Ông Sayed Abuel – Ezz, một nông dân ở Ai Cập đã chứng kiến cây trồng khô héo vì nước biển và ông thực sự lo lắng phải chi hàng chục nghìn đôla để ngăn chặn nước muối biển ảnh hưởng đến việc trồng trọt của mình.
Ảnh minh họa. Nguồn: AP
"Nếu nước biển tiếp tục dâng cao hơn thì cây cối sẽ chết", ông Abuel-Ezz nói và nhìn ra biển.
Ở Ai Cập, những tác động của biến đổi khí hậu từ lâu đã quá rõ ràng đối vói những người làm nông. Muối biển ngấm vào đất, ăn mòn rễ cây và cuốn trôi ruộng vườn. Người nông dân đã phải trả rất nhiều tiền để mang thêm đất vào vườn, nâng cao khu vực trồng trọt giúp rễ cây không bị ngấm muối biển. Tuy nhiên, họ nói rằng tình hình vẫn trở nên tồi tệ hơn.
Những tài xế xe bus cũng có thể nhìn thấy những thay đổi này khi nước biển ngày càng tiến gần hơn với đất liền. Những tài xế này cho biết cứ vào mùa đông, phần đường cao tốc quốc tế quan trọng chạy dọc theo bờ biển của Ai Cập lại bị ngập lụt. Báo cáo năm 2007 của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu thuộc Liên hợp quốc cho biết, nằm trên bờ biển phía bắc của Ai Cập trên Địa Trung Hải, đồng bằng sông Nile là một trong ba điểm nóng dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước các tác động của biến đổi khí hậu, bao gồm mực nước biển dâng cao. Khi Ai Cập chuẩn bị đăng cai hội nghị thượng đỉnh về khí hậu toàn cầu COP27 trong tháng này, lãnh đạo các nước đã nói rằng tình trạng khó khăn của khu vực đồng bằng sông Nile – được biết đến trong nhiều thiên niên kỷ với đất đai màu mỡ - là mối quan tâm hàng đầu của họ.
Ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động canh tác và cuộc sống người dân
Biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng cao đang gây ra nhiều thách thức lớn cho Ai Cập. Nước biển có thể tiếp tục dâng từ 0,5 m -1m vào năm 2100, nhấn chìm những khu vực rộng lớn và khiến đất trở nên cằn cỗi hơn.
"Diễn biến này có thể gây ra những thách thức nghiêm trọng đối với cơ sở hạ tầng và nông nghiệp ven biển đồng thời có thể gây nhiễm mặn cho các tầng chứa nước ven biển, bao gồm cả đồng bằng sông Nile đông dân cư và hệ thống canh tác", ông George Zittis, đồng tác giả báo cáo cho biết.
Kịch bản này cũng khiến cho đất đai sẽ không còn phù hợp với canh tác hay sinh sống. Các trang trại và nghề cá - dọc theo hai nhánh sông Nile, Rosetta ở phía tây và Damietta ở phía đông - giúp cung cấp lương thực và thực phẩm cho đất nước và các sản phẩm xuất khẩu đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Hãng AP cho biết, người dân sống dọc theo bờ biển Địa Trung Hải đã cảm nhận rõ rệt ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trong nhiều năm nay, đặc biệt là khi mực nước biển dâng cao. Tình trạng nước mặn xâm nhập vào đất và lượng nước ngọt giảm đi dưới mạch ngầm trở nên rõ rệt hơn.
Ông Mahamed Abdel Monem, Cố vấn cấp cao về đất đai và biến đổi khí hậu của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc nói rằng việc xâm nhập mặn là thách thức lớn nhất đối với vùng châu thổ. Điều này sẽ khiến năng suất kém hơn và trong nhiều trường hợp, cây trồng bị chết và gây ra mất an ninh lương thực.
Hamdy Salah, một nông dân 26 tuổi ở ngoại ô thị trấn Rosetta miền tây sông Nile cho biết phương thức trồng trọt đã thay đổi đáng kể. Salah từng trồng rất nhiều loại cây như cà chua, cà tím, bí ngô và các loại rau khác. Hiện tại gia đình anh chủ yếu trồng xoài, cam quýt và những loại quả ít bị ảnh hưởng do đất nhiễm mặn.
"Chúng tôi đã thử các loại cây trồng khác như táo nhưng nước mặn cũng làm cho rễ cây chết", anh nói.
Các biện pháp khắc phục
Ouf el-Zoughby, một nông dân Ai Cập nói rằng đây là lần thứ ba anh trồng xoài. Những nỗ lực trong công tác trồng trọt trong quá khứ đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi đất ngấm muối.
"Bạn có thể nhìn thấy rất nhiều cây đang chết khô trước mắt", Ouf el-Zoughby chia sẻ.
Thời điểm hiện tại, Ouf el-Zoughby hy vọng những vùng đất nông nghiệp mới có thể được nâng cao hơn và hệ thống nước thải do Chính phủ xây dựng cũng như phân bón hóa học đắt tiền có thể giúp cây trồng có thể sống tốt hơn. Tuy nhiên, Ouf el-Zoughby không chắc sẽ có thể làm gì nếu mùa màng lại thất bát thêm lần nữa. Ouf el-Zoughby lo lắng nếu không có thêm sự trợ giúp của Chính phủ thì hàng nghìn người có thể bỏ hoang trang trại.
Ở khu vực đất đai tiếp xúc gần biển, các chuyên gia cho biết độ mặn đã có thể được kiểm soát bởi nguồn cung cấp nước ngọt và phù sa từ sông Nile.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng đang cố gắng ngăn chặn các hoạt động gây ra ô nhiễm môi trường cao như làm gạch và hoạt động canh tác cũ, đốt rơm rạ làm khói mù mịt hàng năm sau vụ thu hoạch. Tuy nhiên, người dân Ai Cập cũng hiểu rằng đây chỉ là một số biện pháp nhỏ lẻ trong nỗ lực giải quyết vấn đề toàn cầu.
Hồng Nhung