Vào năm ngoái, trong một báo cáo trước hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 ở Glasgow, Liên Hợp Quốc đã nhấn mạnh "tính dễ bị tổn thương" của châu Phi do mất an ninh lương thực, nghèo đói và sự di cư của nhiều người dân. Theo Josefa Leonel Correia Sacko, Ủy viên phụ trách kinh tế các khu vực nghèo của Ủy ban Liên minh Châu Phi: “Đến năm 2030, ước tính có tới 118 triệu người cực kỳ nghèo sẽ phải chịu ảnh hưởng của hạn hán, lũ lụt và nắng nóng khắc nghiệt ở châu Phi”. Theo báo cáo của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), những người cực kỳ nghèo là những người sống với mức dưới 1,90 USD mỗi ngày.
Trong phần mở đầu của báo cáo, bà Sacko cho biết “Ở khu vực châu Phi cận Sahara, biến đổi khí hậu có thể làm giảm tổng sản phẩm quốc nội tới 3% vào năm 2050. Không những vậy số người bị ảnh hưởng cũng sẽ ngày càng tăng".
Các khu vực Châu Phi đang phải hứng chịu nhiều thiệt hại từ sự gia tăng của biến đổi khí hậu
Tổng thư ký WMO Petteri Taalas cho biết, năm ngoái, châu Phi chứng kiến nhiệt độ tiếp tục gia tăng, hiện tượng này đã "đẩy nhanh mực nước biển dâng" cũng như các hiện tượng thời tiết cực đoan khác như lũ lụt, lở đất và hạn hán, tất cả các hiện tượng của biến đổi khí hậu. Ông cho biết thêm "Sự co lại nhanh chóng của các sông băng cuối cùng còn sót lại ở phía đông châu Phi, dự kiến sẽ tan chảy hoàn toàn trong tương lai gần, báo hiệu mối đe dọa về sự thay đổi sắp xảy ra và không thể khắc phục với Trái đất”.
Báo cáo cho biết, khối lượng đất liền và vùng nước của châu Phi ấm lên nhanh chóng hơn mức trung bình của thế giới vào năm ngoái. Xu hướng ấm lên trong 30 năm từ 1991-2020 cao hơn so với giai đoạn 1961-1990 ở tất cả các khu vực của châu Phi. Tỷ lệ mực nước biển dâng dọc theo các bờ biển nhiệt đới và nam Đại Tây Dương cũng như dọc theo Ấn Độ Dương cao hơn mức trung bình của thế giới. Mặc dù không đóng vai trò là nguồn dự trữ nước đáng kể, nhưng các sông băng của châu Phi có giá trị du lịch và khoa học cao nhưng vẫn đang rút lui với tốc độ cao hơn mức trung bình toàn cầu.
Báo cáo cho biết: “Nếu điều này tiếp tục, nó sẽ dẫn đến hiện tượng mất băng hoàn toàn vào những năm 2040”. Để tránh chi phí cứu trợ thiên tai cao hơn, WMO kêu gọi các nước châu Phi đầu tư vào "cơ sở hạ tầng khí tượng thủy văn và hệ thống cảnh báo sớm để chuẩn bị cho các sự kiện nguy hiểm có tác động cao leo thang." Hệ thống sẽ hỗ trợ mở rộng quyền truy cập vào các hệ thống cảnh báo sớm và thông tin về giá lương thực và thời tiết, bao gồm cả tin nhắn văn bản hoặc tin nhắn thoại đơn giản để thông báo cho nông dân biết. Báo cáo cho biết: “Việc thực hiện nhanh chóng các chiến lược thích ứng của châu Phi sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế và tạo ra nhiều việc làm hơn để hỗ trợ phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.
Biên dịch: Thanh Tâm