“Tôi ở trong căn hộ mà thấy nhà rung mạnh, cảm tưởng như đang trong trận bão cát vậy. Ngày nào tôi cũng cầu mong cho bão chóng qua. Bạn của tôi ở khu nhà sinh viên phía nam bị cắt điện hơn một ngày, phải mặc nhiều quần áo và bật bếp để sưởi ấm”, Trịnh Vi - sinh viên ở hạt Amherst, phía bắc thành phố Buffalo - kể với Zing vào khoảng 23h ngày 25/11 (giờ địa phương).
Trong những ngày cơn bão hoành hành, chị Vi cho biết mình không gặp phải tình trạng mất điện và sưởi do sống tại căn hộ của trường. Tuy nhiên, chị vẫn có cảm giác lo sợ trước cơn bão tuyết có cường độ mạnh hiếm thấy.
Trong khi đó, khu vực nơi chị Quỳnh Đặng sống ở phía nam Long Island - cách trung tâm Manhattan gần một tiếng lái xe - không có tuyết nhưng gió vẫn giật mạnh và nhiệt độ xuống thấp.
“Hôm 23/12 gió giật rất mạnh. Đến trưa 24/12 thì ứng dụng dự báo thời tiết có ghi là -18 độ C, cảm nhận như -25 độ C”, chị nói. Với 9 năm trải qua mùa đông ở khu vực xung quanh thành phố New York, chị Quỳnh cho biết chỉ có 2 năm là nhiệt độ xuống -25 độ C khoảng vài ngày vào cuối tháng 1.
“Năm nào Buffalo cũng bị bão tuyết nặng nhất tiểu bang. Nhưng năm nay bão tuyết đến sớm một tháng và nhiều người thiệt mạng”, chị nói thêm.
Bão tuyết hôm 23/12 trải dài từ Canada và tiến xa về phía nam tới tận Rio Grande, khiến ít nhất 50 người thiệt mạng trên toàn nước Mỹ. Khoảng 60% dân số Mỹ phải đối mặt với những lời khuyên hoặc cảnh báo liên quan đến thời tiết khắc nghiệt. Nhiệt độ giảm mạnh từ phía đông dãy núi Rocky đến vùng núi Appalachia, theo Cơ quan Khí tượng Quốc gia Mỹ.
Khu vực xung quanh Buffalo, ở ngoại ô New York, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Hôm 26/12, Buffalo ghi nhận 25 người chết. Những người thiệt mạng được tìm thấy trong ôtô, các căn nhà và những đống tuyết bên đường, trong đó một số người đã qua đời khi đang dọn tuyết.
Dù đã quen với cái lạnh sau nhiều năm sống ở Mỹ, nhiều người Việt khác cũng phải chật vật trước ảnh hưởng của cơn bão tuyết lịch sử này.
Không mở được cửa vì tuyết lấp kín
Trước đó, Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ (NWS) cảnh báo với cơn bão ngày 23/12, Buffalo trải qua trận bão tuyết “nguy hiểm đến tính mạng”, “rất hiếm gặp” và “làm tê liệt” thành phố.
Theo NWS, vào sáng 25/12, tuyết đã dày thêm 0,3-0,9 m. Don Paul, nhà khí tượng học của CBS tại Buffalo, cho biết trong 38 năm sống tại khu vực này, ông chưa từng chứng kiến trận bão tuyết tương tự.
“Trận bão tuyết năm 1985 đã làm tê liệt thành phố, nhưng (cơn bão lần này) mới là tồi tệ nhất”, ông viết. “Cơn bão năm 1985 có sức gió giật trên 50 km/h. Cơn bão lần này có sức gió trên 65 km/h, có lúc trên 70 km/h. Đó là con quái vật”.
Chị Vi cho biết bản thân tuân thủ cảnh báo của chính quyền địa phương và tích trữ nhu yếu phẩm đủ cho 2 tuần trước khi cơn bão tiến vào thành phố.
“Chính quyền bang ban bố tình trạng khẩn cấp và khuyến cáo người dân không ra đường. Mọi người cũng được khuyến cáo chuẩn bị đồ dùng thiết yếu muộn nhất một ngày trước khi xảy ra bão tuyết và phải chuẩn bị đủ nhu yếu phẩm dự trữ cho 2 tuần”, chị chia sẻ.
Đợt bão tuyết chết chóc làm tê liệt thành phố Buffalo, bang New York trong dịp Giáng sinh. Ảnh: NVCC.
Chị Vi cho biết hầu hết đều ở trong nhà 3 ngày bão. “Đến ngày thứ 4, sáng dậy không mở được cửa vì tuyết dày lấp kín”, chị nói thêm.
Tuy cường độ của cơn bão đã giảm xuống, chị Vi nói bản thân vẫn đang mắc kẹt tại khu nhà do tình trạng tuyết rơi dày. “Tôi vẫn bị mắc kẹt trong nhà. Chỉ mong mấy ngày nữa trời nắng tuyết sẽ tan, mọi thứ trở lại như bình thường”, chị Vi cho biết.
Trong căn hộ tại trường của chị Vi, phần lớn sinh viên bản địa đã về nhà khi học kì kết thúc vào ngày 17/12 nên chủ yếu chỉ còn du học sinh. “Rất may các bạn đều đã ở Mỹ khá lâu nên không quá sợ hãi lần bão tuyết này. Tuy nhiên, mọi người bất ngờ vì ở New York cũng có thể mất điện diện rộng lâu như vậy”, chị chia sẻ.
Với chị Quỳnh, do chủ động theo dõi ứng dụng dự báo thời tiết, nên chị đã biết trước một tuần thời tiết sẽ lạnh tới vậy. “Tôi đã dời lại các cuộc hẹn để tránh ra đường hôm 23 và 24/12”, chị nói. “Nếu cần ra ngoài, tôi sẽ mặc nhiều lớp, giữ ấm da mặt, ngón tay, ngón chân để tránh bỏng lạnh”
Tuyết lấp kín cửa phòng nơi bạn chị Vi ở. Ảnh: NVCC.
Trong khi đó, dù không sinh sống trong khu vực nơi cơn bão tuyết “quái vật” trực tiếp quét qua, anh Đức Anh - người Việt đang sinh sống tại bang Tennessee - vẫn cảm nhận rõ ảnh hưởng.
“Ở khu vực tôi sống đã có 1-2 người chết vì lạnh. Các chuyến bay bị hủy rất nhiều. Tôi đã quen với cái lạnh tại New York nên cũng không quá bất ngờ. Tuy nhiên, trong đợt lạnh này người dân phải sử dụng lượng điện lớn để sưởi ấm, nên khu vực đang bị thiếu điện”, anh Đức Anh cho hay. Do vậy, chính quyền đang yêu cầu người dân hạn chế việc sử dụng điện, anh cho biết.
Chị Quỳnh cũng tính tới trường hợp mất điện. “Nhà tôi hiện may mắn không bị mất điện. Tối 23/12 gió giật mạnh, tôi có lường đến trường hợp mất điện vài tiếng. Nếu mất điện lâu hơn, chắc tôi sẽ sang ở nhờ nhà người quen”, chị nói thêm.
Ngoài ra, chị Quỳnh nói do gần bờ sông, sáng 23/12, nước dâng lên ngập một đoạn đường quan trọng nên giới chức địa phương đã đóng đường nửa ngày để sửa chữa: “Nhiều chỗ ở quận Nassau cũng bị ngập tương tự”.
Kế hoạch đón Giáng sinh đổ bể
Anh Đức Anh chia sẻ thời tiết khắc nghiệt bất ngờ làm ảnh hưởng đến kế hoạch trong dịp lễ Giáng Sinh. 3 ngày trước, anh định đi Canada nhưng vì thời tiết quá lạnh, và hàng nghìn chuyến bay bị hoãn, anh đã phải dừng kế hoạch này.
Nhiều tỉnh của Canada giáp biên giới với Mỹ cũng chịu ảnh hưởng nặng nề, chẳng hạn Vancouver, Quebec. “Trong đợt bão này, tai nạn giao thông cũng xảy ra nhiều hơn do đường trơn trượt, gây ách tắc, kẹt xe”, anh Đức Anh cho hay.
Sự hình thành của "bom lốc xoáy". Đồ họa: BBC. Việt hóa: Bảo Châu.
Anh Đức Anh chia sẻ bản thân có chút không vui khi nhiều kế hoạch Giáng Sinh bị hủy, tuy nhiên anh nhận thấy đây là quyết định đúng đắn. “Bão tuyết mạnh và khó lường, nên việc đi lại sẽ không an toàn”.
Giống với nhiều người Việt khác đang sống trong khu vực chịu ảnh hưởng, anh Đức Anh cho biết bản thân không muốn tình trạng bão tuyết kéo dài. “Hết tuần này tôi sẽ quay trở lại làm việc. Nếu thời tiết cứ lạnh như vậy sẽ khiến mọi thứ khó khăn hơn, vì không ai muốn ra khỏi nhà cả”, anh nói.
Còn với chị Vi, tuy cuộc sống có gặp nhiều khó khăn trong những ngày qua, cộng đồng du học sinh người Việt tại Mỹ vẫn luôn đoàn kết và hỗ trợ lẫn nhau.
“Chúng tôi vẫn hỏi thăm tin tức của nhau và sẵn sàng giúp đỡ khi cần thiết, nhưng không phải chỉ mỗi người Việt. Những người yêu cầu trợ giúp trên mạng xã hội đã được nhiều người hỗ trợ như cho ở nhờ nhà”, du học sinh này nói.
Phương Hải Vân - An Bình