Mùa đông khô cạn kỷ lục ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha

Đăng ngày: 15-02-2022 | Lượt xem: 1535
Hạn hán kéo dài kỷ lục ở cả hai quốc gia được xem như một phần của bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu.

Một mùa hạn hán kéo dài

Những ngôi nhà nhô lên khỏi mặt nước đã trở thành một cảnh tượng thường thấy vào mỗi mùa hè tại hồ chứa Lindoso ở tây bắc Tây Ban Nha. Trong những năm đặc biệt khô hạn, nhiều phần của ngôi làng cổ Aceredo sẽ xuất hiện, sau khoảng thời gian bị nhấn chìm cách đây ba thập kỷ, khi một đập thủy điện làm ngập thung lũng.

Nhưng chưa bao giờ ngôi làng này nổi lên nguyên vẹn vào giữa mùa đông, giữa tiết trời với bầu không khí ẩm ướt.

Ngôi làng cổ Aceredo hiện lên khi các hồ chứa dần cạn nước ở Tây Ban Nha. Ảnh: AP.

Đã gần như không có mưa trong suốt hai tháng, khiến tàn tích của ngôi làng Aceredo càng hiện lên rõ nét, khơi dậy nhiều cảm xúc cho người dân địa phương khi họ nhìn thấy xác những chiếc ô tô rỉ sét, đài phun nước bằng đá vẫn còn hoạt động và con đường mòn quen thuộc dẫn đến nơi từng là một quán bar địa phương.

“Nơi đây trước kia từng là những khu vườn trồng nho, trồng cam. Tất cả mọi thứ đều xanh tốt”, José Luis Penín, 72 tuổi, người thường ngồi lại quán bar với bạn bè khi câu cá cuối ngày, kể lại. “Hãy nhìn ngôi làng bây giờ mà xem. Thật đáng buồn”.

Một cái cây nổi lên do hạn hán tại hồ chứa Lindoso, phía tây bắc Tây Ban Nha. Ảnh: AP.

Trong khi các khu vực khô cằn của bán đảo Iberia trong lịch sử từng trải qua thời kỳ hạn hán, các chuyên gia cho rằng biến đổi khí hậu đã làm trầm trọng thêm vấn đề này. Năm nay, giữa bối cảnh lượng mưa thấp kỷ lục hoặc thậm chí không có mưa, người nông dân ở cả Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, những người đang trồng trọt cho toàn châu Âu, lo lắng rằng mùa màng của họ sẽ bị hủy hoại.

Trong ba tháng cuối năm 2021, Tây Ban Nha chỉ ghi nhận được 35% lượng mưa trung bình mà họ từng thấy trong cùng thời kỳ từ năm 1981 đến năm 2010. Nhưng hầu như không có mưa kể từ thời điểm đó.

Mái của một ngôi nhà cổ bị nhấn chìm cách đây ba thập kỷ khi một đập thủy điện làm ngập thung lũng. Ảnh: AP.

Theo cơ quan thời tiết quốc gia AEMET, ở thế kỷ này, chỉ trong năm 2005 mới có tháng Giêng hầu như không có mưa. Các nhà chức trách cho biết, nếu các đám mây không xuất hiện trong hai tuần tới, các khoản trợ cấp khẩn cấp cho nông dân là vô cùng cần thiết.

Rubén del Campo, phát ngôn viên của cơ quan thời tiết cho biết, lượng mưa dưới mức trung bình trong sáu tháng qua có thể sẽ tiếp tục trong vài tuần nữa.

Các hồ chứa trơ trọi ở Tây Ban Nha. Ảnh: AP.

Sức ảnh hưởng đến nông nghiệp

Trong khi chỉ có 10% diện tích Tây Ban Nha được chính thức tuyên bố đang trong tình trạng “hạn hán kéo dài”, thì nhiều khu vực rộng lớn hơn, đặc biệt là ở phía nam, đang phải đối mặt với tình trạng hạn hán cực kỳ nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến việc tưới tiêu cho cây trồng.

Những chiếc rễ cây được chụp ảnh gần ngôi làng cổ Aceredo ở tây bắc Tây Ban Nha. Ảnh: AP.

Thung lũng xung quanh sông Guadalquivir ở phía tây nam của Tây Ban Nha đã bị hạn hán kéo dài từ tháng 11/2021. Hiện khu vực này đang là tâm điểm của cuộc tranh chấp môi trường gay gắt về quyền đối với nước gần Công viên Quốc gia Donãna. Chính quyền của vùng Andalusia muốn cấp quyền sử dụng nước cho nông dân trên vùng đất gần công viên, nhưng các nhà phê bình cho rằng động thái này sẽ gây nguy hiểm cho các loài động vật hoang dã vốn đang sinh sống tại nơi khô cạn này.

Các khu vực khác ở miền trung và đông bắc Tây Ban Nha cũng đang cảm thấy bỏng rát. Hiệp hội nông dân và người chăn nuôi hàng đầu ở Tây Ban Nha, COAG, cảnh báo rằng một nửa số trang trại của Tây Ban Nha đang bị hạn hán đe dọa trong năm nay. Tổ chức cũng nhấn mạnh nếu trời không mưa nhiều trong tháng tới, các loại cây trồng phụ thuộc vào nước mưa bao gồm ngũ cốc, ô liu, các loại hạt và vườn nho có thể mất từ 60% đến 80% sản lượng.

Các hồ chứa trơ trọi ở Tây Ban Nha. Ảnh: AP.

Bên cạnh đó, hiệp hội cũng lo lắng về các cây trồng phụ thuộc vào thủy lợi, khi các hồ chứa đều dưới 40% dung tích ở hầu hết miền nam quốc gia này.

Chính phủ cánh tả của Tây Ban Nha có kế hoạch dành hơn 647 triệu USD từ quỹ phục hồi đại dịch của Liên minh châu Âu để làm cho hệ thống thủy lợi của họ hiệu quả hơn, bao gồm cả việc kết hợp các hệ thống năng lượng tái tạo.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Tây Ban Nha Luis Planas cho biết trong tuần này, chính phủ sẽ thực hiện các biện pháp khẩn cấp nếu trời không mưa trong hai tuần nhằm giảm bớt tình trạng mất mùa và cứu vãn doanh thu cho nông dân.

Hạn hán kéo dài khiến đất đai khô cằn, không thể trồng trọt. Ảnh: AP.

Nước láng giềng Bồ Đào Nha cũng đã ghi nhận lượng mưa rất ít kể từ tháng 10 năm ngoái. Theo cơ quan thời tiết quốc gia IPMA, đến cuối tháng 1, 45% đất nước đang phải chịu đựng các điều kiện hạn hán “khắc nghiệt” hoặc thậm chí “cực đoan”.

Lượng mưa từ ngày 1/10 đến tháng 1 thấp hơn một nửa so với mức trung bình hàng năm trong khoảng thời gian bốn tháng đó. Điều bất thường là ngay cả phía bắc của Bồ Đào Nha cũng khô hạn và cháy rừng đã bùng phát vào mùa đông.

Theo nhà khí hậu học IPMA Vanda Pires, Bồ Đào Nha đã chứng kiến sự gia tăng tần suất hạn hán trong vòng 20-30 năm qua, với lượng mưa thấp hơn và nhiệt độ cao hơn. “Đó là một phần của bối cảnh biến đổi khí hậu”.

Và viễn cảnh tương lai thật ảm đạm: Các nhà khoa học ước tính rằng Bồ Đào Nha sẽ chứng kiến lượng mưa trung bình hàng năm giảm từ 20% đến 40% vào cuối thế kỷ này.

Người dân ngắm nhìn ngôi làng cổ Aceredo nổi lên khỏi mặt nước do hạn hán kéo dài ở Tây Ban Nha. Ảnh: AP.

Mai Nguyễn (Theo AP)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/mua-dong-kho-can-ky-luc-o-tay-ban-nha-va-bo-dao-nha-5679664.html

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: