"Đầu tư 1 đồng cho Khí tượng Thủy văn sẽ đem lại lợi ích hơn 30 đồng"

Đăng ngày: 03-01-2022 | Lượt xem: 3152
Đầu tư 1 đồng cho KTTV sẽ mang lại hiệu quả kinh tế tương đương hơn 30 đồng. Nguồn lợi rất lớn từ dịch vụ KTTV giúp các đơn vị tái đầu tư, nâng cao hơn nữa chất lượng dự báo để cạnh tranh, phát triển.

Lịch sử nhân loại đã cho thấy thời tiết có ảnh hưởng đến mọi mặt trong đời sống. Ngày nay, mặc dù khoa học công nghệ đã phát triển vượt bậc và nhân loại đang trải qua giai đoạn đại nhảy vọt của nền công nghiệp số 4.0 thì sự phụ thuộc của con người vào thời tiết vẫn có xu hướng tăng lên chứ không giảm theo thời gian.

Điều này bắt nguồn từ sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm quá trình tăng trưởng theo cấp số nhân của các hoạt động giao thông hàng không, hàng hải, các hoạt động kinh tế xã hội mở rộng không chỉ ở vùng đồng bằng mà còn phát triển rộng khắp ở vùng núi cao ra tới biển khơi,…

Theo ông Trần Hồng Thái - Tổng cục trưởng Tổng Cục Khí tượng Thủy văn (KTTV), khi nền kinh tế tập trung hóa thiên tai sẽ xảy ra gây thiệt hại nhiều hơn.

“Quy mô kinh tế phát triển, xuất hiện các khu công nghiệp, khu kinh tế tập trung, khu dân cư đông đúc…sẽ phải làm những con đường dân sinh khiến thay đổi cấu trúc địa chất, lớp phủ thay đổi, rừng cũng mất một phần,…làm cho thiên tai khắc nghiệt hơn, tính tổn thương cũng cao hơn. Do vậy vai trò của dự báo KTTV trở lên rất quan trọng nên cần phải đưa số liệu dự báo làm đầu vào cho các ngành, địa phương để hoạch định, quy hoạch phát triển”, ông Thái cho hay.

Ông Thái cho rằng, hiện việc dự báo, cảnh báo KTTV ở Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu do thiếu các thông tin số liệu nền, không đủ độ chi tiết, không được cập nhật thực tế…

Hạn chế chủ yếu về khoa học công nghệ của cả hệ thống quan trắc, hệ thống thông tin và xử lý số liệu, phân tích dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn. Để nâng cao chất lượng dự báo KTTV trước tiên cần hiện đại hóa hệ thống quan trắc, hiện đại hóa thông tin dữ liệu và hiện đại hóa công nghệ dự báo. Để làm được việc này cần xã hội hóa, hình thành thị trường KTTV, từ đó có điều kiện tái đầu tư để ngày càng phát triển nhanh và bền vững hơn nữa.

Thực tế, hiện nay, có nhiều nước trên thế giới đã phát triển thị trường KTTV và gặt hái được nhiều thành công, trong đó các đơn vị sẽ tự đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị để nâng cao chất lượng dự báo.

“Theo đánh giá của Tổ chức Khí tượng Thế giới đầu tư 1 đồng cho KTTV sẽ mang lại hiệu quả kinh tế tương đương hơn 30 đồng. Nguồn lợi rất lớn từ dịch vụ KTTV giúp các đơn vị này tái đầu tư, nâng cao hơn nữa chất lượng dự báo để cạnh tranh, phát triển. Ngoài ra Nhà nước còn thu nguồn lợi rất lớn từ việc đóng thuế của các đơn vị này…”, ông Thái nhấn mạnh.


Thực tiễn hiện nay ở Việt Nam nhiều nơi đầu tư phát triển kinh tế tập trung quy mô lớn nhưng lại không quan tâm đến yếu tố dự báo KTTV trong quy hoạch tổng thể dẫn tới những hậu quả nặng nề

Các địa phương trước khi quy hoạch một vùng một ngành nào đó cần có số liệu KTTV làm đầu vào, từ đó quy hoạch sẽ tránh được những yếu tố thiên tai tác động tới.

Tại Việt Nam, mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển ngành KTTV đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó, mục tiêu chung đến năm 2030 phát triển ngành KTTV của Việt Nam đạt trình độ khoa học công nghệ tiên tiến của khu vực châu Á; đủ năng lực cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn đầy đủ, tin cậy, kịp thời đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia; hình thành và phát triển được thị trường dịch vụ, công nghệ KTTV phục vụ đa mục tiêu, đa lĩnh vực.

Đến năm 2045 phát triển ngành KTTV của Việt Nam có trình độ, năng lực tương đương các nước phát triển trên thế giới.

