Cảnh ngập lụt tại Hyderabad, Pakistan ngày 19/8/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Cảnh báo được nhà lãnh đạo Pakistan đưa ra tại Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) đang diễn ra ở Ai Cập trong bối cảnh quốc gia Nam Á vừa hứng chịu đợt lũ lụt lịch sử mà giới khoa học cho rằng biến đổi khí hậu là nguyên nhân khiến thiên tai nghiêm trọng hơn.
Trong các cuộc thảo luận tại COP27 những ngày qua, rất nhiều đại biểu đã lên tiếng kêu gọi các nước giàu có hơn với mức phát thải cao thực hiện cam kết hỗ trợ tài chính cho các nước nghèo hơn thực hiện chuyển đổi sang kinh tế xanh và củng cố khả năng chống chọi với biến đổi khí hậu.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif nêu rõ Trái Đất đang ấm lên nhanh hơn khả năng lực hồi phục của các nước đang phát triển. Tài chính quá thiếu thốn đến mức không thể đáp ứng được nhu cầu phục hồi thực tế của những nước đang "đứng mũi chịu sào".
Theo nhà lãnh đạo này, Pakistan là một ví dụ điển hình trong nhóm các nước đang phát triển dễ chịu tác động của biến đổi khí hậu, chật vật tìm cách phát triển kinh tế trong "cơn bão hoàn hảo" hội tụ nhiều khó khăn gồm lạm phát, nợ công tăng vọt và khan hiếm năng lượng và tình trạng ấm lên toàn cầu đều đang khiến tất cả những yếu tố này nghiêm trọng hơn.
Thủ tướng Sharif cho biết các trận lũ lụt nghiêm trọng tại Pakistan hồi tháng 8 xảy ra sau 2 tháng sóng nhiệt hoành hành đã ảnh hưởng đến 33 triệu người dân nước này và nhấn chìm hơn 30% diện tích cả nước, trong đó có những vùng nông nghiệp trọng điểm với mức thiệt hại được Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính 30 tỷ USD. Thủ tướng Sharif cho biết chính phủ đã điều hướng những nguồn lực hạn hẹp để đáp ứng nhu cầu cơ bản cho hàng triệu hộ gia đình chịu ảnh hưởng của lũ lụt.
Ông Sharif nhấn mạnh Pakistan đang phải hứng chịu nhiều hậu quả nghiêm trọng dù là nước phát thải rất ít trong khi các nước giàu có, từng phát thải rất nhiều và góp phần lớn dẫn tới tình trạng ấm lên toàn cầu, lại không thực hiện những cam kết tài chính khí hậu trong một số lĩnh vực.
Trước đó, trong cuộc gặp với nhà lãnh đạo Pakistan ngày 7/11, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cho rằng thế giới cần xem xét lại hệ thống tài chính quốc tế để giãn nợ cho những nước nghèo đang vật lộn với những tác động của biến đổi khí hậu, trong đó lãnh đạo LHQ lưu ý Pakistan đáng được nhận những khoản hỗ trợ lớn, trực tiếp từ cộng đồng quốc tế.
Đã 12 năm kể từ khi các bên tham gia COP15 cam kết đến năm 2020 cung cấp 100 tỷ USD mỗi năm cho các nước nghèo hơn. Đến nay, cam kết này vẫn chưa được thực hiện đầy đủ và vẫn thiếu 17 tỷ USD/năm.
Tại COP27, một vấn đề được đưa ra thảo luận chính thức là liệu các nước giàu với mức phát thải lớn có nên cam kết một khoản hỗ trợ tài chính khác cho việc ứng phó với những tác động không thể tránh khỏi của tình trạng ấm lên toàn cầu, đó là những trận bão, sóng nhiệt và nước biển dâng...
Lê Ánh (TTXVN)