà kính tồn tại lâu dài đã tăng 47%, trong đó CO2 chiếm khoảng 80% mức tăng này. Các con số này dựa trên sự giám sát của mạng lưới Giám sát khí quyển toàn cầu của WMO. “Bản tin về Khí nhà kính chứa đựng một thông điệp khoa học dành cho các nhà đàm phán về biến đổi khí hậu tại COP26. Với tốc độ gia tăng nồng độ khí nhà kính như hiện nay, chúng ta sẽ thấy mức tăng nhiệt độ vào cuối thế kỷ này vượt xa các mục tiêu của Thỏa thuận Paris là 1,5 đến 2 độ C so với mức tiền công nghiệp”. Theo giáo sư Petteri Taalas, Tổng thư ký WMO cho biết. "Chúng ta đang đi chệch hướng với những mục tiêu về khí hậu".
“Lượng CO2 trong khí quyển đã vượt qua mốc 400 phần triệu vào năm 2015. Và chỉ 5 năm sau, nó đã vượt quá 413 ppm. Điều này sẽ có những tác động tiêu cực lớn đối với cuộc sống hàng ngày và hạnh phúc của chúng ta, đối với tình trạng của hành tinh chúng ta và đối với tương lai của con cháu chúng ta. CO2 tồn tại trong khí quyển hàng thế kỷ và trong đại dương thậm chí lâu hơn. Lần cuối cùng Trái đất có nồng độ CO2 tương đương hiện tại là cách đây 3-5 triệu năm, khi nhiệt độ ấm hơn 2-3°C và mực nước biển cao hơn 10-20m so với hiện tại. Nhưng lúc đó thế giới chưa có 7,8 tỷ người”GS Taalas nói.
“Nhiều quốc gia hiện đang đặt ra các mục tiêu trung hòa carbon và hy vọng rằng COP26 sẽ ghi nhận thêm nhiều các cam kết về khí hậu. Chúng ta cần chuyển cam kết của mình thành hành động để làm giảm tác động của các loại khí gây ra biến đổi khí hậu. Chúng ta cũng cần xem xét lại các hệ thống công nghiệp, năng lượng và giao thông cũng như toàn bộ cách sống của chúng ta.”GS Taalas nói.
Biên dịch: Thanh Tâm
Link: https://public.wmo.int/en/media/press-release/greenhouse-gas-bulletin-another-year-another-record