Tại Mỹ, các khu vực phía Bắc Texas đang bị sa lầy trong những cơn mưa xối xả gây lũ quét ngay giữa một đợt hạn hán cực đoan.
Sông Dương Tử của Trung Quốc đang khô cạn chỉ 1 năm sau trận lụt chết người và toàn đất nước đang phải hứng chịu đợt nắng nóng dài kỷ lục đã bước sang tháng thứ 3. Ở miền Tây Trung Quốc, một trận mưa như trút lại vừa khiến hơn chục người thiệt mạng.
Trong khi vùng sừng châu Phi hạn hán tàn khốc, những quốc gia lân cận đang khổ sở vì lũ quét, châu Âu năm ngoái phải hứng chịu đại hồng thủy kỷ lục, năm nay lại đón đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong 500 năm.
Đất đai khô cằn bên bờ sông Dương Tử ở địa phận Trùng Khánh ngày 20-8, nơi đón lũ dữ vào thời điểm này năm ngoái. Ảnh: REUTERS
Các nhà khoa học cho rằng có 2 cách mà biến đổi khí hậu đã khiến con người đối diện với thảm họa kép hạn hán - lũ lụt.
Theo nhà khoa học khí hậu Daniel Swain từ Trường ĐH California ở Los Angeles - Mỹ, cách lý giải thứ nhất là khí quyển ấm lên đã biến nó thành miếng bọt biển: thêm mỗi độ C, chứa nước nhiều hơn 7%. Nó hút nhiều nước hơn ở một số nơi. Khi hệ thống thời tiết di chuyển, đến một giới hạn nào đó, nó sẽ trút ồ ạt số nước này vào nơi khác, hoặc có thể ngay tại nơi mà nó từng hút cạn.
Cách lý giải thứ 2 là "sông khí quyển". Sông khí quyển là một dải mây khổng lồ, mang cực nhiều hơi ẩm lấy từ khu vực này đem đổ xuống khu vực khác. Khi mô hình này được khuếch đại, những thảm họa trở nên thường xuyên hơn.
Lũ lụt không cứu nổi hạn hán vì đất khô cằn khó thấm nước, và cũng vì không được thấm nên nước càng dễ bốc hơi hơn, hỗ trợ cho sự tàn khốc của cả 2 mô hình khí hậu "miếng bọt biển" lẫn sông khí quyển. Như vậy lũ lụt và hạn hán liên tục làm tồi tệ thêm tình trạng của nhau trong một vòng luẩn quẩn một khi biến đổi khí hậu vẫn được thúc đẩy bởi con người.
Anh Thư
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/the-gioi-don-mua-he-chao-dao-20220824213132352.htm