Biển "ngoạm" bờ, dân thấp thỏm lo âu

Đăng ngày: 21-01-2021 | Lượt xem: 1682
Sau trận lũ lịch sử vừa qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình xuất hiện hàng chục điểm sạt lở đe dọa trực tiếp đến tính mạng, đời sống người dân địa phương.

Là địa phương được bao bọc bởi núi cao và bờ biển dài nên sạt lở không chỉ xảy ra ở vùng rừng núi mà hàng chục km chiều dài bờ biển được kè chắc chắn cũng bị sóng đánh sập. Trong mưa lũ, hàng ngàn hộ gia đình được chuyển đi sơ tán do sạt lở. Sau lũ, nhiều hộ dân vẫn chưa thể trở về nhà do nỗi lo sạt lở đất và sóng biển đánh đổ nhà vẫn thường trực.

Chúng tôi có mặt tại nhiều điểm từng gây sạt lở lớn ở huyện miền núi Tuyên Hóa, Quảng Bình và chứng kiến cảnh người dân vẫn đang phải gồng mình để khắc phục đất đá sạt lở vùi lấp nhà cửa, ruộng vườn để ổn định cuộc sống. Trong và sau mưa lũ, sạt lở đã đe dọa đời sống của 71 hộ dân của huyện Tuyên Hóa, trong đó 41 hộ đã phải di dời khẩn cấp.

Sạt lở đe dọa tính mạng và ổn định cuộc sống của nhiều người dân Quảng Bình.

Tại xã Thạch Hóa có 22 hộ với 91 dân khẩu đã phải di dời khẩn cấp nhằm tránh sạt lở núi nghiêm trọng, nhiều căn nhà cũng đã bị đất đá vùi lấp. Do nhà cửa bị vùi lấp nên nhiều hộ dân nơi đây đã phải nương nhờ nhà anh em, người quen để sống tạm qua ngày. Bà Nguyễn Thị Lan, một người dân mất nhà do sạt lở buồn bã tâm sự: gia đình bà cả đời chắt chiu dành dụm làm được căn nhà nhưng đợt lũ vừa rồi đã vùi lấp tất cả, giờ gia đình đành phải tá túc tạm thời, không biết đến bao giờ mới có thể làm lại được nhà kiên cố để ở.

Ông Cao Xuân Bình, Chủ tịch UBND xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa cho biết, ngay khi sạt lở xảy ra, chính quyền địa phương đã lập tức di dời người dân để bảo đảm an toàn tính mạng. Giờ lũ lụt đã qua gần 2 tháng nhưng khu vực sạt lở vẫn rất nguy hiểm, không thể để người dân về nơi ở cũ. Chính quyền địa phương đang tìm địa điểm làm khu tái định cư để trình các cấp phê duyệt làm chỗ an cư cho bà con. Tuy nhiên, mọi việc còn rất khó khăn vì địa phương không có kinh phí để xây dựng cơ sở hạ tầng nơi tái định cư, và không có nguồn để giúp bà con dựng lại nhà cửa.

Ở huyện miền núi Tuyên Hóa không riêng gì xã Thạch Hóa mà nhiều địa phương khác như xã Đức Hóa, xã Thuận Hóa…cũng có hàng chục hộ dân phải di dời khẩn cấp do sạt lở núi. Thôn Đồng Lâm, xã Thạch Hóa có 27 hộ dân cần di dời gấp nhưng hiện nay chính quyền địa phương vẫn chưa có kinh phí và địa điểm để di dời. 

Ông Lê Nam Giang-Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa chia sẻ: Ngay sau lũ, chính quyền địa phương đã cùng với bà con nỗ lực hết mình để khắc phục hậu quả mưa lũ, còn sạt lở đất thì chưa thể khắc phục được. Tuyên Hóa là huyện miền núi, thu ngân sách không đáng kể nên không có kinh phí để xây dựng cơ sở hạ tầng. Trước mắt để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, huyện chỉ đạo các xã di dời người dân đến các nơi ở tạm, đồng thời giao các phòng, ban tìm địa điểm tái định cư và xin hỗ trợ từ cấp trên để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ người dân.

Sạt lở bờ biển đã ăn sâu vào làm hư hỏng đường giao thông ở xã Ngư Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình.

Rời Tuyên Hóa, chúng tôi ngược lên huyện biên giới Minh Hóa, Quảng Bình, nơi từng sạt lở nghiêm trọng làm tắc toàn tuyến quốc lộ 12A thông thương sang nước bạn Lào. Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa, ông Nguyễn Bắc Việt trầm tư khi nhắc đến sạt lở núi và bài toán an cư cho người dân trên địa bàn. Sau lũ, theo khảo sát hàng chục điểm ở các thôn, bản của huyện Minh Hóa cần phải di dời để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân như: bản Cha Lo, xã Dân Hóa 34 hộ với 132 nhân khẩu; ở xã Hồng Hóa cần phải di dời 11 hộ với 41 khẩu; ở thôn 1 Thanh Long, thị trấn Quy Đạt có 12 hộ dân cần phải di dời… 

Bên cạnh đó, người dân nhiều thôn, bản sinh sống dọc các tuyến đường như tuyến đường từ quốc lộ 12A vào vùng Lòm, xã Trọng Hóa; tuyến đường từ đường Hồ Chí Minh vào thôn Yên Phú, xã Trung Hóa; đường vào 3 bản đồng bào Rục, xã Thượng Hóa… luôn đặt chính quyền địa phương và người dân trong trạng thái nỗi lo sạt lở đất núi. Cũng như huyện Tuyên Hóa, bài toán an cư cho các hộ dân ở các điểm sạt lở nguy hiểm vẫn chưa thể giải quyết khi huyện Minh Hóa không có kinh phí để xây dựng các khu tái định cư.

Nỗi lo sạt lở không riêng gì các khu vực dân cư ở các huyện miền núi Quảng Bình mà ngay nhiều xã ven biển, chính quyền địa phương và người dân cũng đang gồng mình chống chọi sự tàn phá của sóng gây sạt lở. Tại bờ biển xã Ngư Thủy, huyện Lệ Thủy, hiện tượng bờ biển bị sạt lở nghiêm trọng do triều cường, sóng lớn đã khiến cho hàng trăm hộ dân đang sinh sống ở đây thấp thỏm, lo âu, những cánh rừng phi lao phòng hộ có tuổi đời hàng chục năm đứng trước nguy cơ dần biến mất… Xã Ngư Thủy có khoảng gần 20km chiều dài đường bờ biển. 

Theo các bậc cao niên của địa phương, những năm trước, bờ biển ở đây vẫn còn cách xa khu dân cư hàng trăm mét nhưng đến nay, bờ biển đã ăn sâu vào gần đến sát nhà dân. Đặc biệt, do bờ biển không có hệ thống kè chắn sóng, những cánh rừng phi lao phòng hộ ven biển đã bị sóng biển đánh bật qua hàng năm nên cứ mỗi khi gặp mưa bão, triều cường lại gây sạt lở. Và năm nay, tình trạng sạt lở bờ biển ở Ngư Thủy lại diễn ra nghiêm trọng hơn. Nhiều nơi bờ biển sạt lở lấn sâu vào đất liền từ 10-15m với hàng trăm mét chiều dài. Nhiều nhà dân đã bị sóng biển “ngoặm” mất hết cả vườn tược, sóng đánh vào tận chân tường nhà.

Ông Nguyễn Phương Thăng, Phó Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy cho biết, hiện tượng sạt lở bờ biển diễn ra nghiêm trọng ở xã Ngư Thủy từ cơn bão số 10 năm 2020 đến nay. Theo thống kê sơ bộ, toàn xã có hơn 14km bờ biển bị sạt lở, trong đó có 4 thôn có bờ biển sạt lở nặng gồm: thôn Tây Thôn, Liêm Nam, Liêm Bắc, Nam Tiến với chiều dài sạt lở khoảng 6km. Sạt lở bờ biển đã cũng đã cuốn trôi 20m đường bê tông; nhiều hàng cây chắn cát và vùi lấp, cuốn trôi hơn 100 cây phi lao phòng hộ ven biển, có tuổi đời hàng chục năm. 

Ông Mai Xuân Hiện (sinh năm 1969), một ngư dân ở Ngư Thủy cho biết: “Tôi đã bám biển hơn 30 năm nay nhưng chưa bao giờ thấy tình trạng sạt lở bờ biển diễn ra mạnh như năm nay. Năm 1985, ở đây cũng có tình trạng sạt lở bờ biển mạnh nhưng chỉ ăn sâu vào đất liền khoảng hơn 1m. Năm nay, bờ biển bị sạt lở nghiêm trọng nhất, có đoạn biển đã xâm thực vào bờ khoảng gần 20m. Con đường bê tông dẫn ra biển của thôn vừa được người dân làm, nay đã bị sóng biển đánh sập với chiều dài gần 20m. Nếu tình trạng sạt lở bờ biển như thế này còn kéo dài, người dân thực sự hoang mang, lo lắng”.

Theo cand.com.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: