Cảnh báo sớm cho tất cả kế hoạch hành động được công bố tại COP27 (phần đầu)

Đăng ngày: 07-11-2022 | Lượt xem: 2160
Trong cuộc họp COP 27 tại Ai Cập, căn cứ theo một kế hoạch được Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres công bố: sẽ mất khoảng 50 xu / người / năm trong 5 năm tới để những cảnh báo sớm về thời tiết khắc nghiệt và nguy hiểm tiếp cận mọi người trên Trái đất.

Kế hoạch triển khai Cảnh báo Sớm cho Tất cả ​​kêu gọi các khoản đầu tư cho những mục tiêu mới từ năm 2023 đến năm 2027 với số tiền là 3,1 tỷ đô la Mỹ. Đây là một phần nhỏ (khoảng 6%) trong số 50 tỷ đô la Mỹ được yêu cầu tài trợ cho các chương trình thích ứng. Khoản đầu tư này sẽ bao gồm kiến ​​thức về rủi ro thiên tai, các quan sát và dự báo để chuẩn bị cho các giải pháp ứng phó cũng như thông tin về các cảnh báo sớm.

Ông Guterres đã công bố kế hoạch này tại cuộc họp của các nhà lãnh đạo chính phủ và tổ chức Liên hợp quốc, các cơ quan tài chính, các công ty Big Tech và khu vực tư nhân trong Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo thế giới tại cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc, COP27. Kế hoạch này do Tổ chức Khí tượng Thế giới và các đối tác vạch ra, và nó được ủng hộ bởi một tuyên bố chung do 50 quốc gia ký kết.

Theo Ông Guterres, “Lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính ngày càng tăng đang làm nghiêm trọng hóa các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt trên khắp hành tinh. Thiên tai ngày càng gia tăng cũng làm thiệt hại sinh mạng con người và hàng trăm tỷ đô la. Số người phải di dời do thiên tai khí hậu gấp ba lần so với chiến tranh và một nửa nhân loại đã ở trong vùng nguy hiểm.

Ông cho rằng “Chúng ta phải đầu tư vào cả khả năng thích ứng và khả năng phục hồi. Điều đó bao gồm thông tin cho phép chúng ta dự đoán các cơn bão, sóng nhiệt, lũ lụt và hạn hán. Vì mục tiêu đó, tôi đã kêu gọi mọi người trên Trái đất được bảo vệ bởi các hệ thống cảnh báo sớm trong vòng 5 năm, với ưu tiên hỗ trợ những người dễ bị tổn thương nhất”. Kế hoạch Hành động đề ra con đường cụ thể để đạt được mục tiêu này.

Hiện nay, số lượng thiên tai được ghi nhận đã tăng lên gấp 5 lần, một phần là do biến đổi khí hậu do con người gây ra và thời tiết khắc nghiệt hơn. Xu hướng này sẽ tiếp tục trong tương lai. Chưa hết, một nửa số quốc gia trên toàn cầu không có hệ thống cảnh báo sớm và thậm chí họ còn không có khuôn khổ quy định để liên kết cảnh báo sớm với các kế hoạch khẩn cấp. Mức độ triển khai rất tồi tệ với các nước đang phát triển ở tuyến đầu của biến đổi khí hậu, cụ thể là Các nước kém phát triển (LDCs) và Các nước đang phát triển ở Đảo nhỏ (SIDS).

Hệ thống cảnh báo sớm được nhiều người coi là “lá chắn” cho thích ứng với biến đổi khí hậu vì chúng là một cách hiệu quả về chi phí để bảo vệ con người và tài sản khỏi các hiểm họa, bao gồm bão, lũ lụt, sóng nhiệt và sóng thần. Tổng thư ký WMO, giáo sư Petteri Taalas cho biết. “Những cảnh báo sớm sẽ cứu sống mạng người và mang lại những lợi ích kinh tế to lớn. Chỉ cần một sự kiện nguy hiểm được thông báo trong 24 giờ thì có thể cắt giảm 30% thiệt hại sau đó.”

Ủy ban Toàn cầu về Thích ứng nhận thấy rằng chỉ cần chi 800 triệu đô la Mỹ cho các hệ thống như vậy ở các nước đang phát triển sẽ tránh được thiệt hại từ 3 đến 16 tỷ đô la mỗi năm.  Còn theo giáo sư Taalas: “Tiến bộ như vậy chỉ có thể đạt được với khoa học hiện đại, mạng lưới quan sát có hệ thống được duy trì liên tục, chất lương dữ liệu được nâng cao chất lượng quốc tế, truy cập vào các sản phẩm cảnh báo sớm chất lượng cao, chuyển các dự báo thành các tác động, cộng với những tiến bộ trong viễn thông,”.

(còn nữa)

Biên dịch: Thanh Tâm

Link: https://public.wmo.int/en/media/press-release/early-warnings-all-action-plan-unveiled-cop27

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: