Báo cáo lưu ý rằng, theo một số dự báo, nhiệt độ này có thể “đánh bại” kỷ lục của toàn Đan Mạch, được thiết lập vào năm 1975 khi nhiệt độ tăng lên 36,4 độ C.
Một ngày trước đó, tại Geneva, đại diện của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), ông Robert Stefanski, cho biết nắng nóng bất thường sẽ tiếp tục diễn ra tại một số quốc gia châu Âu ít nhất cho đến giữa tuần tới.
Ông Stefanski cho biết, đợt nắng nóng đã lên đến đỉnh điểm ở Tây Âu và đang di chuyển về phía Đông. “Tuy nhiên, nhiệt độ vẫn sẽ cao hơn nhiều so với bình thường”, quan chức của WMO nói.
Đợt nắng nóng ở Đan Mạch có thể phá kỷ lục năm 1975. (Ảnh: Global Look Press)
Theo dữ liệu do Tổng thư ký WMO Petteri Taalas đưa ra, vào lúc 11 giờ sáng 19/7 (theo giờ địa phương), nhiệt độ ở Anh đã tăng lên mức cao kỷ lục là 39,1 độ C. Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau, nền nhiệt đo được đã tăng trên 40 độ C tại London Heathrow.
“Các đợt nắng nóng kỷ lục đang xuất hiện thường xuyên hơn do biến đổi khí hậu”, ông Taalas nhận định.
Tổng thư ký WMO ví von hiện tượng này giống như việc các vận động viên sử dụng chất kích thích để tăng cường hoạt động. Hiện tượng này cũng tương tự với thời tiết khi chúng ta thải ra bầu khí quyển các tạp chất như khí thải gây hiệu ứng nhà kính, đặc biệt là carbon dioxide.
Không chỉ tại Anh, nắng nóng cực đoan đang hoành hành tại nhiều nước khác ở châu Âu. Ngày 19/7, các nhà chức trách Hungary đã nâng cảnh báo nắng nóng lên cấp độ 3 trong bối cảnh quốc gia này đang hứng chịu một đợt nắng nóng như thiêu đốt.
Cảnh báo dự kiến sẽ có hiệu lực cho đến ít nhất là nửa đêm ngày 23/7. Đây là cảnh báo nhiệt cấp độ 3 thứ hai mà Hungary đưa ra trong mùa hè này. Lần cảnh báo nhiệt gần đây nhất được đưa ra ngày 27/6 và kéo dài ba ngày.
Hôm 17/7, mức độ nguy hiểm thời tiết tối đa “đỏ” đã được công bố tại 15 vùng của Pháp do nắng nóng bất thường.
Tính từ ngày 10-16/7, 510 người đã thiệt mạng ở Tây Ban Nha do nhiệt độ quá nóng lên tới 45 độ C.
Ngoài ra, Liên minh châu Âu (EU) lo ngại mất mùa do nguy cơ hạn hán trên một nửa lãnh thổ. Theo Ủy ban châu Âu, điều này có thể xảy ra vào mùa hè này, sẽ làm giảm đáng kể sản lượng thu hoạch.
Bà Maria Neira, Giám đốc phụ trách sức khỏe cộng đồng và môi trường của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cảnh báo biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến sức khỏe con người theo nhiều cách. Hiện 99% dân số toàn cầu đang hít thở không khí không đáp ứng các tiêu chuẩn sức khỏe do WHO đặt ra, tác động rất lớn đến các bệnh mãn tính về hô hấp và tim mạch.
Giải pháp tốt nhất để khắc phục tình trạng này là chúng ta cần đề ra những tham vọng để giải quyết các nguyên nhân gây nên hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Thanh Bình (lược dịch)