Dự báo thời tiết các vùng, khu vực phụ thuộc vào khả năng truy cập thông tin quan trắc thời gian thực từ khắp nơi trên thế giới thuộc chương trình Hệ thống Quan trắc tích hợp Toàn cầu (WIGOS) của WMO.
Hiện tại, hơn 30 vệ tinh khí tượng và 200 vệ tinh nghiên cứu, 10.000 trạm thời tiết bề mặt thủ công và tự động, 10.000 trạm thám không, 7.000 tàu, hơn 1.100 phao, hàng trăm ra đa thời tiết và 3.000 máy bay thương mại được trang bị thiết bị chuyên dùng để đo đạc các thông số của khí quyển, đất và bề mặt đại dương mỗi ngày. Những thông tin quan trắc này được cung cấp miễn phí cho mọi quốc gia trên thế giới thông qua Hệ thống thông tin của WMO (WIS).
Các nhà khoa học khí tượng và khí hậu đã đưa ra các bản tin dự báo hạn mùa và hạn dài, đồng thời đang phát triển “dự báo thời tiết và khí hậu liên tục” để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về các dịch vụ thời tiết và khí hậu cho các lĩnh vực chính như nông nghiệp, y tế, nước, giao thông và năng lượng.
Nhưng đó không chỉ là về vấn đề thời tiết và khí hậu. Khi chúng ta tiếp tục tăng thời hạn dự báo và nâng cao hiểu biết về toàn bộ Hệ thống Trái đất, nhu cầu tăng cường trao đổi dữ liệu trong các lĩnh vực khác như thủy văn, thành phần khí quyển, băng quyển và thời tiết không gian trở nên đặc biệt quan trọng.
Một nhóm làm việc đến từ các lĩnh vực khác nhau đã được thành lập và đang tích cực hoạt động trong việc xây dựng và sử dụng dữ liệu, bao gồm các Cơ quan khí tượng thủy văn quốc gia, khối tư nhân và các cơ quan nghiên cứu. Hệ thống dữ liệu Trái đất ngày càng nhiều hơn nhờ những bước tiến trong công nghệ viễn thám trên mặt đất và không gian, cũng như tốc độ xử lý và kích thước bộ nhớ của máy tính được sử dụng cho các mô hình khí tượng.
Trước nhu cầu phát triển nhanh chóng, Đại hội đồng bất thường Khí tượng Thế giới đã thông qua Chính sách Dữ liệu Thống nhất của WMO vào năm 2021. Chính sách này cung cấp bản cập nhật toàn diện về hướng dẫn trao đổi dữ liệu quốc tế về thời tiết, khí hậu và dữ liệu hệ thống Trái đất có liên quan, đồng thời khẳng định lại cam kết cung cấp miễn phí và trao đổi dữ liệu không hạn chế, vốn là nền tảng của cộng đồng WMO trong 150 năm qua.
Điều này sẽ giúp cộng đồng WMO tăng cường và duy trì tốt hơn việc giám sát và dự báo tất cả các yếu tố của hệ thống Trái đất, để góp phần đạt được là những lợi ích kinh tế xã hội. Điều này dẫn đến việc trao đổi và bổ sung tất cả các dữ liệu về môi trường, từ đó cho phép tất cả các thành viên WMO cung cấp các dịch vụ liên quan đến thời tiết và khí hậu tốt hơn, chính xác hơn và kịp thời hơn.
Những thách thức của thế kỷ 21
Các báo cáo về tình trạng khí hậu toàn cầu của WMO thể hiện những thay đổi của hệ thống khí hậu trong những năm qua. Các báo cáo cho thấy các chỉ số chính về biến đổi khí hậu - nồng độ khí nhà kính, nhiệt độ bề mặt, sức nóng của đại dương, axit hóa đại dương, băng tan, băng biến mất trên biển và mực nước biển dâng, đều ở mức cao kỷ lục tại thời điểm quan trắc. Chúng ta đang tiến gần hơn đến giới hạn nhiệt độ thấp hơn 1,5°C của thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Biến đổi khí hậu đang gây ra nhiều hiện tượng thời tiết và khí hậu khắc nghiệt hơn chẳng hạn như các đợt nắng nóng kéo dài với cường độ cao hơn, lượng mưa lớn hơn và hạn hán nghiêm trọng hơn. Tính dễ bị tổn thương của con người trước những tác động bất lợi của các hiện tượng thời tiết đang gia tăng ở nhiều khu vực. Có nhiều người dân hơn bao giờ hết hiện đang sinh sống tại các siêu đô thị hoặc ở các khu vực có nguy cơ cao chẳng hạn như vùng trũng thấp, vùng ven biển lộ thiên và vùng đồng bằng lũ lụt.
Cải thiện khả năng quan trắc, dự báo và truyền thông là vấn đề cần thiểt để đáp ứng nhu cầu về Thời tiết sẽ như thế nào và thời tiết sẽ gây ra những gì, đồng thời giúp xã hội hiểu và thích ứng với tác động của thời tiết có thể diễn ra trong tương lai. Những tác động của biến đổi khí hậu diễn ra đều có liên quan đến nước và ứng phó với BĐKH là cần thiết.
Mặc dù có những bước tiến lớn về công nghệ nhưng vẫn còn tồn tại những thiếu hụt cơ bản trong hệ thống quan trắc toàn cầu. Nhiều người dân ở các quốc gia dễ bị tổn thương thiếu những bản tin cảnh báo sớm về thiên tai, thời tiết xấu.
Một nửa số quốc gia trên toàn cầu vẫn chưa có hệ thống cảnh báo sớm và thậm chí rất ít các quốc gia có khung pháp lý để lồng ghép cảnh báo sớm với các kế hoạch ứng phó khẩn cấp. Điều này diễn ra chủ yếu tại các nước đang phát triển và dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu, cụ thể: các nước kém phát triển nhất (LDC) và các quốc đảo nhỏ đang phát triển (SIDS).
Do đó, WMO đang chủ trì sáng kiến mới về “Cảnh báo sớm cho tất cả” nhằm đảm bảo cho tất cả người dân trên thế giới đều được bảo vệ bởi các hệ thống cảnh báo sớm trong vòng 5 năm tới. Sáng kiến này bao trùm cộng đồng WMO, các thành viên Liên Hợp Quốc, các ngân hàng phát triển và khu vực tư nhân, bao gồm cả các công ty lớn về công nghệ.
Tổng thư ký LHQ António Guterres phát đi thông điệp khi công bố chiến dịch Cảnh báo sớm cho tất cả: “Chúng ta phải tăng cường khả năng dự báo và xây dựng năng lực ứng phó cho nhân loại. Chúng ta cần nhận ra giá trị của thông tin cảnh báo sớm và hành động sớm như những công cụ hữu hiệu để giảm nhẹ rủi ro thiên tai và hỗ trợ thích ứng với biến đổi khí hậu”
Các hệ thống cảnh báo sớm được nhiều người coi là giải pháp dễ dàng nhất để thích ứng với biến đổi khí hậu, bởi vì các hệ thống đó tương đối rẻ và hiệu quả để bảo vệ con người và tài sản khỏi các điều kiện thời tiết và khí hậu cực đoan, bao gồm bão, lũ lụt và sóng nhiệt. Người ta ước tính rằng hệ thống cảnh báo sớm có thể mang lại lợi ích đầu tư gấp mười lần.
Ủy ban Toàn cầu về Thích ứng cho rằng chỉ cần chi 800 triệu đô la Mỹ cho các hệ thống cảnh báo sớm ở các nước đang phát triển sẽ tránh được tổn thất từ 3 đến 16 tỷ đô la mỗi năm.
Và câu hỏi đặt ra “đâu là cái giá để đạt được điều này?” Câu trả lời là “hệ thống cảnh báo sớm tương đương với 50 xu (khoảng 12.000 VND) mỗi người mỗi năm trong 5 năm tới”.
Tạp chí KTTV