Các tác giả của nghiên cứu đã phân tích dữ liệu toàn cầu của Ngân hàng Thế giới (WB) về rủi ro ngập lụt từ biển, sông và lượng mưa cao, cũng như tình hình phân bố dân cư và nghèo đói. Kết quả cho thấy khoảng 1,81 tỷ người (tương đương 23% dân số thế giới) có nguy cơ phải hứng chịu ngập lụt với mực nước trên 15cm trong trận lũ nghiệm trọng cỡ 100 năm mới xảy ra một lần. Trong số này, 89% sống ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Cụ thể, 780 triệu người bị ảnh hưởng bởi lũ lụt sống với ít hơn 5,5 USD/ngày, và 170 triệu người chỉ sống với 1,9 USD/ngày. Tóm lại, cứ 10 người thì có 4 người chịu rủi ro lũ lụt trên toàn cầu sống trong cảnh nghèo đói.
Một ngôi trường bị nhấn chìm bởi nước lũ ở tỉnh Leyte, Philippines, ngày 11/4 (Ảnh: Nguồn quốc tế)
Các quốc gia có đường bờ biển dài, hệ thống sông ngòi dày đặc và vùng đồng bằng rộng lớn có tỷ lệ dân số chịu rủi ro cao hơn. Hơn một nửa dân số của Hà Lan và Bangladesh có nguy cơ chịu ảnh hưởng của lũ lụt, lần lượt là 59% và 58%. Việt Nam (46%), Ai Cập (41%) và Myanmar (40%) cũng là các quốc gia có tỷ lệ người dân phải hứng chịu cảnh ngập lụt cao hơn cả.
Ngoài Hà Lan, chỉ có 2 quốc gia châu Âu khác nằm trong danh sách 20 nước đứng đầu về tỷ lệ phần trăm dân số chịu ảnh hưởng của lũ lụt, là Áo – xếp thứ 18 với 29% dân số và Albania – xếp thứ 20 với 28%.
Phần lớn những người chịu ảnh hưởng của lũ lụt - khoảng 1,24 tỷ người - sống ở Đông Nam Á, trong đó hơn 30% sống ở Trung Quốc và Ấn Độ. 395 triệu người dân Trung Quốc và 390 triệu người dân Ấn Độ có nguy cơ đối mặt với ngập lụt.
5 quốc gia có nhiều người phải đối mặt với nguy cơ ngập lụt nhất (Ảnh: Nguồn quốc tế)
Lũ lụt không chỉ gây ra các thiệt hại về người. Theo một nghiên cứu được công bố bởi công ty tư vấn môi trường và kỹ thuật GHD (Mỹ), các thảm họa về nước (hạn hán, bão và lũ lụt) có thể gây thiệt hại 5,6 nghìn tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu vào năm 2050. Trong đó, lũ lụt được dự báo sẽ gây ra khoảng 36% tổng thiệt hại.
Các quốc gia có thu nhập thấp chịu rủi ro lũ lụt cao hơn, đồng thời dễ bị tổn thương hơn trước các tác động lâu dài. Chẳng hạn như trận lũ lịch sử mới đây tại Pakistan. Với 31% dân số (72 triệu người) có nguy cơ chịu cảnh ngập lụt, Pakistan đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Trận đại hồng thủy bắt đầu từ tháng 6 đã nhấn chìm 1/3 đất nước, cuốn trôi nhà cửa, đường xá và cả con người. Ít nhất 1.400 người đã thiệt mạng và hơn 33 triệu người bị ảnh hưởng. Hàng nghìn người phải sống trong những túp lều tạm bợ ven đường.
Chuyên gia Thomas McDermott tại Đại học Quốc gia Ireland Galway cảnh báo biến đổi khí hậu và quá trình đô thị hóa có nguy cơ làm trầm trọng thêm những rủi ro này trong những năm tới. Khi thiệt hại về người và kinh tế do lũ lụt tiếp tục gia tăng, các quốc gia trên thế giới sẽ cần tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng để phòng ngừa lũ và đưa ra các giải pháp phục hồi hệ sinh thái.
Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/the-gioi/cac-quoc-gia-co-rui-ro-lu-lut-cao-nhat-166358.html