Tuy nhiên, gánh nặng phát triển các tòa nhà mới, cảng biển, khu công nghiệp và cơ sở hạ tầng cho giao thông cũng như việc khai thác nguồn nước ngầm không được kiểm soát khiến việc sụt lún diễn ra nhanh hơn. Thủ đô Jakarta của Indonesia đang là một trong những đô thị chìm nhanh nhất trên thế giới. Mỗi năm thành phố này bị chìm từ 1 đến 15 cm. Nếu điều này không được kiểm soát, Jakarta có thể bị ngập hoàn toàn vào năm 2050, ông Joga cảnh báo.
Nghiên cứu của nhóm khoa học môi trường Indonesia cũng cho rằng 80% diện tích khu vực Đông Nam Á bao phủ bởi nước, do đó, khu vực này thường xuyên phải đối mặt với các thảm họa liên quan đến nước như lũ lụt, lốc xoáy và bão. Những thảm họa thiên tai trên ngày càng gia tăng do biến đổi khí hậu.
Có thể dẫn ví dụ từ Bangkok (Thái Lan), khi mà đô thị này được hình thành trên vùng đầm lầy với cao độ chỉ khoảng 1,5 m so với mực nước biển. Hiện Bangkok cũng đang chìm xuống khoảng 2 cm mỗi năm. Theo cảnh báo của Tổ chức Hòa bình xanh Thái Lan, ước tính 40% diện tích Bangkok sẽ chìm trong nước vào năm 2030 nếu không có kế hoạch nào được thực hiện để ngăn chặn việc sụt lún đất.
Tương tự, Manila - thủ đô của Philippines cũng “chìm xuống” với tốc độ 10 cm mỗi năm, đa phần là do sử dụng mạch nước ngầm ồ ạt.
Theo Báo Đại đoàn kết