Trạm Khí tượng Hải văn Cồn Cỏ: Nơi đầu sóng, ngọn gió

Đăng ngày: 18-03-2021 | Lượt xem: 4064
Thực hiện nhiệm vụ của mình, các trạm khí tượng, trạm thủy văn luôn đảm bảo chính xác và cụ thể các số liệu.

Tỉnh Quảng Trị là nơi thường xuyên chịu ảnh hưởng của các loại hình thiên tai, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Đặc biệt, những năm gần đây do tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu cùng với sự tác động của quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tình hình thiên tai diễn ra càng ngày càng phức tạp và dị thường. Các loại hình thiên tai thường xuyên ảnh hưởng đến khu vực tỉnh Quảng Trị như: bão, áp thấp nhiệt đới, giông, sét, lốc, sạt lở đất, xâm nhập mặn, hạn hán, lũ lụt,.... Do đó, với mạng lưới các trạm quan trắc đo đạc điều tra cơ bản tài nguyên khí hậu, thủy văn và hải văn, ngành Khí tượng Thủy văn luôn đảm bảo chính xác, liên tục, thống nhất theo quy chuẩn kỹ thuật, quy trình chuyên môn. Số liệu phản ánh khách quan điều kiện tự nhiên, hiện trạng các hiện tượng khí tượng thủy văn, chất lượng đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.

Thực hiện nhiệm vụ của mình, các trạm khí tượng, trạm thủy văn luôn đảm bảo chính xác và cụ thể các số liệu. Cùng với đó, Trạm Khí tượng Hải văn Cồn Cỏ thực hiện quan trắc, đo đạc, lập báo cáo các yếu tố: gió bề mặt biển, tầm nhìn xa phía biển, mực nước biển, sóng biển, các hiện tượng hải văn nguy hiểm, diễn biến, dòng chảy trên biển và môi trường nước biển, nhằm kịp thời có những số liệu chính xác thông báo đến cơ quan chức năng, người dân cũng như ngư dân đánh bắt thủy hải sản trên vùng biển.

Đảo Cồn Cỏ có có diện tích tự nhiên khoảng 4 km2, độ cao trung bình từ 7 đến 10 mét so với mực nước biển, cách đất liền chừng 17 hải lý. Cồn Cỏ là địa phương không chỉ có ý nghĩa quan trọng về mặt quân sự mà còn giữ vị trí đặc biệt về khí tượng hải văn, khi đây được coi là “rốn bão”, khí hậu, thời tiết rất phức tạp, thường chịu ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới và gió mùa Đông Bắc. Vì thế “đón bão” là nhiệm vụ thường xuyên, quen thuộc của mỗi quan trắc viên ở Trạm Khí tượng Hải văn Cồn Cỏ.

Trạm Khí tượng Cồn Cỏ

Trước kia, việc quan trắc ở đây được thực hiện hoàn toàn thủ công; thông tin quan trắc được chuyển về bằng máy ecom, với những dãy số mã hóa khí tượng hải văn. Đến khi trên đảo có điện 24/24 giờ thì thông tin được truyền về Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Trung Trung Bộ bằng internet. Năm 2014, trạm được đầu tư Trạm Khí tượng tự động; năm 2016, trạm được đầu tư Trạm Hải văn tự động. Việc quan tâm đầu tư, hiện đại hóa khí tượng thủy văn đã giúp vơi bớt phần nào khó khăn cho những cán bộ quan trắc nơi đây. Theo anh Nguyễn Đình Nghị, Trưởng trạm Khí tượng Hải văn Cồn Cỏ, những ngày trời yên, biển lặng, các quan trắc viên trên đảo quan trắc 4 OBS/ngày, gồm cả 2 yếu tố: khí tượng và hải văn. Khi bão có nguy cơ ảnh hưởng thì phải trực 30 phút/lần cho đến khi bão tan.

Cán bộ Trạm Hải văn Cồn Cỏ luôn dõi theo từng hình thế thời tiết

Những khó khăn khi bão về

Hàng năm, trước mùa mưa bão trạm phải nghiên cứu bổ sung, cập nhật các phương án đo đạc, đảm bảo an toàn lao động phù hợp với từng cấp độ rủi ro thiên tai của từng loại hình thiên tai, thường xuyên ôn tập quy chuẩn kỹ thuật, thực hành quy trình chuyên môn.

Khi có thông tin bão hình thành, trạm phải nhanh chóng tiến hành kiểm tra, chằng chống, gia cố nhà cửa, công trình chuyên môn. Kiểm tra máy móc đang sử dụng và dự trữ, thông tin liên lạc đảm bảo máy móc hoạt động tốt, liên tục, thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống. Khi có bão trạm phải trực làm TYPH liên tục 30 phút/lần, cho đến khi bão tan hoàn toàn. Mỗi ca trực phải có 02 cán bộ đi đo đạc, 01 người thu thập số liệu khí tượng bề mặt, 01 người thu thập số liệu hải văn. Có những lúc anh em gần như thức trắng mấy đêm liền, chỉ mong bão suy yếu, mau chóng qua để được ngủ một giấc ngon lành.

Là trạm đảo ở khu vực miền trung nên hầu như năm nào cũng chịu ảnh hưởng của bão. Có những năm bão rất mạnh ảnh hưởng trực tiếp tới trạm, cán bộ viên chức trong trạm phải giằng co với bão từng phút một. Thời điểm khó khăn ác liệt nhất trạm phải chọn phương án cố thủ bảo vệ an toàn tính mạng cán bộ viên chức. Khi bão suy giảm cường độ ngay lập tức ra kiểm tra, khắc phục máy móc, công trình để tiếp tục tiến hành đo đạc.

Trạm nằm trên địa bàn huyện đảo có rất ít dân cư nên tàu bè đi lại hết sức hạn chế, đặc biệt là mùa mưa bão và mùa gió mùa Đông Bắc. Do đó, trạm phải chủ động chuẩn bị dự trữ lương thực thực phẩm đủ dùng cho ít nhất khoảng 01 tháng. Có những năm đặc biệt, biển động kéo dài đến gần 2 tháng nên trạm phải nhờ sợ hỗ trợ của đơn vị lực lượng vũ trang (Chủ yếu là gạo, đồ hộp, lương khô, mì tôm).

Có những cơn bão mạnh làm cho thông tin liên lạc trên đảo bị tê liệt, để chuyển được số liệu trạm sử dụng thông tin dự phòng để chuyển số liệu. Tuy nhiên, có những lúc bị nhiễu sóng không thể chuyển số liệu được trạm đã phải đi dò từng đường sóng từ đất liền ra để chuyển số liệu cho kịp thời.

Đồng chí Nguyễn Đình Nghị thực hiện quan trắc hải văn

Phát huy tinh thần gương mẫu của người chiến sĩ Khí tượng Thủy văn

Gắn bó với Cồn Cỏ từ tháng 9/2004 - 7/2010 và từ tháng 3/2017 đến nay, Trạm trưởng Trạm Khí tượng Hải văn Cồn Cỏ Nguyễn Đình Nghị luôn là một người Đảng viên gương mẫu.

Cán bộ viên chức trạm Cồn cỏ luôn đảm bảo số liệu được cập nhật liên tục và kịp thời

Nhớ lại những lần bão càn quét, anh Nghị kể: “Năm 2007, khi Trạm còn ở nhà cũ, các quan trắc viên phải “giằng co” với bão. Gió bật cả cửa, nước lùa vào phòng, anh em vẫn động viên nhau bám trụ tại trạm”. Đến năm 2013, cơn bão Wutif tràn tới, mưa nhiều gây ngập úng, sức gió mạnh làm gãy cột máy gió trong vườn khí tượng, cây cối tan hoang, đổ nát trơ trụi. Năm 2017, bão Doksuri về, anh em phải cố thủ trong phòng để bảo vệ tính mạng. Đến năm 2018, trạm được sửa chữa lại để tiếp tục phục vụ công tác quan trắc, phòng chống thiên tai”.

Để có được số liệu đảm bảo chính xác thì những người làm công tác khí tượng, thủy văn luôn thực hiện nghiêm túc lịch trực theo nhiệm vụ được phân công, không kể thời gian là đêm hay ngày và trong bất kỳ điều kiện thời tiết như thế nào cũng phải nỗ lực để hoàn thành công việc của mình, đặc biệt khi thời tiết xấu, có mưa bão, sấm chớp…thì cập nhật số liệu càng phải chính xác và đảm bảo. Dù trong điều kiện thời tiết như thế nào, gió bão càn quét hay lũ lụt hoành hành thì họ vẫn phải hoạt động liên tục để có những số liệu chính xác phục vụ cho công tác dự báo khí tượng thủy văn, giúp người dân có kế hoạch chủ động phòng tránh thiên tai. Là những người “đón bão, đo mưa” với hiểm nguy rình rập, nhưng vượt lên tất cả, trong họ tràn ngập lòng yêu nghề và sự hy sinh vì nghề...

Dự báo thời tiết trong thời gian tới vẫn còn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường khi liên tiếp bão và áp thấp nhiệt đới hình thành trên Biển Đông. Những người làm công tác hải văn luôn trong tâm thế sẵn sàng đương đầu với gió mưa, với nguy hiểm để đưa ra những dự báo, cảnh báo kịp thời, chính xác, góp phần hạn chế phần nào những thiệt hại do thiên tai gây ra đối với người dân. Ngày Khí tượng thế giới đang đến gần, đây cũng là dịp để tri ân những chiến sỹ trong ngành Khí tượng Thủy văn vẫn đang âm thầm làm công tác quan trắc, dự báo… nỗ lực hết mình vượt qua mọi khó khăn trên khắp mọi miền Tổ quốc.

Thu Hằng

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: