Bến Tre công bố tình huống khẩn cấp do xâm nhập mặn

Đăng ngày: 15-01-2020 | Lượt xem: 1299
Ngày 14-1, UBND tỉnh Bến Tre đã ban hành Quyết định số 72/QÐ-UBND về tình huống khẩn cấp do xâm nhập mặn trên địa bàn. Theo đó, yêu cầu các ngành, các cấp, địa phương khẩn trương vào cuộc thực hiện các giải pháp trọng tâm phòng, chống, ứng phó tình huống khẩn cấp xâm nhập mặn.

Nông dân xã Ðức Ninh, TP Ðồng Hới (Quảng Bình) phun thuốc phòng trừ sâu bệnh. Ảnh: NGỌC LAN

Dự báo, độ mặn sẽ tiếp tục tăng cao và xâm nhập sâu trong tháng 1-2020; độ mặn 4‰ có khả năng xâm nhập cách các cửa sông khoảng 53 đến 68 km, độ mặn 1‰ hầu như bao trùm toàn tỉnh. Tỉnh tổ chức huy động mọi nguồn lực phục vụ hoạt động ứng phó xâm nhập mặn; triển khai ngay các công trình tạm để ngăn mặn, tăng cường tích trữ nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất.

* Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền nam, dự báo mặn sẽ xâm nhập sâu vào đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) đúng thời kỳ triều cường và chuẩn bị đón năm mới. Tại vùng ven biển ÐBSCL, nguồn nước ngọt có nguy cơ bị thiếu hụt cao, xâm nhập mặn dự báo tại các cửa sông Cửu Long có khả năng cao ngay trong tháng 1, tháng 2-2020.

* Tại Cà Mau, đến thời điểm này có hơn 16.500 ha lúa - tôm bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn; hơn 24 nghìn héc-ta lúa mùa, lúa đông xuân bị ảnh hưởng do thiếu nước; hơn 20 nghìn hộ dân khó khăn về nguồn nước sinh hoạt; có 11 điểm xảy ra sự cố sụt lún do hạn hán gây ra.

* Tại huyện Thới Bình (tỉnh Cà Mau) hiện có hơn 10.700 ha/18.600 ha sản xuất lúa - tôm thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn; trong đó, hơn 5.700 ha bị thiệt hại hơn 70%. Huyện Trần Văn Thời hiện có khoảng 150 ha lúa vụ đông xuân đang trong giai đoạn đẻ nhánh bị thiếu nước nghiêm trọng.

* Tập trung phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng

Tại các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu đục thân, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh đạo ôn,... đang gây hại trên lúa ở giai đoạn đòng đến chín. Trên cây trồng khác cũng xuất hiện sâu bệnh gây hại. Ngành nông nghiệp các địa phương cần sớm khuyến cáo nông dân chủ động phòng, chống.

* Tỉnh Bình Ðịnh đã yêu cầu ngành chức năng, chính quyền các địa phương tuân thủ nghiêm cẩn, không được tái đàn lợn ồ ạt, đồng thời tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Theo đó, đối với lợn giống chuyển từ địa phương này sang địa phương khác phải có xác nhận của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện. Còn nguồn lợn nuôi nhập từ các tỉnh khác về Bình Ðịnh, phải có giấy báo nhập với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh để kiểm tra.

* Theo UBND huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên, ổ dịch lở mồm long móng xảy ra trên đàn trâu tại xã La Hiên cơ bản được khống chế. Hiện số trâu mắc bệnh đã được cán bộ thú y huyện và xã hướng dẫn chữa trị, khử trùng tiêu độc và đang hồi phục trở lại. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đề nghị huyện Võ Nhai tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện nhanh để xử lý kịp thời các ổ dịch mới phát sinh. Trước đó, vào ngày 9-1, tại huyện Võ Nhai có 34 con trâu có triệu chứng điển hình của bệnh lở mồm long móng (trong đó có hai con nghé bị chết). Ðây là đàn trâu của 10 hộ dân ở xóm Cây Thị và Làng Giai thuộc xã La Hiên.

* Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, các tỉnh Bắc Bộ sáng và đêm có mưa nhỏ, mưa phùn và sương mù, trời rét. Trung Bộ ngày nắng, đêm có mưa vài nơi; Tây Nguyên và Nam Bộ đêm không mưa, ngày nắng. Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường yếu lệch đông nên trên vùng biển phía đông bắc khu vực Bắc Biển Ðông, vùng biển phía tây khu vực Nam Biển Ðông (bao gồm cả vùng biển phía tây quần đảo Trường Sa) tiếp tục có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7; vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió đông bắc mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7. Sóng biển cao từ hai đến ba mét, biển động. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.

Theo nhandan.com.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: