Các thiên tai liên quan đến nước như lũ lụt và hạn hán đang gia tăng do biến đổi khí hậu. Số người chịu thiệt hại do những thiên tai này dự kiến sẽ tăng cao, trầm trọng hơn do dân số tăng. Bên cạnh đó, công tác quản lý, giám sát, dự báo và cảnh báo sớm còn rời rạc và thiếu chặt chẽ, trong khi các nỗ lực tài chính khí hậu toàn cầu vẫn không đủ theo một báo cáo mới nhất.
Theo báo cáo về Dịch vụ Khí hậu năm 2021 của WMO: Khủng hoảng về nước cho thấy nhu cầu cấp bách về hành động khẩn cấp để cải thiện các công tác quản lý nước, bằng việc áp dụng các chính sách sử dụng nguồn nước nước và khí hậu cũng như mở rộng quy mô đầu tư vào nguồn tài nguyên quý giá này, nền tảng của tất cả các mục tiêu quốc tế về phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai.
Báo cáo về Dịch vụ Khí hậu năm 2021 của WMO cho thấy khủng hoảng về nguồn nước đang gia tăng trên toàn cầu
Tổng thư ký Tổ chức Khí tượng Thế giới, Giáo sư Petteri Taalas cho biết: “Nhiệt độ tăng lên khiến lượng mưa toàn cầu và khu vực thay đổi, dẫn đến sự thay đổi về mô hình mưa và canh tác nông nghiệp, gây ra tác động lớn đến an ninh lương thực, sức khỏe con người và hạnh phúc”.
“Năm vừa qua đã chứng kiến sự tiếp nối của các sự kiện cực đoan liên quan đến nước. Trên khắp châu Á, lượng mưa cực lớn đã gây ra lũ lụt lớn ở Nhật Bản, Trung Quốc, Indonesia, Nepal, Pakistan và Ấn Độ. Hàng triệu người đã phải di dời và khiến hàng trăm người thiệt mạng. Không chỉ ở các nước đang phát triển, lũ lụt đã dẫn đến sự gián đoạn lớn với các hoạt động của nhiều nơi khác trên thế giới. Theo Giáo sư Petteri Taalas, lũ lụt thảm khốc ở châu Âu đã dẫn đến hàng trăm người chết và thiệt hại trên diện rộng trong nhiều năm.
“Thiếu nước tiếp tục là nguyên nhân chính gây lo ngại cho nhiều quốc gia, đặc biệt là ở châu Phi. Hơn hai tỷ người sống ở các quốc gia gặp phải các sự thiếu hụt về nước và không được tiếp cận với nước uống và vệ sinh an toàn, ” Giáo sư Petteri Taalas chia sẻ trong một sự kiện.
Giáo sư Taalas cũng nhấn mạnh: “Chúng ta cần cảnh giác với cuộc khủng hoảng nước đang bùng phát”. Theo số liệu được trích dẫn trong báo cáo, 3,6 tỷ người không được tiếp cận với nước ít nhất một tháng vào năm 2018. Đến năm 2050, con số này dự kiến sẽ tăng lên hơn năm tỷ người. Trong 20 năm qua, trữ lượng nước trên cạn - tổng lượng nước trên bề mặt đất và dưới bề mặt, bao gồm độ ẩm của đất, tuyết và băng - đã giảm với tốc độ 1cm mỗi năm. Những thiệt hại lớn nhất đang xảy ra ở Nam Cực và Greenland, nhưng nhiều địa điểm dân cư ở vĩ độ thấp hơn đang bị mất nước đáng kể ở những khu vực truyền thống cung cấp nước, gây ảnh hưởng lớn đến an ninh nguồn nước. Tình hình đang trở nên tồi tệ hơn khi chỉ có 0,5% lượng nước trên Trái đất là nước ngọt có thể sử dụng được và sẵn có. Các mối nguy liên quan đến nước đã gia tăng tần suất trong 20 năm qua. Kể từ năm 2000, các thảm họa liên quan đến lũ lụt đã tăng 134% so với hai thập kỷ trước. Hầu hết các trường hợp tử vong và thiệt hại kinh tế liên quan đến lũ lụt được ghi nhận ở châu Á, nơi các hệ thống cảnh báo về lũ lụt ven sông cần được tăng cường.
Bản đồ thể hiện các điểm nóng thiếu nguồn nước trên toàn cầu
Số lượng và thời gian hạn hán cũng tăng 29% so với cùng kỳ. Hầu hết các trường hợp tử vong liên quan đến hạn hán xảy ra ở châu Phi, cho thấy sự cần thiết của các hệ thống cảnh báo sớm mạnh mẽ hơn đối với hạn hán ở khu vực đó.
Quản lý tổng hợp tài nguyên nước (IWRM) là yếu tố quan trọng để đạt được hạnh phúc xã hội, kinh tế và môi trường lâu dài. Tuy nhiên, bất chấp một số tiến bộ, 107 quốc gia vẫn chưa đạt được mục tiêu quản lý bền vững tài nguyên nước của họ vào năm 2030.
Nhìn chung, thế giới đang chậm tiến độ nghiêm trọng trong Mục tiêu Phát triển Bền vững số 6 của Liên hợp quốc (SDG 6) nhằm đảm bảo quản lý bền vững nước và vệ sinh cho tất cả mọi người. Vào năm 2020, 3,6 tỷ người thiếu các dịch vụ vệ sinh được quản lý an toàn, 2,3 tỷ người thiếu các dịch vụ vệ sinh cơ bản và hơn 2 tỷ người sống ở các quốc gia bị căng thẳng về nước và không được tiếp cận với nước uống an toàn.
75 quốc gia báo cáo mức hiệu quả sử dụng nước dưới mức trung bình, trong đó có 10 quốc gia có mức cực kỳ thấp. Tốc độ tiến bộ hiện tại cần phải tăng gấp bốn lần để đạt được các mục tiêu toàn cầu vào năm 2030.
Điều đáng mừng là các quốc gia đang quyết tâm cải thiện tình hình. Theo Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), nước và lương thực là hai vấn đề ưu tiên hàng đầu cho Thỏa thuận Paris, trong đó các quốc gia nhấn mạnh sự cần thiết của việc tăng cường các dịch vụ khí hậu đối với nước.
Biên dịch: Thanh Tâm
Link: https://public.wmo.int/en/media/press-release/wake-looming-water-crisis-report-warns