Thị trấn Glenorchy trên hồ Wakatipu và sông Otago, New Zealand. Ảnh: Reuters
Theo NIWA, nhiệt độ trung bình hằng ngày trong tháng 6 vừa qua ở New Zealand là 10,6 độ C - cao hơn 1,9 độ C so với nhiệt độ trung bình tháng 6 hằng năm, dù có một đợt lạnh vào cuối tháng.
Nhà khoa học Chris Brandolino thuộc NIWA cho biết kể từ năm 1909, chỉ có 13 lần New Zealand ghi nhận mốc nhiệt bất thường như vậy. Tuy nhiên, "điều đáng báo động" là trong đó có 6 lần nền nhiệt cao bất thường trong 10 năm trở lại đây. Ngoài các yếu tố ngắn hạn như nhiệt độ đại dương ấm lên làm tăng nhiệt độ tại New Zealand, thì tình trạng biến đổi khí hậu là yếu tố chính gây tác động lâu dài.
Theo nhà khoa học Brandolino, khối không khí di chuyển theo hướng Đông Bắc (từ Thái Bình Dương) nhiều hơn so với thông thường và đó là không khí đến từ vùng có thời tiết ấm hơn. Khối khí này kết hợp với nhiệt độ đại dương tăng, di chuyển trong tình trạng biến đổi khí hậu là các nguyên nhân đã khiến nhiệt độ tháng 6 tại New Zealand tăng lên mức kỷ lục.
Năm 2020 New Zealand đã trải qua năm nắng nóng gay gắt với nhiệt độ trong ngưỡng 10 mức nhiệt độ cao nhất ở nước này từ trước đến nay. Trước tình hình này, Thủ tướng New Zealand Jacindar Ardern đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về khí hậu và nhấn mạnh rằng cần hành động ngay để bảo vệ các thế hệ tương lai.
New Zealand cam kết đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 và đến năm 2035 sẽ sử dụng hoàn toàn năng lượng tái sinh.
Theo Thông tấn xã