Người dân đứng cạnh xác các vật nuôi bị chết do hạn hán tại Gode, Ethiopia, ngày 7/4/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong báo cáo "Kế hoạch ứng phó nhân đạo mới nhất ở Ethiopia", FAO cho hay thiệt hại lớn về vật nuôi đã ghi nhận ở các khu vực Oromia, Somali và miền Nam nước này. Tác động tồi tệ này của hạn hán đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, làm mất thu nhập, kéo theo vấn nạn suy dinh dưỡng tăng cao và dẫn đến mất an ninh lương thực.
Về mặt tích cực, báo cáo của FAO cho biết thỏa thuận hòa bình được ký kết giữa Chính phủ Ethiopia và Mặt trận Giải phóng Nhân dân Tigray vào tháng 11/2022, nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 2 năm, đã mở ra cơ hội cho hàng triệu người ở miền Bắc Ethiopia tiếp tục mưu sinh. Tuy nhiên, theo báo cáo, các hộ gia đình bị ảnh hưởng xung đột vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các đầu vào nông nghiệp như hạt giống và phân bón, gây gián đoạn các hoạt động nông nghiệp.
Đầu năm nay, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) đã cảnh báo rằng hậu quả thảm khốc của đợt hạn hán kéo dài nhiều năm sẽ tiếp diễn vào năm 2023 tại khu vực Sừng châu Phi, khiến các cộng đồng tại đây cần được hỗ trợ khẩn cấp. Báo cáo của WMO nêu rõ một phần lãnh thổ Ethiopia, Kenya và Somalia sẽ tiếp tục là những khu vực bị hạn hán nặng nề nhất ở khu vực Sừng châu Phi trong suốt năm 2023.
Trung Khánh (TTXVN)