An Giang xử lý sạt lở đất bờ sông

Đăng ngày: 19-05-2022 | Lượt xem: 1992
An Giang có rất nhiều sông, kênh, rạch. Địa chất yếu, tình hình khô hạn đến sớm và kéo dài, kết hợp mưa đầu mùa cường độ lớn, trong khi mực nước trên sông còn thấp, nước trong đất bị mất cân bằng. Tập quán dân cư sinh sống ven sông, kênh, rạch nhiều, hoạt động xây dựng làm gia tăng tải trọng lên đường bờ. Ngoài ra, dòng chảy bắt đầu mạnh khi nước từ thượng nguồn Mekong đổ về, gia tăng áp lực bào mòn nhanh vào đường bờ, dẫn đến sạt lở ở nhiều nơi. Đó là những yếu tố dẫn đến An Giang bị ảnh hưởng sạt lở nhiều hơn một số tỉnh ĐBSCL.

Theo kết quả quan trắc, cảnh báo sạt lở của Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang, năm 2021, trên địa bàn tỉnh có 56 đoạn thuộc diện cảnh báo; tăng 3 đoạn so với năm 2020 (tại thị trấn An Châu, xã An Hòa (huyện Châu Thành) và thị trấn An Phú (huyện An Phú), tổng chiều dài 181.450m (tăng 870m so với kỳ trước) trên tổng số 400km đường bờ. Điều này khả năng ảnh hưởng hơn 20.000 hộ dân, trong đó hơn 5.380 hộ dân cần di dời khẩn cấp ra khỏi khu vực sạt lở.

Theo Ban Chỉ huy Ứng phó với biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và phòng thủ dân sự tỉnh An Giang, hàng năm, Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang tổ chức quan trắc, cảnh báo sạt lở định kỳ 2 lần/năm; đo đạc, cảnh báo sạt lở đột xuất, làm cơ sở cho các địa phương và nhân dân trong vùng biết mức độ nguy hiểm; cắm mốc 186 biển cảnh báo sạt lở, để tuyên truyền và cảnh báo người dân trong vùng. Đồng thời, di dời hộ dân trong phạm vi có nguy cơ sạt lở đến khu dân cư tập trung; di dời công trình trên sông (nhà nổi, lồng bè, bến tàu...) nhằm điều chỉnh dòng chảy, hạn chế sạt lở.

Ngoài ra, tỉnh An Giang đã và đang triển khai một số đề tài nghiên cứu liên quan đến sạt lở, phục vụ công tác phòng ngừa và ứng phó, như: Áp dụng mô hình TELEMAC 3D để mô phỏng dòng chảy và vận chuyển trầm tích tại khu vực ngã ba sông Hậu, sông Vàm Nao; khoanh vùng cảnh báo sạt lở, xây dựng cơ sở dữ liệu địa hình đáy sông và giải pháp hạn chế thiệt hại do sạt lở gây ra tại các sông chính trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định 957/QĐ-TTg, ngày 6/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông và bờ biển đến năm 2030. Thông qua thực hiện Đề án khoanh vùng cảnh báo sạt lở, tỉnh ưu tiên nạo vét, chỉnh trị dòng chảy sông, rạch ở khu vực ngã ba sông, đoạn sông cong có diễn biến xói, bồi phức tạp, bằng cách huy động nguồn lực xã hội hóa.

Về công tác ứng phó, khi sạt lở xảy ra, cấp huyện chủ động thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ” (theo tinh thần Quyết định 01/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quy chế xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển). Đó là huy động lực lượng tại chỗ (lực lượng xung kích, dân quân, quân sự địa phương...) sơ tán khẩn cấp người, tài sản ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm và khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở nguy hiểm; thông báo, cắm biển cảnh báo, khoanh vùng ngăn người, phương tiện vào khu vực sạt lở, bố trí cán bộ trực canh theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở; xử lý bước đầu để hạn chế sạt lở.

Về công tác khắc phục, thực hiện theo phân cấp quản lý. Công trình thuộc cấp huyện quản lý thì cấp huyện chịu trách nhiệm xử lý. Công trình thuộc cấp tỉnh quản lý thì cấp tỉnh chịu trách nhiệm xử lý. Từ đó, đơn vị tổ chức lập phương án xử lý, phê duyệt phương án; huy động lực lượng, vật tư xử lý cấp bách theo quy định, đảm bảo an toàn, tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước.

Địa phương huy động nhiều nguồn lực (nguồn kinh phí hỗ trợ giá sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi, nguồn vốn Nghị định 35 của Chính phủ, ngân sách tỉnh, dự phòng ngân sách, quỹ phòng, chống thiên tai...) để gia cố đê bao, bờ bao, kinh phí trên 150 tỷ đồng/năm; Trung ương hỗ trợ thực hiện các dự án xử lý sạt lở khẩn cấp bờ sông. Ngoài ra, từ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ (theo Quyết định 1776/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) khoảng 3 tỷ đồng/năm, hỗ trợ cho 150 hộ dân di dời nhà do sạt lở, định mức 20 triệu đồng/hộ. Tỉnh còn sử dụng Quỹ Phòng, chống thiên tai và nguồn đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân, hỗ trợ người dân di dời.

Nhờ chủ động thực hiện tốt các nhiệm vụ trên theo phương châm “4 tại chỗ”, nên tỉnh đã hạn chế phần nào thiệt hại đối với nhiều hộ dân. Tuy nhiên, khó khăn tỉnh đang gặp phải, nằm ở chỗ: Thứ nhất, diễn biến sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch ngày càng phức tạp, xu thế sạt lở trên tuyến kênh, rạch cấp I gia tăng dần theo thời gian. Thứ hai, các cụm, tuyến dân cư để di dời, bố trí cho hộ dân vùng thiên tai sạt lở đặc biệt nguy hiểm của tỉnh đã bố trí hết, trong khi nhu cầu di dời dân cư trong khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm của tỉnh còn trên 5.000 hộ. Thứ ba, cơ chế, chính sách đặc thù liên quan đến huy động nguồn lực xã hội hóa trong phòng ngừa, ứng phó sạt lở còn hạn chế.

Xuất phát từ thực tế trên, tỉnh An Giang vừa kiến nghị Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, tham mưu Chính phủ tiếp tục hỗ trợ các tỉnh ĐBSCL nói chung, An Giang nói riêng. Đó là xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách đặc thù, ưu đãi để thu hút, khuyến khích tư nhân đầu tư xây dựng, quản lý công trình phòng, chống thiên tai (trong đó có sạt lở bờ sông). Trung ương cần tiếp tục hỗ trợ địa phương nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025, nguồn vốn dự phòng ngân sách hàng năm, để thực hiện các dự án cấp bách phòng, chống thiên tai, sạt lở, bố trí dân cư khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm.

N.H

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/an-giang-xu-ly-sat-lo-dat-bo-song-a333327.html

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: