Bắc Trung bộ ‘gồng mình’ chịu hạn

Đăng ngày: 23-07-2020 | Lượt xem: 5986
Tác động của biến đổi khí hậu trên toàn cầu đang diễn ra rất gay gắt, hậu quả từ những hiện tượng dị thường xảy ra còn nhanh hơn cả những kịch bản mới nhất được dự báo.

Sáng 22/7, tại TP Vinh (Nghệ An), Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị tăng cường công tác ứng phó với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn và phòng, chống thiên tai tại khu vực Bắc Trung bộ.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh tác động của biến đổi khí hậu trên toàn cầu đang diễn ra rất gay gắt, hậu quả từ những hiện tượng dị thường xảy ra còn nhanh hơn cả những kịch bản mới nhất mà quốc tế và Việt Nam dự báo.

Đài khí tượng thuỷ văn khu vực Bắc trung Bộ ghi nhận, từ đầu năm toàn vùng vùng chịu ảnh hưởng của 7 đợt nắng nóng, trong đó riêng tháng 5/2020 đến nay có đến 5 đợt nắng nóng trên diện rộng, hiện đợt nóng từ ngày 16/6 vẫn đang tiếp diễn.

Lượng mưa tích lũy từ đầu năm đến nay phổ biến từ 200- 500 mm, thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng kỳ 30-60%; riêng Hà Tĩnh, Quảng Bình thấp hơn 80%. Đây là đợt nắng nóng kéo dài nhất kể từ năm 1971.

Nắng lớn liên tục kéo theo lượng mưa tiểu mãn không đáng kể gây thiếu hụt trầm trọng nguồn nước, toàn vùng có khoảng 8.200 ha phải điều chỉnh giãn, dừng và chuyển đổi cơ cấu cây trồng (Thanh Hóa 3.200 ha, Nghệ An 5.000 ha).

 Ngoài ra 23.870 ha khác đang bị hạn, thiếu nước, cùng với Nghệ An là Thanh Hóa (9.000 ha), Hà Tĩnh (990 ha), Quảng Bình (840 ha) và Quảng Trị (4.140 ha).

Các địa phương đã chủ động rà soát diện tích có nguy cơ để chuyển đối sang cây trồng cạn (rau, màu, dược liệu, cây ăn quả…) nhằm hạn chế rủi ro và nâng cao hiệu quả sản xuất. Đến nay, các tỉnh Bắc Trung Bộ đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi trong vụ hè thu, mùa khoảng 5.319 ha (Thanh Hóa gần 3.000 ha, Nghệ An khoảng 1.740 ha, Quảng Trị gần 200 ha…).

Khó nhất là người dân tại một số địa phương chưa nhận thức đầy đủ được lợi ích của việc chuyển đổi, một bộ phận còn ngần ngại do nhìn nhận “sản xuất lúa để đảm bảo nhu cầu hàng ngày” và “lúa là một trong những cây trồng có khả năng áp dụng cơ giới hóa từ khâu làm đất đến thu hoạch, sản xuất lúa dễ làm không bị áp lực về tiêu thụ”.

Nguyên do nữa là đầu ra cho sản phẩm cây màu sau chuyển đổi còn bấp bênh, mặc dầu một số địa phương, doanh nghiệp đã thực hiện thu mua nhưng cơ bản chỉ với áp dụng trên mô nhỏ, chưa mang tính liên kết theo chuỗi, chưa gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ…

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu toàn vùng nghiên cứu kỹ các nội dung liên quan để có phương án điều tiết hiệu quả dung tích nước đang còn trong các hồ chứa, từ đó triển khai phương án bơm hiệu quả nhằm hỗ trợ, cứu kịp thời cho 26.000 ha lúa bị hạn. Riêng 46.600 hộ thiếu nước bằng mọi giá không để dân thiếu nước, kể cả phải áp dụng biện pháp chở nước đến cho dân

Về lâu dài, các tỉnh cần rà soát tái cơ cấu ngành theo hướng thích ứng, xác định các vùng sản xuất lúa an toàn, vùng chuyển đổi, vùng chuyển đổi linh hoạt và vùng đặc thù riêng biệt để xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp, hiệu quả và bền vững, thực sự chủ động để tránh tối đa nguy cơ rủi ro.

Quá trình thực hiện, đặc biệt chú ý đến vùng sinh thủy rừng vì đây là nơi sinh nước và giữ nước.

Ngoài ra, các cơ quan chuyên môn, các địa phương phải rà soát lại toàn bộ các thiết chế hạ tầng lớn, nhất là các hồ chứa nước để đánh giá chi tiết, kỹ lượng, từ đó tính toán lại phương án trị thủy các dòng sông hiệu quả hơn.

Theo baochinhphu.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: