Kết nối Đại dương, Khí hậu và Thời tiết

Đăng ngày: 22-03-2021 | Lượt xem: 2223
Khi nói đến thời tiết và khí hậu, hầu hết chúng ta chỉ nghĩ đến những gì đang xảy ra trong bầu khí quyển. Tuy nhiên, nếu chúng ta bỏ qua đại dương, chúng ta đã bỏ lỡ một phần lớn của bức tranh tổng thể. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của đại dương đối với sự thay đổi của thời tiết và khí hậu.

Nhân kỷ niệm ngày Khí tượng thế giới năm 2021, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn ông Trần Hồng Thái đã có cuộc trao đổi với phóng viên để làm rõ các vấn đề xung quanh chủ đề này.

Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn ông Trần Hồng Thái

PV: Ngày Nước và Khí tượng Thế giới năm nay với chủ đề “Đại dương, Thời tiết và Khí hậu của chúng ta”, ông có thể nói rõ về mối liên hệ giữa những những yếu tố này không?

Tổng cục trưởng Trần Hồng Thái: Có một mối quan hệ rất lớn giữa Đại dương và hệ thống khí hậu, thời tiết của chúng ta. Như chúng ta đã biết, chủ đề của Tổ chức Khí tượng thế giới năm nay cũng là hưởng ứng một thập kỷ Khoa học Đại dương vì sự phát triển bền vững, Đại dương chiếm một vai trò rất quan trọng đối với hệ thống khí hậu và đời sống của chúng ta, chiếm tới 70% diện tích của Trái đất. Đại dương cũng là nơi mà các hệ sinh thái tương tác rất chặt chẽ giữa khí quyển, sinh quyển, thủy quyển và các yếu tố khác liên quan đến cuộc sống. Đại dương là nơi hấp thụ khoảng 90% những khí thải khí nhà kính, hấp thụ khoảng 90% nhiệt lượng phần còn lại là bốc hơi lên trên khí quyển. Đại dương cũng là môi trường hình thành nên những cơn bão, nhiệt độ của Đại dương quyết định những cơn bão mạnh lên hay yếu đi, có vai trò rất lớn giúp chúng ta có thể dự báo, cảnh báo được những cơn bão và thông tin thiên tai đến từ bão. Do đó, chúng tôi thấy rằng mối quan hệ đó rất to lớn. Chúng ta có thể lấy ví dụ: khi mà nhiệt độ Đại dương tăng lên 1 độ C, lúc đó độ ẩm trên khí quyển tăng lên 7% sẽ tạo nên những biến đổi trên hệ thống khí quyển, tạo nên những cơn bão có cường độ lớn, những cơn mưa lớn và nhiều hệ lụy khác nhau mà chúng ta quan tâm. Và như vậy, chúng ta có thể thấy mối quan hệ rất lớn giữa Đại dương và khí hậu, thời tiết.

Chủ đề của Tổ chức Khí tượng thế giới cũng đã nêu lên cho chúng ta thấy rằng, chúng ta cần phải xây dựng một Đại dương xanh, xây dựng những nghiên cứu khoa học về Đại dương, sự quan tâm của xã hội để chúng ta có thể trước hết bảo vệ hệ thống khí hậu của chúng ta, cân bằng mối quan hệ biện chứng giữa các yếu tố khí quyển, thủy quyển, sinh quyển. Khi cơn bão vào, khí tượng có sự thay đổi thì chúng ta phải có mối quan tâm đến sinh kế, giao thông vận tải ở trên biển, trên Đại dương.

PV: Thưa ông, Bộ Tài nguyên và Môi trường có những hoạt động như thế nào để hưởng ứng ngày này?

Tổng cục trưởng Trần Hồng Thái: Tổng cục KTTV Việt Nam với vai trò là đại diện thường trực của Việt Nam tại Tổ chức Khí tượng Thế giới đã có những trao đổi, đề nghị Tổ chức Khí tượng Thế giới trong thông điệp của mình quan tâm đến thời tiết, nâng cao vai trò của dự báo và cảnh báo biển để bảo vệ được sinh kế của người dân, hệ thống thủy sinh, hệ thống sinh thái ở trên biển. Chúng tôi cũng đã yêu cầu Tổ chức Khí tượng Thế giới quan tâm đến việc nâng cao các loại hình bản tin dự báo thiên tai biển để giúp từng ngành kinh tế phát triển, Đại dương cũng là nơi tập trung nhiều ngành kinh tế phát triển của quốc gia, là nơi mà các quốc gia đều rất quan tâm. Và chúng tôi cũng đề nghị Tổ chức Khí tượng Thế giới xác định quan hệ mật thiết giữa hệ thống khí hậu của chúng ta với những hệ thống sinh thái, do đó chúng tôi cũng đã nghiên cứu rất kỹ những thiệt hại do thiên tai năm 2020, chúng tôi thấy rằng mối quan hệ rất lớn giữa bảo vệ các hệ thống tự nhiên với hệ thống rừng: giảm nguyên nhân thiên tai do bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, khi chúng ta bảo vệ được hệ thống môi trường rừng tự nhiên này thì chúng ta cũng sẽ giảm thiểu được những thiệt hại do thiên tai gây ra.

Chúng ta phải có những thay đổi từ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội thông qua hành động cụ thể là hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng trồng 1 tỷ cây xanh, sẽ nâng cao được hiệu quả phòng chống thiên tai, nâng cao được vai trò của Việt Nam trong việc hưởng ứng lời kêu gọi của Tổ chức Khí tượng Thế giới năm 2021.

Theo truyền thống mỗi khi đến ngày 23/3 là ngày Khí tượng Thế giới, ngành KTTV chúng tôi đều có những hành động hết sức thiết thực. Trước mắt đó là việc chuẩn bị cho mùa thiên tai sắp tới bằng hình thức tăng cường việc kiểm tra cả hệ thống của ngành KTTV từ các trạm quan trắc, thông tin truyền tin, lực lượng dự báo sẵn sàng cho mùa bão sắp tới, để trong mùa bão, lũ năm 2021 và những năm tiếp theo tiếp tục đưa ra những bản tin hiệu quả, tin cậy, kịp thời nhằm giảm thiểu được những thiệt hại do thiên tai, đấy là hành động thực tiễn thiết thực nhất. Bên cạnh đó, Việt Nam cùng với Tổ chức Khí tượng Thế giới và các nước anh em có những chương trình nghiên cứu, trao đổi thông tin để ngày càng nâng cao năng lực dự báo, nâng cao vai trò, vị thế  của ngành KTTV.

Việc tổ chức ngày Khí tượng thế giới không chỉ còn là một buổi lễ, mà còn là lời cam kết ở trên quy mô thế giới, của ngành KTTV Việt Nam với cộng đồng là sự sẵn sàng phục vụ. Tổng cục KTTV cũng sẽ tổ chức những hoạt động tuyên truyền vai trò, vị thế của ngành đối với xã hội, nâng cao sự cảnh giác, tính kỷ luật của ngành và tiếp thêm động lực làm việc, cống hiến của cán bộ, viên chức, người lao động ngành KTTV để mỗi người hiểu rằng, được phục vụ xã hội thông qua bản tin dự báo của mình góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai là trách nhiệm, là niềm tự hào của ngành KTTV.

PV: Kết nối những thành công của những năm vừa qua thì sắp tới ngành KTTV sẽ triển khai những định hướng như thế nào trong công tác dự báo, cảnh báo thiên tai trong thời gian tới?

Tổng cục trưởng Trần Hồng Thái: Ngành KTTV vừa qua đã có sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường, đang từng bước hoàn thiện, nâng cấp hệ thống mạng lưới quan trắc, nâng cao tỷ lệ các trạm quan trắc tự động, hình thành hệ thống thông tin chuyên dùng để tổng hợp các cơ sở dữ liệu tập trung của ngành KTTV, đầu tư máy tính có hiệu năng cao, áp dụng công nghệ dự báo mang tính đột phá để bản tin dự báo của ngành KTTV có sự chuyển biến, từng bước đáp ứng được nhu cầu, độ tin cậy về tính kịp thời và hiệu quả đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.

Trong những năm tới ngành KTTV trước hết tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ của mình về công tác dự báo thiên tai trong 2021, từ nền tảng phát triển trong những năm qua, ngành KTTV đang xây dựng Chiến lược phát triển của ngành và kế hoạch phát triển trong 5 năm tới. Thông tin dự báo KTTV bên cạnh mục tiêu phục vụ thông tin phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn thì thông tin KTTV còn phải là thông tin đầu vào quan trọng phục vụ cho quy hoạch, kế hoạch chiến lược phát triển của tất cả các ngành kinh tế, các vùng lãnh thổ, đây là phương trâm, là định hướng của ngành. Mục tiêu đến năm 2030 ngành KTTV Việt Nam sẽ đạt được ở mức các nước phát triển khá trong khu vực, đến năm 2040-2045 phải đạt được đến trình độ tiên tiến trên thế giới. Đây là mục tiêu mà tôi cho rằng là khả thi và phù hợp vì trong 3 năm qua Việt Nam đã được công nhận là 1 trong 7 trung tâm hỗ trợ bão khu vực, đã đào tạo, chuyển giao công nghệ cảnh báo về sạt lở đất.

