Khắp nơi khổ sở vì nắng nóng

Đăng ngày: 15-06-2022 | Lượt xem: 1624
Các nhà khoa học nhận định biến đổi khí hậu khiến những sự kiện thời tiết cực đoan diễn ra mạnh mẽ và thường xuyên hơn

Một đợt nắng nóng đang bao phủ miền Nam và miền Trung nước Mỹ, với nhiệt độ dự kiến tăng lên trên 38 độ C và các chuyên gia cảnh báo người dân nên ở trong nhà.

Theo trang tin Axios, Cơ quan Thời tiết quốc gia Mỹ (NWS) hôm 13-6 cho biết nắng nóng ảnh hưởng đến hơn 125 triệu người tại hàng chục bang cho đến cuối tuần này, trong đó có Arkansas, Kentucky, Missouri, Mississippi, Illinois, Iowa, Indiana...

Cùng ngày, tại miền Tây nước Mỹ, lực lượng cứu hỏa ở một số bang, từ California đến New Mexico, tiếp tục chống chọi với các đám cháy rừng trong điều kiện thời tiết khô nóng và lộng gió. Theo thống kê, hiện có hơn 30 đám cháy rừng hoành hành tại 5 bang ở Mỹ.

Ở chiều ngược lại, mưa lớn kỷ lục và lở đá là nguyên nhân khiến Vườn Quốc gia Yellowstone (nằm ở các bang Wyoming, Montana, Idaho) phải đóng cửa từ ngày 13-6 đến ít nhất ngày 15-6. Giới chức địa phương đang đánh giá thiệt hại do mưa lũ gây ra đối với cầu đường và những cơ sở khác trước khi quyết định thời điểm mở cửa lại Vườn quốc gia Yellowstone cho du khách.

Các cộng đồng gần đó cũng chịu tổn thất do thiên tai. "Mưa rất lớn nhưng lũ lụt sẽ không tồi tệ như thế này nếu không có băng tuyết tan chảy. Đây là lần đầu tiên chúng tôi chứng kiến một trận lũ như vậy" - nhà khí tượng học Cory Mottice của NWS nói với AP.

Trời nắng nóng tại thị trấn Ardales (Tây Ban Nha) hôm 13-6 Ảnh: Reuters

Các nhà khoa học nhận định biến đổi khí hậu khiến những sự kiện cực đoan, như bão lũ, hạn hán, nắng nóng, cháy rừng..., diễn ra mạnh mẽ và thường xuyên hơn.

Chile là một quốc gia khác ở châu Mỹ đang gánh chịu hậu quả liên quan đến thời tiết cực đoan. Hạn hán kéo dài 13 năm và lượng mưa xuống thấp khiến hồ chứa Penuelas ở miền Trung trở nên khô hạn chưa từng có. Theo Reuters, hồ chứa này từng là nguồn nước chính của TP Valparaiso nhưng giờ hầu như không còn gì.

Hồ Laguna de Aculeo, nằm ở phía Nam thủ đô Santiago, hiện cũng cạn nước. Tình hình càng thêm u ám khi các nhà nghiên cứu tại Trường ĐH Chile dự báo nước này sẽ có ít hơn 30% nước trong vòng 30 năm tới.

Còn tại châu Âu, Tây Ban Nha và miền Nam nước Pháp trải qua đợt nắng nóng cực đoan thứ 2 kể từ đầu năm. Điều đáng nói là 2 nước này vừa trải qua tháng 5 nóng nhất từng được ghi nhận. Theo trang The Guardian, nhiệt độ cao có thể làm gia tăng thêm rắc rối liên quan đến năng lượng tại châu Âu khi nhu cầu làm mát gia tăng.

Tại Tây Ban Nha, đợt nắng nóng lần này được dự báo kéo dài đến ngày 16 hoặc 17-6, tức không lâu trước khi mùa hè chính thức bắt đầu từ ngày 21-6. Vào cuối tuần rồi, một số địa phương ở miền Trung và Nam nước này thậm chí ghi nhận nhiệt độ lên đến 40 độ C.

Thời tiết khô nóng còn có thể gây thêm sức ép lên các vùng đang chứng kiến mực nước của nhiều hồ chứa giảm xuống mức thấp. Trong khi đó, đợt nắng nóng tại miền Nam nước Pháp dự kiến lên đến đỉnh điểm trong giai đoạn từ ngày 16 đến 18-6, với nhiệt độ dao động từ 35 đến 38 độ C.

Trong bối cảnh đó, thiếu nước trở thành vấn đề ngày càng đáng lo khi chính quyền nhiều địa phương buộc phải ban hành quy định hạn chế sử dụng nước sinh hoạt.

Thân phận phụ nữ giữa thời tiết cực đoan

Nhiều phụ nữ mang thai và bà mẹ mới sinh ở TP Jacobabad - Pakistan đã phải làm việc dưới những cánh đồng hoặc trong căn bếp ngột ngạt với nhiệt độ có khi vượt 50 độ C. Một bà mẹ trẻ 5 con tên Nazia tử vong gần đây, nghi là đột quỵ do nắng nóng khi đang nấu ăn, theo Reuters. Jacobabad là thành phố nóng nhất trên trái đất với nhiệt độ được ghi nhận hôm 14-5 là 51 độ C.

Bà Cecilia Sorensen, Giám đốc Tổ chức Giáo dục sức khỏe và khí hậu toàn cầu của Trường ĐH Columbia (Mỹ) cho biết tác động ngày càng tăng của hiện tượng nóng lên toàn cầu đối với sức khỏe của phụ nữ ít được ghi nhận. Phụ nữ nghèo lại ít được tiếp cận chăm sóc y tế, phải làm việc ngay khi đang mang thai hay vừa sinh con. Riêng ở Pakistan, phụ nữ còn phải nấu ăn tại những nơi bí gió hoặc thiếu thiết bị làm mát.

Pakistan nói riêng và cả khu vực Nam Á nói chung đã chịu cái nóng bất thường nhiều tháng gần đây. Theo dự án nghiên cứu quốc tế World Weather Attribution, nắng nóng cực đoan thiêu đốt Ấn Độ và Pakistan hồi tháng 4 có nguy cơ lặp lại do biến đổi khí hậu. Nhiệt độ toàn cầu hiện đã cao hơn 1,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Khi nhiệt độ tiếp tục tăng, nắng nóng cực đoan dự báo cũng tăng theo.

Bộ trưởng về Biến đổi khí hậu Pakistan Sherry Rehman cho rằng các chính sách về biến đổi khí hậu trong tương lai cần phải chú ý đến các nhu cầu cụ thể của phụ nữ. Các chiến lược tiềm năng bao gồm trang bị bếp năng lượng sạch, thiết kế mái nhà chống nóng, cung cấp dịch vụ y tế và hỗ trợ xã hội cho phụ nữ vào những lúc trời mát mẻ, như vào sáng sớm hoặc buổi tối...

Anh Thư

Hoàng Phương

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/khap-noi-kho-so-vi-nang-nong-20220614213212167.htm

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: