Cảnh tàn phá sau bão Fiona tại Fox Roost-Margaree, Newfoundland và Labrador, Canada, ngày 25/9/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Các mô hình khí hậu thay đổi do khí thải sẽ làm giảm 5,8% GDP thực tế của Canada vào năm 2100.
Theo báo cáo của PBO, tác động của việc gia tăng nhiệt độ và lượng mưa đã làm giảm 0,8% GDP thực tế của quốc gia này vào năm 2021. Trên khắp Canada, các hiện tượng thời tiết cực đoan gần đây đã tác động lớn đến kinh tế.
Năm 2022, cơn bão Fiona đã gây tổn thất được bảo hiểm lên tới 660 triệu CAD (487,71 triệu USD), là một sự kiện thời tiết khắc nghiệt "đắt giá nhất"ở khu vực Đại Tây Dương Canada. Trong khi đó, lũ lụt lớn ở British Columbia, gây thiệt hại (được bảo hiểm) ước tính khoảng 675 triệu CAD, trở thành sự kiện thời tiết tốn kém nhất trong lịch sử của tỉnh bang này.
Tại hội nghị khí hậu thường niên của Liên hợp quốc năm 2022 (COP27) ở Sharm el-Sheikh, các nhà lãnh đạo thế giới đang đưa ra yêu cầu hành động cứng rắn hơn để giải quyết biến đổi khí hậu và duy trì mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C (2,7 độ F) vào cuối thế kỷ này.
Tuy nhiên, các chuyên gia nói rằng cơ hội đạt được mục tiêu đó, đã được nhất trí trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, đang ngày càng khó khăn. Hiện tại, nhiệt độ trên khắp thế giới đã tăng khoảng 1,2 độ C (2,2 F) kể từ thời tiền công nghiệp.
Năm 2021, trước thềm COP26 ở Glasgow, Scotland, Canada đã cam kết giảm lượng phát thải khí nhà kính từ 40 đến 45% so với mức năm 2005 vào năm 2030.
Chính phủ liên bang Canada đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Trong bản cập nhật kinh tế mùa Thu mới nhất được công bố vào tuần trước, chính phủ liên bang đã bổ sung các biện pháp khuyến khích mới cho phát triển năng lượng sạch nhằm nỗ lực đạt mục tiêu trên./.
Viết Tuân (P/v TTXVN tại Ottawa)