Bên cạnh việc tiếp tục đầu tư thay đổi phương thức hoạt động của các mạng lưới quan trắc, thì ngành KTTV sẽ tìm cách khắc phục tồn tại về mật độ các trạm quan trắc còn thưa chỉ bằng 1/5; 1/10 so với  các nước trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc. Công nghệ quan trắc vẫn còn tồn tại các trạm thủ công, mặc dù số lượng trạm quan trắc tự động trong thời gian qua đã được đầu tư tăng lên đáng kể, số trạm đo mưa nhân dân đã không còn nhưng việc nâng cao, tăng cường số lượng trạm tự động vẫn còn là vấn đề cần phải giải quyết bằng việc chuyển đổi công nghệ, thay đổi phương thức hoạt động, thay vì được xây dựng quản lý các trạm quan trắc thì trong thời gian qua ngành KTTV đã mạnh dạn đề xuất với Chính phủ thay đổi phương thức bằng hình thức xã hội hóa mạng lưới quan trắc KTTV. Đến nay, bước đầu đã thay thế được tương đối lớn bằng các trạm đo mưa tự động bằng hình thức xã hội hóa, thay vì đầu tư trang thiết bị, đầu tư con người, đầu tư kinh phí, đầu tư vận hành thì hiện nay phần việc này được được chuyển sang cho khối doanh nghiệp tư nhân, huy động nguồn lực xã hội theo chủ trương của Nhà nước. Mạng lưới quan trắc Việt Nam đã từng bước được hiện đại hóa với 10 trạm radar phục vụ hiệu quả cho công tác phục vụ dự báo, mạng lưới trạm dông sét và nhiều thiết bị hiện đại khác.

Tiếp đó ngành KTTV tập trung đầu tư là mạng lưới truyền tin hiện đại, số liệu kịp thời và hoạt động ổn định, cần có một mạng lưới truyền tin dự phòng để chủ động trong các tình huống xấu có thể xảy ra. Hiện nay, ngành KTTV cũng đang xây dựng chương trình cơ sở dữ liệu tập trung không chỉ cho ngành KTTV mà còn là tài nguyên số giá trị cho các ngành khác nhau.

PV: Nhân dịp này, ông có thể chia sẻ đôi nét về hoạt động hợp tác giữa ngành KTTV Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới?

Tổng cục trưởng Trần Hồng Thái: Trong những năm vừa qua, ngành KTTV Việt Nam đã tận dụng những cơ hội hợp tác quốc tế để nâng cao năng lực tương đối hiệu quả. Ngành đã thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước là một thành viên hết sức chủ động của Tổ chức Khí tượng Thế giới cũng như là của các tổ chức khu vực như Ủy ban Bão quốc tế, Ủy ban của ASEAN…đẩy mạnh hợp tác quốc tế song phương với nhiều nước, đã có những biên bản hợp tác phối hợp bình đẳng, hiệu quả với ngành KTTV các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Phần Lan…tiếp thu được rất nhiều công nghệ phục vụ dự báo. Tiến tới Việt Nam sẽ là đối tác chủ động hỗ trợ, phối hợp với các nước bạn như Lào, Campuchia…trong lĩnh vực dự báo và Việt Nam đã phần nào thực hiện tốt công tác là Trung tâm hỗ trợ dự báo khu vực. Hiện nay, chúng tôi đã thường xuyên cung cấp, cập nhật bản tin, tư vấn cho lãnh đạo Bộ tài nguyên và Môi trường của các nước Lào, Campuchia…trong công tác dự báo và phát triển lĩnh vực KTTV. Qua sự hợp tác với các nước, chúng ta sẽ có thêm số liệu, sự phối hợp để đưa ra các bản tin dự báo, cảnh báo tốt hơn cho khu vực và Đồng bằng sông Cửu long và những lưu vực sông xuyên biên giới. Đối với những nước trên thế giới, các trung tâm dự báo của Nhật Bản, Hồng Kông, Hoa Kỳ… là những kênh thông tin rất tốt để chúng ta khắc phục khó khăn khi chúng ta không có mạng lưới quan trắc trên biển và các khu vực rộng lớn, chúng ta có thể trực tiếp liên hệ để lấy thông tin những cơn bão đi qua các vùng lãnh thổ khác nhau trên đường đến Việt Nam để có thông tin đầu vào phục vụ cho các bản tin dự báo bão trước khi vào bờ chính xác và tin cậy hơn.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông./.

Tạp chí Khí tượng Thủy văn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: