‘Hạn hán, thiếu nước và xâm mặn xảy ra diện rộng và khó ứng phó’

Đăng ngày: 12-12-2019 | Lượt xem: 4556
Đó là cảnh báo được ông Vũ Đức Long, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia đưa ra trước tình trạng thiếu hụt nước trên toàn quốc hiện nay.

Xin ông cho biết tình hình thủy văn trong mùa lũ năm 2019 và hiện trạng nguồn nước trên các khu vực trên cả nước?

Trong mùa lũ năm 2019, trên các sông chính ở khu vực Bắc Bộ, sông Cửu Long chỉ xuất hiện lũ nhỏ, các sông ở Trung Bộ, Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ xuất hiện 5 đợt lũ vừa và nhỏ, riêng trên sông Srêpốk, sông Đồng Nai xuất hiện lũ lớn. 

Hiện nay, trên các sông suối ở khu vực Bắc Bộ lượng dòng chảy đang thiếu hụt từ 20 - 80% so với trung bình nhiều năm (TBNN); các sông ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên thiếu hụt từ 30 - 50%, có sông thiếu hụt trên 60%. Các hồ chứa hồ thủy điện vừa và lớn trên toàn quốc đều không đạt mực nước dâng bình thường. Tổng dung tích  các hồ chứa Hòa Bình, Tuyên Quang và Thác Bà chỉ đạt 65 - 85% dung tích thiết kế; các hồ ở khu vực Bắc Trung Bộ đạt khoảng 70 - 90%, Trung Trung Bộ đạt khoảng 40 - 70%, Nam Trung Bộ đạt khoảng 55 - 82%, khu vực Tây Nguyên đạt khoảng 80 - 90%.

Đối với sông Mê Kông trong mùa lũ năm 2019, lưu lượng dòng chảy vùng thượng nguồn sông Mê Kông (phần lưu vực thuộc Trung Quốc) về hạ lưu luôn ở mức thấp hơn TBNN. Từ 15/8 - 5/9, ở trung hạ lưu sông Mê Kông xuất hiện 1 đợt lũ, mực nước đỉnh lũ tại một số trạm chính đều vượt mức báo động lũ, sau đó xuống nhanh. Tổng lượng dòng chảy trong tháng 8 - 10/2019 tại trạm Kratie (Campuchia) đạt khoảng 135 tỉ m3 thiếu hụt so với TBNN khoảng 82 tỉ m3, thấp hơn cùng kỳ năm 2018 khoảng 112 tỉ m3. 

Hiện nay, mực nước tại các trạm trên dòng chính sông Mê Kông ở mức thấp hơn TBNN từ 0,5 - 3,0m và nhiều trạm đã ở mức thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc cùng kỳ. Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long đang ở mức thấp hơn 0,4 - 0,7m so với TBNN và tương đương cùng kỳ năm 2015.

Chú thích ảnh
Ông Vũ Đức Long, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia.

Với hiện trạng dòng chảy như vậy, ông đưa ra những cảnh báo, dự báo như thế nào trong thời gian tới?

Trong 6 tháng tới, nguồn nước trên các sông suối trên toàn quốc được nhận định là tiếp tục thiếu hụt nhiều. Mùa khô năm 2019 - 2020, tình hình khô hạn, thiếu nước có nguy cơ cao xảy ra tại một số tỉnh khu vực Tây Bắc, Đông Bắc, các tỉnh ven biển Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên. Đặc biệt là khu vực Nam Bộ.

Cụ thể: Khu vực khu vực Bắc Bộ được nhận định là nguồn nước tiếp tục thiếu hụt so với TBNN, thiếu hụt nhiều nhất tập trung trong tháng 12/2019 và tháng 1/2020 (thiếu hụt từ 20 - 40%); khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên nguồn nước cũng được nhận định là tiếp tục thiếu hụt từ 30 - 60%, một số sông thiếu hụt trên 70%, tại một số sông ở ven biển Trung Bộ khả năng xuất hiện mực nước thấp nhất lịch sử.

Khu vực Nam Bộ, dòng chảy trên sông Mê Kông về Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) từ tháng 12/2019 - 2/2020 là rất hạn chế (khả năng thiếu hụt từ 30 - 45% so với TBNN), tổng lượng nước về ĐBSCL khoảng 26 tỷ m3 thiếu hụt so với TBNN khoảng  3,5 tỷ m3.  Từ tháng 12/2019 đến tháng 2/2020, sẽ xảy ra thiếu nước và xâm nhập mặn ở ĐBSCL ở mức sớm hơn, sâu hơn và gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm.

Hiện dung tích trữ nước của các hồ thủy điện lớn trên lưu vực sông Hồng đang thiếu hụt so với yêu cầu tối thiểu theo Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng, các thủy điện lớn sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc cấp nước phục vụ đổ ải vụ Đông Xuân năm 2019 - 2020. 

Ông có những khuyến cáo với chính quyền địa phương các cấp và người dân?

Hiện nay, các bản tin cảnh báo thiên tai đã và đang được Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia và các Đài Khí tượng thủy văn thường xuyên và liên tục cập nhật trên các phương tiện truyền thông, và gửi đến các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền từ cấp tỉnh đến cấp huyện… Chính vì vậy, việc cập nhật thông tin thường xuyên là khuyến cáo đầu tiên đến các cấp chính quyền và người dân nơi chịu ảnh hưởng của thiên tai. 

Đồng thời, không chủ quan trước các hiện tượng thiên tai xảy ra. Hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn thường diễn ra từ từ, khó nhận biết như bão, lũ. Tuy nhiên, khi đã xảy ra thì thường xảy ra trên diện rộng, khó ứng phó.

Các địa phương cần chủ động cập nhật các bản tin dự báo thời tiết, khí hậu và các hiện tượng cực đoan phục vụ việc ra quyết sách ứng phó với thiên tai và chỉ đạo sản xuất .Thực hiện các giải pháp ứng phó và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra và tăng cường kiến thức cho cán bộ quản lý và người dân về thiên tai, hạn hán và các giải pháp ứng phó.

Với diễn biến thiếu hụt về nguồn nước trên lưu vực sông, các cơ quan, đơn vị có liên quan tới công tác tổ chức và thực hiện lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cần lấy nước sớm, chủ động trữ nước vào các khu trũng và hệ thống kênh mương, thực hiện nạo vét các cửa lấy nước và hệ thống kênh,  lắp đặt trạm bơm dã chiến và tăng cường vận hành để lấy nước. Đồng thời, công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh để nâng cao nhận thức của cộng đồng về sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. 

Đối với vùng ĐBSCL, cần thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, nguồn nước, xâm nhập mặn để vận hành, điều tiết công trình nhằm ngăn mặn, trữ ngọt hiệu quả vào hệ thống. Tổ chức đầu tư, đắp các đập tạm thời vụ để ngăn mặn, trữ nước ngọt phục vụ sản xuất, dân sinh. Chuẩn bị máy bơm, vật tư xăng dầu dự phòng, sẵn sàng bơm lấy nước ngọt, trữ vào hệ thống kênh mương, đồng ruộng khi có điều kiện thuận lợi, nhằm giảm thiểu thiệt hại do hạn hán và xâm nhập mặn gây ra.

Trân trọng cảm ơn ông!

Theo TTXVN

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: