Rủi ro gia tăng

Đăng ngày: 20-03-2022 | Lượt xem: 2025
Trong 50 năm qua, đã có hơn 11 000 thiên tai liên quan đến thời tiết, khí hậu và nước được báo cáo, gây ra hơn 2 triệu người chết và thiệt hại kinh tế vào khoảng 3,64 nghìn tỷ đô la Mỹ. Con số này chia theo mức trung bình ngày trên toàn cầu là 115 người chết và thiệt hại về kinh tế 202 triệu USD.

Theo Bản đồ Altas của WMO về Tỷ lệ tử vong và Tổn thất Kinh tế do cực đoan thời tiết, khí hậu và nước trong giai đoạn 1970-2019, số lượng thiên tai đã tăng gấp 5 lần từ năm 1970 đến năm 2019. Thiệt hại kinh tế thậm chí còn tăng nhiều hơn gấp 7 lần.

Tuy nhiên, nhờ các chiến lược cảnh báo sớm và giảm thiểu rủi ro thiên tai được cải thiện, số người chết đã giảm gần như là 3 lần kể từ năm 1970.

Hạn hán đã cướp đi nhiều sinh mạng nhất trong 50 năm qua, đặc biệt là ở châu Phi. Ước tính có khoảng 450.000 người chết liên quan đến hạn hán ở Ethiopia và Sudan vào năm 1983. Bão đã gây ra số thương vong lớn thứ hai, đặc biệt là ở châu Á (một cơn bão đã giết chết 300.000 người ở Bangladesh vào năm 1970 và một cơn khác cướp đi 140.000 sinh mạng năm 1991).

Thật không may, những người nghèo bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Xấp xỉ chín trong số mười trường hợp tử vong là ở các nước đang phát triển.

Bão gây ra thiệt hại kinh tế lớn nhất trong 50 năm qua, sau đó là lũ lụt. Bão Katrina, đổ bộ vào Hoa Kỳ năm 2005, là thảm họa gây thiệt hại kinh tế lớn nhất, với thiệt hại đáng kinh ngạc là 163,61 tỷ USD. Ba thiên tai gây thiệt hại kinh tế lớn nhất đứng tiếp sau đều xảy ra vào năm 2017 (Bão Harvey, Maria và Irma).

Chúng ta thưởng xuyên phải đối mặt với đa thiên tai xảy ra cùng lúc, với các tác động nối tiếp nhau lên cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, giao thông, năng lượng và hệ thống y tế.

Điều này được minh chứng bởi vụ phun trào núi lửa dưới nước và dẫn đến sóng thần ở quốc đảo Tonga ở Thái Bình Dương vào tháng 1 năm 2022. Ngoài sự tàn phá về người và của, người dân Tonga còn phải đối mặt với các mối đe dọa tới sức khỏe từ tro núi lửa và khí gas. Năng lực ứng phó đã bị suy giảm vào đỉnh điểm của mùa bão hàng năm. Áp suất và sóng thủy triều là kết quả của vụ nổ đã đi khắp thế giới, với nhiều tác động bao gồm cả sự cố tràn dầu ngoài khơi bờ biển Peru.

Bão nhiệt đới Batsirai đã đổ bộ vào Madagascar vào tháng 2 năm 2022, đã đánh dấu lại những hiểm họa chồng chất từ những cơn gió mạnh và mưa lớn, gây thương vong, tàn phá, lũ lụt ven biển và nội địa, sạt lở bùn-đất.

Các đợt sóng nhiệt thường liên quan đến hạn hán, chất lượng không khí kém và cháy rừng - kéo theo sau đó, có thể làm tăng thêm nguy cơ lũ quét trong các đợt mưa.

Do đó, các tác động của thời tiết khắc nghiệt và biến đổi khí hậu đã trở thành những tác nhân hàng đầu gây ra khủng hoảng lương thực, di dời và di cư cũng như mất an ninh kinh tế xã hội. COVID-19 đã tạo thêm một lớp phức tạp đối với việc quản lý thiên tai và làm gia tăng đáng kể gánh nặng cho các cơ sở y tế.

Năm 2020,  theo Văn phòng Giảm thiểu rủi ro thiên tai của Liên hợp quốc, ước tính có khoảng 30 triệu người phải di dời do các thảm họa liên quan đến thời tiết. Đại dịch kết hợp với các hiện tượng thời tiết nguy hiểm bao gồm hạn hán đang gây ra những tác động tàn khốc đối với nạn đói nghèo trên toàn cầu. Năm 2022 2,3 tỷ người không được tiếp cận đầy đủ lương thực trong năm.

Tăng chi phí kinh tế xã hội gây nguy hiểm cho sự phát triển bền vững. Xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục khi con người, tài sản và cơ sở hạ tầng phải chịu rủi ro từ việc đô thị hóa và kết nối toàn cầu của chúng ta. Đến năm 2030, ước tính khoảng 50% dân số thế giới sẽ sống ở các khu vực ven biển hứng chịu lũ lụt, bão và sóng thần.

Do đó, cộng đồng WMO đang nỗ lực nâng cao năng lực để xác định và giảm thiểu các rủi ro liên quan đến các hiện tượng cực đoan như trên. Một sáng kiến mới, "Lập danh mục các Sự kiện Thời tiết Nguy hiểm, Khí hậu, Nước và Không gian" sẽ củng cố nền tảng thống kê cho phát triển, lập kế hoạch và phòng chống của quốc gia, đồng thời cung cấp một nền tảng vững chắc để hiểu về mức độ phơi nhiễm và tác động của mối nguy hiểm.

Tạp chí KTTV

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: