Sau khi những đợt nắng nóng gay gắt tấn công phần lớn châu Á vào tháng 4, nhiệt độ lại tăng vọt vào cuối tháng 5, mà trong quá khứ thường là thời điểm bắt đầu giao mùa khá mát mẻ.
Nhiều khu vực tại châu Á đang phải hứng chịu các đợt nắng nóng kỷ lục. Ảnh: Aly Song
Mức nhiệt độ cao kỷ lục vào tháng 4 và tháng 5 vừa qua đã được ghi nhận ở Trung Quốc, Đông Nam Á và các nơi khác của châu Á, cũng như cả châu Âu. Thậm chí, các chuyên gia cảnh báo rằng nắng nóng sẽ còn nhiều hơn nữa.
"Chúng tôi không thể nói rằng đây là những sự kiện mà chúng ta cần phải làm quen, thích nghi và giảm thiểu, bởi vì chúng sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn khi biến đổi khí hậu gia tăng", Sarah Perkins-Kirkpatrick, một nhà khoa học khí hậu thuộc Đại học New South Wales ở Úc, cho biết.
Ở Việt Nam, nắng nóng dự kiến tiếp tục kéo dài sang tháng 6. Ngày 6/5, mức nhiệt độ cao nhất từ trước đến nay đã được ghi nhận tại tỉnh Thanh Hóa ở mức 44,1 độ C. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia (NCHMF), tỉnh Sơn La vào hôm thứ Tư vừa rồi (31/5) cũng đã chạm mốc 43,3 độ C.
Tại Trung Quốc, Thượng Hải đã trải qua ngày nóng nhất tháng 5 trong hơn một thế kỷ vào thứ Hai tuần này. Một ngày sau, một trạm thời tiết ở trung tâm sản xuất công nghệ phía Đông Nam của Thâm Quyến cũng lập kỷ lục tháng 5 là 40,2 độ C. Đợt nắng nóng sẽ tiếp tục diễn ra trên khắp miền Nam nước này trong vài ngày nữa.
Ấn Độ, Pakistan và Đông Nam Á đã trải qua đợt nắng nóng gay gắt vào tháng 4, gây thiệt hại cơ sở hạ tầng trên diện rộng và làm gia tăng các ca say nắng. Bangladesh cũng nóng nhất trong 50 năm qua, trong khi Thái Lan đạt kỷ lục 45 độ C.
Chaya Vaddhanaphuti từ Đại học Chiang Mai của Thái Lan cho biết các đợt nắng nóng tháng 4 "có khả năng cao gấp 30 lần" do biến đổi khí hậu. Một nhóm các nhà nghiên cứu khí hậu cho biết vào tháng trước, nhiệt độ tăng đột biến hiện nay "có thể do các yếu tố này gây ra".
Ấn Độ và các quốc gia châu Á khác đã đưa ra giải pháp để đối phó với các rủi ro sức khỏe phát sinh từ nhiệt độ cực cao, khi mở các "phòng mát" công cộng và áp đặt các hạn chế đối với công việc ngoài trời, nhưng Vaddhanaphuti cho biết các chính phủ cần lập kế hoạch tốt hơn, đặc biệt là để bảo vệ các cộng đồng dễ bị tổn thương hơn.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Bristol đã cảnh báo trong một bài báo xuất bản vào tháng 4 rằng các khu vực ít trải qua nhiệt độ cực cao trước đây có thể gặp rủi ro cao nhất.
Vikki Thompson, tác giả chính của bài báo cho biết, ở các quốc gia như Ấn Độ, độ ẩm đã đẩy nhiệt độ đến mức không an toàn, bởi vậy cần có nhiều giải pháp ứng phó tốt hơn."Tại một số điểm, chúng ta đạt đến giới hạn mà con người có thể đối phó với nhiệt độ", bà nói.
Các nhà khoa học cảnh báo trong một nghiên cứu khác công bố tuần trước rằng có tới 2 tỷ người sẽ tiếp xúc với nhiệt độ nguy hiểm nếu thời tiết toàn cầu tăng trung bình 2,7 độ C trong thế kỷ này.
Hoàng Anh (theo CNA, Reuters, NCHMF)