Chiến lược đặt ra mục tiêu đến năm 2030 tự động hóa đạt trên 95% đối với các trạm khí tượng, trạm đo mực nước, đo mưa, đo gió trên cao; phát triển, hoàn thiện mạng lưới trạm KTTV phục vụ nhu cầu của bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân trong các lĩnh vực có liên quan; 100% công trình phải quan trắc KTTV được thực hiện quan trắc và cung cấp thông tin, dữ liệu KTTV theo quy định của pháp luật.

Quan điểm của Đảng và Nhà nước hiện nay thể hiện rất rõ trong các quy định khi Nhà nước tập trung quan tâm đến các dịch vụ công thiết yếu. Các dịch vụ khác như của các ngành, lĩnh vực thì khuyến khích khối doanh nghiệp tham gia nhất là trong từng ngành từng lĩnh vực.

Theo ông Trần Hồng Thái, nếu muốn tái đầu tư để phát triển thì các doanh nghiệp trong ngành KTTV cần phải tự chủ được để khuyến khích và kéo được khối doanh nghiệp tham gia. Từ đó nâng cao chất lượng, biến sản phẩm KTTV phải đáp ứng được nhu cầu của từng ngành, từng lĩnh vực, từ đó khung dịch vụ trong thị trường sẽ hình thành và phát triển.

Muốn làm được việc này, ông Thái cho rằng cần đẩy mạnh quá trình xã hội hóa, từng bước hình thành, phấn đầu đến năm 2030 sẽ có thị trường KTTV để các doanh nghiệp có thể đầu tư cùng cạnh tranh nâng cao chất lượng dự báo, đáp ứng nhu cầu của từng ngành, tổ chức và cá nhân.

Ngoài việc dự báo phòng chống thiên tai nói chung đáp ứng theo yêu cầu dịch vụ công (toàn dân) như hiện này, theo xu hướng phát triển cần phải chi tiết hóa trong dự báo để nâng cao giá trị của thông tin dự báo, “chế biến” thông tin để phục vụ theo nhu cầu đặt hàng của các ngành, lĩnh vực và cả nhu cầu cá nhân.

Ông Thái khẳng định, tài nguyên số của ngành KTTV sẽ làm nền tảng cho các ngành phát triển: “Mục tiêu của ngành KTTV sẽ nâng cao năng lực và chất lượng dự báo để đáp ứng nhu cầu của thị trường dịch vụ về dự báo thời tiết trong tương lai. Nếu GDP đầu người trên 2.500 USD/1 người/1 năm thì thị trường dịch vụ KTTV sẽ bắt đầu phát triển dịch vụ dự báo thời tiết, lúc đó thông tin dự báo sẽ đáp ứng các nhu cầu khác nhau theo khung dịch vụ quốc tế. Các khu dân cư, khu du lịch, các công ty hàng hải, hàng không, những người yêu thích đi phượt, đánh gold…, cần số liệu dự báo tác động đến những nơi quan tâm”.

Trong năm 2018, được đồng ý của Thủ tướng Chính phủ cho phép thuê dịch vụ đo mưa tự động phục vụ công tác dự báo KTTV, đặc biệt là mưa, lũ, ngành KTTV đã triển khai lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ đo mưa tự động tại 370 điểm đo mưa, đưa vào hoạt động phục vụ kịp thời cho công tác dự báo, cảnh báo mưa, lũ, đặc biệt là lũ, lũ quét và sạt lở đất. Qua hơn 2 năm thực hiện cho thấy, số liệu đo mưa tự động của 370 trạm này được cung cấp kịp thời, ổn định, phục vụ hiệu quả cho công tác dự báo, cảnh báo mưa, lũ của ngành từ năm 2018 đến 2020. Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương tiếp tục thực hiện thuê dịch vụ đối với 1000 trạm đo mưa tự động, hiện nay đang được triển khai.

“Hiện nay ngành KTTV đang chuẩn bị những bước đầu tiên trong việc xã hội hóa, từng bước hình thành nền công nghiệp KTTV bằng việc, thay vì đầu tư các trạm quan trắc thì thuê doanh nghiệp đầu tư, tự lắp đặt mà duy tu bảo dưỡng các trạm. Ngành KTTV chỉ cần mua thông tin, số liệu quan trắc của họ theo yêu cầu của mình, rẻ hơn rất nhiều so với việc phải đầu tư, duy trì,…hệ thống trạm quan trắc”, ông Thái thông tin.

Trong chiến lược phát triển ngành KTTV đã nêu rất rõ, trong thời gian tới cần phân tách rõ giữa vai trò của các đơn vị sự nghiệp từ dịch vụ ra khỏi phục vụ. Từ đó, họ có trách nhiệm “chế biến” sản phẩm này theo nhu cầu của thị trường. Để làm được việc này thì từng bước nâng cao năng lực dự báo của mình, thiết bị, công nghệ để các sản phẩm mình phong phú, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Từ đó, cung sẽ gặp cầu, kích thích thị trường phát triển.

Cho đến năm 2030, ngành KTTV sẽ tăng dần tính tự chủ cho các doanh nghiệp KTTV hoạt động như các công ty và chuyển sang cơ chế đặt hàng./.

 Nguồn: vov.vn 

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: