Tác động của biến đổi khí hậu và thời tiết khắc nghiệt trên khắp châu Á vào năm 2020 đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người, buộc hàng triệu người khác phải di dời và thiệt hại hàng trăm tỷ đô la cho cơ sở hạ tầng và hệ sinh thái. Theo một báo cáo mới của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), sự phát triển bền vững đang bị đe dọa, với tình trạng mất an ninh lương thực và nước, rủi ro sức khỏe và suy thoái môi trường đang gia tăng.
Báo cáo Tình hình Khí hậu ở Châu Á 2020 cung cấp một cái nhìn tổng quan về nhiệt độ đất liền và đại dương, lượng mưa, sự rút băng của sông băng, băng biển co lại, mực nước biển dâng và thời tiết khắc nghiệt. Báo cáo cũng nghiên cứu các tác động kinh tế xã hội trong một năm khi khu vực này cũng đang phải vật lộn với đại dịch COVID-19.
Bản tin về Khí hậu hậu Châu Á năm 2020 cho thấy thế giới đang đối mặt với thiên tai ngày càng khắc nghiệt hơn
Báo cáo cho thấy mọi nơi ở châu Á đã bị ảnh hưởng như thế nào, từ đỉnh núi Himalaya đến các vùng ven biển thấp, từ các thành phố đông dân cư đến sa mạc và từ Bắc Cực đến biển Ả Rập. “Các hiểm họa về thời tiết và khí hậu, đặc biệt là lũ lụt, bão và hạn hán, đã tác động đáng kể đến nhiều quốc gia trong khu vực, ảnh hưởng đến nông nghiệp và an ninh lương thực, góp phần làm gia tăng tình trạng di dời và dễ bị tổn thương của người di cư, người tị nạn và người phải di dời, làm trầm trọng thêm các rủi ro về sức khỏe” theo Giáo sư Petteri Taalas, Tổng thư ký WMO. Ông cho biết thêm: “Tóm lại, những tác động này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển bền vững lâu dài cho các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc và các Mục tiêu Phát triển Bền vững”.
Báo cáo cũng kết hợp các ý kiến đóng góp từ nhiều đối tác bao gồm Ủy ban Kinh tế và Xã hội của Liên hợp quốc về Châu Á - Thái Bình Dương (ESCAP) và các cơ quan khác của Liên hợp quốc, các dịch vụ khí tượng thủy văn quốc gia cũng như các nhà khoa học hàng đầu và các trung tâm khí hậu. Báo cáo được công bố trước Hội nghị Biến đổi Khí hậu của LHQ, COP26, là một trong những phân tích khu vực nhằm cung cấp thông tin cho các nhà hoạch định chính sách và các nhà đầu tư của khu vực và quốc gia.
Bà Armida Salsiah Alisjahbana, Thư ký Điều hành UNESCAP cho biết: “Giữa đại dịch, các quốc gia đang phải hứng chịu hàng loạt thảm họa và phải đối phó với những tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Dưới 10% các mục tiêu phát triển bền vững SDGs có thể đạt được vào năm 2030”.
(còn nữa)
Biên dịch: Thanh Tâm