Lòng sông Salindres tại Pháp khô cạn do hạn hán ngày 17/6/2022. Ảnh: AFP/ TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, cuối tuần vừa qua, hàng nghìn hectare rừng đã bị thiêu rụi trên khắp châu Âu, khi "tuần nóng nhất năm 2022" bắt đầu. Hạn hán khiến nông dân Bỉ và Pháp trong ngành sản xuất sữa phải chứng kiến sản lượng giảm mạnh.
Thiếu nước khiến nền nông nghiệp Tây Ban Nha suy yếu. Du lịch cũng đang bị ảnh hưởng: 2 địa điểm du lịch trên núi Mont-Blanc buộc phải đóng cửa để tránh nguy có sạt lở đá do hạn hán gây ra.
Theo các chuyên gia, hạn hán đang khiến nguy cơ sa mạc hóa tăng cao ở châu Âu, gây ảnh hưởng ngày càng rõ ở các quốc gia Địa Trung Hải, trước khi lan dần đến các quốc gia Bắc Âu. Hệ quả là những vùng đất góp phần tạo nên sự giàu có của "Lục địa già" ngày càng nghèo đi từ năm này qua năm khác.
Liên minh châu Âu (EU) đang phát triển một chiến lược nhằm chấm dứt trình trạng này vào năm 2030, với nguyên tắc cơ bản: đất khỏe mạnh phải có khả năng chống lại biến đổi khí hậu tốt hơn. Ủy ban châu Âu cho biết vào năm 2021: "Khả năng giữ nước cao của đất sẽ hạn chế ảnh hưởng của lũ lụt và giảm tác động tiêu cực của hạn hán".
Tuy nhiên, theo các nhà môi trường, Chính sách Nông nghiệp Chung của châu Âu tiếp tục trợ cấp cho các loại cây trồng làm suy kiệt đất nghiêm trọng và khiến đất trở nên mỏng manh hơn khi đối mặt với hạn hán.
Hiện tại đã có mô hình quản lý nước Tây Ban Nha được xem là có thể ứng dụng cho các nước khác, trong đó có việc nhân rộng các hồ chứa và đập để đảm bảo du lịch và nông nghiệp tăng trưởng trong dài hạn. Tuy nhiên, vì thiếu mưa, chiến lược này hiện chỉ có hiệu quả giới hạn./.
Hương Giang/TTXVN
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/gia-tang-nguy-co-sa-mac-hoa-o-chau-au/254558.html