Tác động của biến đổi khí hậu và thời tiết khắc nghiệt ở Mỹ Latinh và Caribe (Phần 2)

Đăng ngày: 17-08-2021 | Lượt xem: 7654
Báo cáo “Tình trạng khí hậu ở Mỹ Latinh và Caribe 2020” cho thấy một bức tranh tổng quát về tác động của sự gia tăng nhiệt độ, thay đổi hình thế lượng mưa, bão và sự suy giảm của các sông băng.

Tác động của biến đổi khí hậu và thời tiết khắc nghiệt ở Mỹ Latinh và Caribe (Phần 2)

Báo cáo “Tình trạng khí hậu ở Mỹ Latinh và Caribe 2020” cho thấy một bức tranh tổng quát về tác động của sự gia tăng nhiệt độ, thay đổi hình thế lượng mưa, bão và sự suy giảm của các sông băng.

Nhiệt độ: Năm 2020 là một trong ba năm ấm nhất ở Trung Mỹ và Caribe và là năm ấm thứ hai ở Nam Mỹ, với mức tăng tương ứng 1,0°C, 0,8°C và 0,6°C trên mức trung bình nhiều năm của giai đoạn nền của khí hậu 1981-2010. Các đợt nắng nóng lớn đã ảnh hưởng đến khu vực, đặc biệt là ở nhiều nước Nam Mỹ, với nhiệt độ trên 40oC trong nhiều ngày liên tiếp và nhiều kỷ lục nhiệt độ đã bị phá vỡ. Nhiệt độ tối đa tại một số trạm cho thấy giá trị cực trị bị phá vỡ với nhiệt độ tăng lên đến 10°C so với bình thường. Tại Bolivia, đợt nắng nóng đã tạo ra nhiệt độ kỷ lục trong tháng 10 tại 4 thành phố và nhiệt độ cao nhất từ trước đến nay ở San José de Chiquitos là 43,4°C.

Lượng mưa: Hạn hán trên diện rộng khắp châu Mỹ Latinh và Caribe đã có những tác động đáng kể, bao gồm mực nước sông giảm, do đó cản trở các tuyến vận tải nội địa, giảm năng suất cây trồng và sản lượng lương thực, dẫn đến tình trạng mất an ninh lương thực ở nhiều khu vực ngày càng trầm trọng. Sụt giảm lượng mưa đặc biệt nghiêm trọng đối với khu vực Caribe, vì một số vùng lãnh thổ nằm trong danh sách toàn cầu của các quốc gia bị căng thẳng hàng đầu về nước. Hạn hán dữ dội ở miền nam Amazonia và vùng Pantanal là đợt hạn hán tồi tệ nhất trong vòng 50 năm qua. Gió mùa Bắc Mỹ yếu và nhiệt độ bề mặt biển lạnh hơn bình thường dọc theo phía đông Thái Bình Dương kết hợp với La Niña đã dẫn đến hạn hán ở Mexico. Vào cuối năm, các trận mưa lớn kéo theo sạt lở đất, lũ lụt và lũ quét ảnh hướng đến các vùng nông thôn và thành thị ở Trung và Nam Mỹ.

Cháy và mất hệ sinh thái: Khu vực Mỹ Latinh và Caribe chứa khoảng 57% diện tích rừng nguyên sinh còn lại của thế giới – dự trữ ước tính 104 gigatons carbon, dự trữ 40-50% đa dạng sinh học của thế giới và một phần ba tổng số loài thực vật. Mất rừng là một vấn đề lớn và là nguyên nhân quan trọng gây ra biến đổi khí hậu do thải ra khí cacbon. Từ năm 2000 đến năm 2016, gần 55 triệu ha rừng đã bị mất, khoảng 5,5% tổng diện tích của khu vực và chiếm hơn 91% thiệt hại về rừng trên toàn thế giới.

Mất rừng là một vấn đề lớn và là nguyên nhân quan trọng gây ra biến đổi khí hậu do thải ra khí cacbon.

Nhìn chung, cháy rừng ở Nam Mỹ xảy ra thường xuyên hơn vào năm 2020 so với năm 2019, vốn đã là một năm xảy ra nhiều hoạt động cháy rừng. Tỷ lệ cháy rừng gia tăng vào năm 2020 đã gây ra những thiệt hại không thể phục hồi đối với các hệ sinh thái, bao gồm các tác động tiêu cực đến các dịch vụ hệ sinh thái quan trọng và sinh kế phụ thuộc vào chúng. Lưu vực sông Amazon, trải dài qua 9 quốc gia ở Nam Mỹ và dự trữ 10% lượng carbon toàn cầu, đã trải qua nạn phá rừng ngày càng nghiêm trọng trong 4 năm qua do việc phát quang làm bãi chăn thả gia súc và suy giảm do hỏa hoạn.

Biên dịch: Thanh Tâm

Link: https://public.wmo.int/en/media/press-release/new-report-shows-impacts-of-climate-change-and-extreme-weather-latin-america-and

 

 

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: