Hạn hán lịch sử đe dọa mùa vụ và sản xuất công nghiệp tại Trung Quốc

Đăng ngày: 23-08-2022 | Lượt xem: 1976
Đài Khí tượng Trung ương tiếp tục phát đi cảnh báo nhiệt độ cao, sông Trường Giang nhiều đoạn trơ đáy và các thành phố lớn thắt chặt việc sử dụng điện, Trung Quốc đang trải qua đợt nắng nóng và hạn hán chưa từng có trong nhiều thập kỷ qua, đe dọa nghiêm trọng đến an ninh lương thực và công nghiệp của đất nước tỷ dân.

Đài Khí tượng Trung ương Trung Quốc ngày 22/8 tiếp tục phát đi cảnh báo nhiệt độ cao màu đỏ - mức cảnh báo thời tiết cực đoan cao nhất ngày thứ 11 liên tiếp. Ít nhất 18/31 tỉnh, thành tại nước này có nền nhiệt từ 35 độ C trở lên, trong đó có 9 tỉnh thành nhiệt độ trên 40 độ C. Cảnh báo hạn hán màu cam cũng được đưa ra ngày thứ 2 liên tiếp vào ngày 21/8. Theo giới quan sát khí tượng, đây là cảnh báo hạn hán màu cam cấp quốc gia đầu tiên do Đài Khí tượng Trung ương Trung Quốc ban bố kể từ khi thiết lập cơ chế cảnh báo, cho thấy cường độ hiếm thấy trong lịch sử của đợt nắng nóng và hạn hán trong mùa hè năm nay ở nước này.

Đoạn sông Trường Giang chảy qua thành phố Cửu Giang trơ đáy trong trận hạn hán lịch sử. Ảnh: Getty Images

Đoạn sông Trường Giang chảy qua thành phố Cửu Giang trơ đáy trong trận hạn hán lịch sử. Ảnh: Getty Images

Đợt nắng nóng gay gắt kéo dài và hạn hán chưa từng có nhiều thập kỷ đang gây áp lực lên cung cấp điện và thu hoạch vụ Thu của Trung Quốc. Việc lưu lượng nước cho hệ thống thủy điện giảm mạnh đang gây ra tình trạng đáng báo động ở Tứ Xuyên, một trung tâm sản xuất lớn nơi 80% năng lượng đến từ thủy điện. Cuối tuần trước, chính quyền Tứ Xuyên đưa ra cảnh báo “đặc biệt nghiêm trọng” khi lưu lượng nước đến các hồ thủy điện tại tỉnh này giảm một nửa trong khi nhu cầu sử dụng điện lại tăng 25%, theo báo chí địa phương. Cũng trong thời gian này, Tứ Xuyên đã đình chỉ hoặc hạn chế cung cấp điện cho hàng nghìn nhà máy. Toyota, Foxconn và Tesla là một vài trong số các công ty được cho là đã tạm ngừng hoạt động tại một số cơ sở trong 2 tuần qua.

Trường Giang là con sông lớn thứ ba thế giới và dài nhất Trung Quốc, cung cấp nước cho hơn 400 triệu người tại đất nước tỷ dân và là tuyến đường thủy quan trọng nhất đối với nền kinh tế nước này. Con sông cũng có vai trò quan trọng đối với chuỗi cung ứng toàn cầu, tuy nhiên vào mùa hè này, mực nước sông tại nhiều khu vực đã xuống mức thấp kỷ lục, thậm chí hàng chục nhánh sông bị khô cạn. Lưu lượng nước trên trục chính của sông Trường Giang thấp hơn 50% so với mức trung bình của 5 năm qua. Các tuyến vận chuyển ở khu vực trung lưu và hạ lưu cũng đã phải ngừng hoạt động, theo tờ SCMP.

Hạn hán đã ảnh hưởng đến ít nhất 2,46 triệu người và 2,2 triệu hécta đất nông nghiệp ở Tứ Xuyên, Hà Bắc, Hồ Nam, Giang Tây, An Huy và Trùng Khánh. Theo Bộ quản lý tình trạng khẩn cấp của Trung Quốc, hơn 780.000 người cần sự hỗ trợ trực tiếp của chính phủ vì hạn hán. Nước uống đã được vận chuyển đến các khu vực mà nguồn cung cấp cho dân cư đã cạn kiệt hoàn toàn. Chỉ riêng nhiệt độ cao trong tháng 7 đã gây ra thiệt hại kinh tế trực tiếp lên tới 2,73 tỷ nhân dân tệ (hơn 400 triệu USD), ảnh hưởng đến 5,5 triệu người, theo Bộ quản lý tình trạng khẩn cấp Trung Quốc.

Thượng Hải, trung tâm tài chính, kinh tế của Trung Quốc, đã trở thành địa phương mới nhất phải hạn chế sử dụng điện. Theo thông báo của chính quyền thành phố, Thượng Hải đã phải đình chỉ chiếu sáng cảnh quan ở các địa điểm mang tính biểu tượng, như khu vực Bến Thượng Hải và một số điểm dọc theo sông Hoàng Phố vào ngày 22/8 và 23/8, bao gồm cả các màn hình LED quảng cáo truyền thông. Trước đó, tại siêu đô thị Trùng Khánh, nơi nhiệt độ cao được ghi nhận là 45 độ C cuối tuần trước, giới chức thành phố phải ra chỉ thị yêu cầu hơn 500 trung tâm mua sắm và địa điểm thương mại lớn giới hạn giờ mở cửa, bắt đầu từ ngày 22/8 để giảm bớt nhu cầu về điện.

Trong cuộc họp ngày 21/8, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc nhận định, tình trạng nhiệt độ cao và hạn hán đã trở thành mối đe dọa lớn nhất đối với thu hoạch lương thực vụ Thu ở miền Nam đất nước. Hiện nay, hạn hán vẫn đang tiếp tục diễn biến kéo dài, nắng nóng và hạn hán đã gây thiệt hại nặng cho lúa và ngô ở một số khu vực phía Nam. Tình hình phòng chống thiên tai vẫn gặp nhiều thách thức và đang trở thành nhiệm vụ cấp bách ở Trung Quốc. Theo các chuyên gia, thu hoạch vụ Thu chiếm tới 75% sản lượng lương thực hàng năm ở Trung Quốc. Từ tháng 7 đến nay, khu vực miền Nam nước này đã liên tục hứng chịu nhiệt độ cao, đồng thời ghi nhận đợt nắng nóng nghiêm trọng nhất và lượng mưa ít nhất kể từ năm 1961, gây thách thức lớn cho sản xuất lương thực vụ Thu.

Ông Hồ Kiện Vĩ, Dự báo viên trưởng của Bộ Thủy lợi Trung Quốc cho biết: “Dự kiến, lượng mưa và lượng nước đổ về lưu vực sông Trường Giang sẽ vẫn ở mức thấp, hạn hán sẽ tiếp tục xảy ra. Sau đó, cùng với sự xuất hiện của mưa Thu ở miền Tây Trung Quốc, tình trạng hạn hán ở thượng nguồn sông Trường Giang sẽ giảm dần, nhưng hạn hán ở vùng trung và hạ lưu, như An Huy, Hồ Bắc, Hồ Nam, Giang Tây vẫn chưa lạc quan”.

Trên thế giới, các con sông lớn đang khô cạn do các đợt nắng nóng kỷ lục, như sông Rhine và sông Loire ở châu Âu, và sông Colorado ở Mỹ. Bernice Lee, chuyên viên tại Viện Chatham House ở London, cho biết các nước, bao gồm cả Trung Quốc, vẫn “chưa chuẩn bị kỹ lưỡng” cho các sự kiện có tác động nghiêm trọng, xác suất thấp như hạn hán và sóng nhiệt cực đoan. Điều đáng ngại là “tần suất các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ tăng lên trong tương lai”.

Tiến Anh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/the-gioi-24h/han-han-lich-su-de-doa-mua-vu-va-san-xuat-cong-nghiep-tai-trung-quoc-i664925/

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: